Giải bài toán giảm mặt bằng lãi suất

“Dư địa giảm lãi suất vẫn còn” - đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Bảo - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ tại buổi làm việc mới đây giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) với các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm quyết tâm thực hiện chỉ đạo giảm lãi suất của Chính phủ.

“Dư địa giảm lãi suất vẫn còn” - đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Bảo - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ tại buổi làm việc mới đây giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) với các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm quyết tâm thực hiện chỉ đạo giảm lãi suất của Chính phủ. 

NHNN sẽ tăng cường sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng
NHNN sẽ tăng cường sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng

Giảm lãi suất huy động - những tín hiệu rõ ràng

Theo bà Dương Thu Hương - Tổng thư ký VNBA, có thể coi diễn biến lãi suất VND trên thị trường trong nửa đầu tháng 6 này như một “chuyển động đẹp” khi hầu hết các ngân hàng thể hiện sự đồng thuận giảm mặt bằng lãi suất VND trên thực tế. Thống kê của VNBA cho thấy, đã có 33 ngân hàng giảm lãi suất huy động (LSHĐ) xuống dưới 11,5%/năm; chỉ còn vài ngân hàng có LSHĐ từ 11,8% đến dưới 12%/năm.

Bà Hương nhận định: Xu hướng giảm lãi suất VND sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc giảm LSHĐ đối với một số ngân hàng sẽ gặp khó khăn, nhất là những NHTMCP nhỏ. Đại diện một NHTMCP cho biết, việc giảm LSHĐ đã khiến lượng vốn huy động  từ dân cư của ngân hàng này giảm mạnh. Tính chung, mỗi ngày tổng vốn huy động của họ giảm hàng trăm tỷ đồng so với trước. Mặc dù vậy, lãnh đạo ngân hàng này khẳng định sẽ quyết tâm thực hiện chỉ đạo giảm lãi suất của Chính phủ và NHNN.

Theo đánh giá của một chuyên gia ngân hàng, đây là thời điểm mà lượng vốn huy động đang trở nên rất “nhạy cảm” với lãi suất. Hay nói cách khác, chỉ một sự thay đổi nhỏ về lãi suất cũng có thể dẫn tới sự thay đổi lớn về lượng vốn huy động. Và đến nay, tâm lý chung của nhiều người vẫn là gửi tiết kiệm ngắn hạn. Một điểm đáng lưu ý khác, đó là LSHĐ của ngân hàng khó có thể giảm sâu chừng nào lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ (một công cụ đầu tư an toàn nhất) vẫn ở mức trên 11%/năm.

Như vậy, việc giảm sâu LSHĐ không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai, mà cần có lộ trình. Vì các NHTM vừa phải đáp ứng nhu cầu vay vốn, vừa đảm bảo khả năng thanh khoản. “Nếu phải giảm nhanh, giảm mạnh LSHĐ các NHTM sẽ khó đảm bảo hai yêu cầu trên. Tùy điều kiện của mình, NHTM đã, sẽ thực hiện lộ trình giảm LSHĐ. Xu thế giảm LSHĐ và cả lãi suất cho vay quá rõ. Điều đó thể hiện sự quyết tâm của toàn hệ thống ngân hàng trong việc thực hiện mục tiêu của Chính phủ...” - bà Hương khẳng định.  

Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm

Từ cuối tháng 4/2010, một số NHTM đã bắt đầu giảm giảm lãi suất cho vay (LSCV). Theo thống kê của NHNN, đến trung tuần tháng 6/2010, LSCV phổ biến đang ở mức 14% đến 14,5%/năm. Hiện đã có những khoản tín dụng được giải ngân ở mức lãi suất 12 %/năm.

Ông Nguyễn Hữu Đặng - Phó Tổng giám đốc NHTMCP Nhà TP Hồ Chí Minh (HDBank) cho biết: HDBank đang triển khai cho vay tín chấp xuất khẩu, với lãi suất ở mức 12%/năm. Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu  có thể vay không cần tài sản bảo đảm, được miễn giảm các phí dịch vụ, miễn phí sử dụng dịch vụ eBanking (chuyển tiền qua mạng), hỗ trợ thanh toán bằng ngoại tệ... Cụ thể, căn cứ vào hợp đồng và các hình thức thanh toán, HDBank sẽ có mức tài trợ khác nhau lên đến 90% giá trị L/C cho hình thức thanh toán L/C và lên đến 80% giá trị hợp đồng đối với thanh toán khác... 

 Nhìn chung hoạt động ngân hàng trong những tháng đầu năm không thuận lợi. Nhiều NHTM đã chấp nhận chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra khá thấp, có lúc chỉ 1,5% đến 2%/năm. Nguồn thu từ dịch vụ của nhiều NHTM cũng không được như kỳ vọng, thậm chí giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2009. Sức ép tăng vốn điều lệ, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định mới của NHNN cũng khiến các NHTM thêm khó khăn. Để LSCV giảm hơn nữa thì phải giảm được LSHĐ.

Nhưng ngay cả với mức LSHĐ như hiện nay, các NHTM đã khá vất vả mới đảm bảo được nhu cầu sử dụng vốn. Đại diện một NHTM lớn cho biết, trước mắt các NHTM sẽ giảm LSCV đối với 3 đối tượng khách hàng cần ưu tiên: các đơn vị sản xuất, kinh doanh các hàng hóa xuất khẩu; khu vực nông nghiệp, nông thôn; và doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trước những khó khăn của các NHTM trong quá trình thực hiện giảm lãi suất, đại diện lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN sẽ tăng cường sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đặc biệt, việc tiếp cận kênh tái cấp vốn sẽ trở nên dễ dàng hơn... 

Thuận An

Đọc thêm