(PLO) - Đó là câu hỏi dư luận đặt ra trước vụ việc bà ngoại, cậu ruột hành hạ cháu bé ba tuổi dã man ở TP.HCM và vụ việc này cũng không phải là cá biệt trong thời gian gần đây.
Câu hỏi này cũng được các chuyên gia xã hội học nghiên cứu về gia đình đặt ra trong Hội thảo khoa học quốc tế về gia đình Việt Nam mới diễn ra trong 2 ngày 7-8/11.
Khi cái ác không là cá biệt
Trong lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử phát triển gia đình Việt Nam nói riêng, hình ảnh người bà luôn gắn với sự yêu thương vô bờ bến, nguồn cội của sự hình thành nên nhân cách và thành công của các thế hệ cháu con. Ấy vậy mà lại có một người bà còn ác hơn quỷ dữ.
|
Cháu Trịnh Thanh Đức bị chính người thân đánh đập dã man. |
Đó là bà ngoại của hai cháu Trịnh Nguyễn Thành Đức (3 tuổi) và Trịnh Nguyễn Thành Đạt (7 tuổi) ở TP.HCM trong vụ việc cháu bé ba tuổi bị người thân bắt đi ăn xin xảy ra gần đây. Dù Đức và Đạt vẫn còn nhỏ tuổi, lại là máu mủ ruột rà với mình nhưng hàng ngày bà ngoại chúng là bà Trần Thị N. bóc lột chúng bằng cách bắt cậu ruột (con trai bà) dẫn hai đứa nhỏ đi xin tiền.
Khi hai đứa trẻ không có tiền đem về đồng nghĩa với việc chúng bị bỏ đói và đuổi ra ngoài đường, mặc mưa gió, lạnh lẽo. Có những ngày mấy đứa trẻ mệt quá, không chịu nghe lời bà ngoại đi xin tiền thì sẽ phải chịu những trận đòn oan nghiệt. Không chỉ ác với cháu ngoại, bà N. còn ác với chính người chồng đầu gối tay ấp của mình. Sẵn sàng bỏ đói, bỏ rét chồng ngoài đường cho đến chết chỉ vì ông này không kiếm ra tiền.
Điều đáng buồn là những vụ việc tàn ác trong gia đình không hề là cá biệt trong thời gian gần đây. Khi ngày ngày đầy rẫy những thông tin về người cha đánh con ruột gần chết rồi chở ra vứt ngoài nghĩa địa, anh chị em trong một gia đình thống nhất bỏ mặc cha mình nằm ngoài vỉa hè để gây sức ép với nhau trong câu chuyện tài sản…
“Khoảng trống” là nguyên nhân?
Không chỉ tồn tại trong dư luận xã hội mà những sự trăn trở này đã theo chân các chuyên gia xã hội học nghiên cứu về gia đình đến với Hội thảo khoa học quốc tế về gia đình Việt Nam diễn ra trong 2 ngày 7-8/11 tại Hà Nội.
Qua một quá trình nghiên cứu về mối quan hệ cha mẹ với con cái chưa thành niên ở Việt Nam hiện nay, Th.S Đặng Bích Thủy (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) đã chỉ ra những thách thức đã và đang có hiện nay. Đó là việc cha mẹ chưa thực sự là chỗ dựa của con cái trong cuộc sống tình cảm và tiếp nhận kỹ năng sống. Vẫn còn những đứa con chưa thành niên nhìn nhận mối quan hệ giữa mình và cha mẹ là xấu, thậm chí rất xấu (ở thành thị, với cha là 1,8%, với mẹ là 6%; ở nông thôn với cha là 8%, với mẹ là 2%).
Ngoài tình cảm huyết thống thì sự gắn kết của mối quan hệ cha mẹ - con còn dựa trên sự chia sẻ quan tâm/lo lắng. Nhưng có tới 41% chưa thành niên đồng ý và 29% đồng ý một phần với nhận định: lúc gặp khó khăn, cảm thấy nói chuyện với người ngoài dễ hơn với người trong gia đình. Chỉ có 2,6% trẻ chưa thành niên chọn tâm sự với cha mình, trong khi với bạn bè là 47,3%...
Nguyên nhân của những con số đáng buồn này, theo bà Đặng Bích Thủy, đó là do hiện nay có rất nhiều người cha, người mẹ không có thời gian dành cho con cái, thậm chí 10,1% người được hỏi cho biết họ hoàn toàn không trò chuyện với con. Và cũng từ lý do này mà mối gắn kết tình cảm, sợi dây giáo dục bị đứt gãy, tạo điều kiện cho cái ác len lỏi vào gia đình.
Chỉ nghiên cứu bó hẹp trong địa bàn Hà Nội nhưng Th.S Lê Ngọc Lân (Viện Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) đã chỉ ra rất nhiều “khoảng trống” trong việc giáo dục đạo đức, lối sống của gia đình hiện nay, mà nguyên nhân chủ yếu là do cha mẹ ít quan tâm đến con cái (chiếm tới 53,4%).
Tồn tại một nghịch lý rằng nhóm cha mẹ tuổi càng trẻ thì việc áp dụng khuôn mẫu trong dạy con càng lớn. Nhóm cha mẹ dưới 35 tuổi có tỷ lệ bắt con cái “luôn lắng nghe và làm theo người lớn” chiếm tới 20,6%, trong khi đó bản thân họ cũng chưa thể hiện được sự gương mẫu để con cái noi theo…