Giá vàng bất ngờ tăng vượt mốc 45 triệu đồng

Sáng nay, các thương hiệu vàng lớn đồng loạt đẩy niêm yết lên trên 45 triệu đồng, tăng hơn 1 triệu đồng so với hôm qua…

Sáng nay, các thương hiệu vàng lớn đồng loạt đẩy niêm yết lên trên 45 triệu đồng, tăng hơn 1 triệu đồng so với sáng hôm qua…

Tại TP HCM, giá vàng dao động từ 45,05 đến 45,10 triệu đồng. Sau phiên biến động lớn của thị trường quốc tế, các doanh nghiệp thận trọng để chênh lệch giữa giá mua và bán ở mức rất cao, từ 300.000 đồng đến 600.000 đồng một lượng.

Vàng SBJ của Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - SBJ) niêm yết quanh vùng 44,75- 45,05 triệu đồng/lượng, tăng tròn 1 triệu so với hôm qua.

Tập đoàn DOJI báo giá vàng tại hệ thống SJC Hà Nội ở mức 44,85 - 45,15 triệu đồng, mua vào bán ra tăng 1,12 triệu đồng so với cùng thời điểm sáng hôm qua.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng đã vọt tăng trong đêm qua từ mức quanh 1.656 USD, giá đột ngột dâng cao vào giữa phiên thẳng tiến và vượt mốc 1.700 USD.

Trong phiên ngày 25/10, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust tiếp tục mua vào 10,6 tấn vàng, nâng mức nắm giữ lên 1.344,16 tấn.

Ảnh minh họa.

Các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu dự định sẽ có cuộc họp thượng đỉnh kéo dài trong 2 ngày để thảo luận về kế hoạch giảm nợ cho Hy Lạp, tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại và tăng nguồn quỹ cho gói giải cứu.

Triển vọng kinh tế Mỹ không mấy khả quan và diễn biến bế tắc về giải quyết nợ công ở châu Âu lại là lý do khiến vàng trở nên có giá trị, trở lại với vai trò "vịnh tránh bão an toàn", sau khi đã rơi vào trạng thái "ngủ đông" trong vài tuần qua.

Giới phân tích lo sợ, việc các bộ trưởng bộ tài chính khu vực đồng Euro hủy họp có thể là tín hiệu cho thấy việc giải quyết khủng hoảng nợ công lại rơi vào bế tắc.

Một yếu tố khác cũng đang tác động trái chiều lên tâm lý nhà đầu tư trên các thị trường hàng hóa là tình hình kinh tế Mỹ có nhiều dấu hiệu bất ổn. Theo báo cáo ngày hôm qua của tổ chức Conference Board, chỉ số niềm tin tiêu dùng trong tháng 10 đã giảm xuống 39,8 điểm, thấp nhất kể từ tháng 3/2009 tới nay.

Charles Nedoss, chiến lược gia thị trường cao cấp thuộc hãng chứng khoán Olympus ở Chicago cho biết, chỉ số niềm tin tiêu dùng xuống mức rất thấp sẽ tăng áp lực lên giá chứng khoán và hỗ trợ mạnh cho thị trường trái phiếu. Bên cạnh đó, thị trường vàng cũng sẽ hưởng lợi từ những số liệu yếu kém này.

Trước đó, Hiệp hội Kinh tế và Kinh doanh Mỹ (NABE) cũng đã công bố kết quả khảo sát mới nhất với 70 chuyên gia kinh tế (thời gian từ 20/9 đến 5/10) cho thấy, kinh tế Mỹ có thể chỉ tăng trưởng cao nhất là 2% trong cả năm 2011.

Cũng theo NABE, biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ đã được cải thiện phần nào trong quý 3 vừa qua. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1/4 số công ty tăng giá sản phẩm, giảm so với khoảng 1/3 số công ty trong quý 2. Số doanh nghiệp cắt giảm lương cũng tăng từ 8% lên 13%, trong khi số công ty tuyển dụng thêm nhân công giảm từ 42% xuống 30%.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ 2,3% trong quý 3, so với mức tăng 1,3% của quý trước đó.

Tuy nhiên, bên cạnh vẻ u ám của kinh tế Mỹ, châu Âu, thế giới vẫn có cơ sở để lạc quan, khi một ngày trước ngân hàng HSBC công bố số liệu cho thấy hoạt động sản xuất tháng 10/2011 ở Trung Quốc đạt mức cao nhất trong năm tháng qua, giúp dịu đi nỗi lo hạ cánh "cứng" của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thông tin này hiện là động lực lớn nhất cho tất cả các thị trường.

P.Nam (tổng hợp)

Đọc thêm