Tôn Kiên trên thực tế là một danh tướng quan trọng trong tập đoàn Viên Thuật thời kỳ sáng nghiệp, cũng giống hệt như vai trò của Nhan Lương, Văn Xú trong tập đoàn Viên Thiệu. Tuy nhiên, xung quanh mối quan hệ này vẫn còn có nhiều vấn đề không chắc chắn.
Bí mật ngọc tỷ
Các sử gia đời sau, như Hồng Tiện, đã đề cập đến mối quan hệ giữa Tôn Kiên và Viên Thuật.Hồng Tiện cho rằng Viên Thuật “có chí nghịch loạn”, mà Tôn Kiên lại giúp Viên Thuật.Đó là một điều “cũng nên nghị luận”. Thực vậy, Viên Thuật không có địa bàn, Tôn Kiên đã giao địa bàn lại cho Viên Thuật. Viên Thuật gọi đi đánh ai, Tôn Kiên liền cun cút quay quân đi đánh kẻ đó.
Vấn đề nằm ở chỗ vào thời điểm Tôn Kiên hợp tác với Viên Thuật thì Thuật chưa hề tỏ lộ dã tâm, hoặc ít nhất là ta không có bằng chứng gì về việc đó. Vì vậy, có thể có hai khả năng: một, Tôn Kiên xem Viên Thuật như là vị quân chủ tiềm năng; hai, Tôn Kiên chỉ đơn thuần trung thành với quyết định của thượng cấp, theo kiểu một quân nhân.
Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu tâm trạng của Tôn Kiên khi từ một gã hổ báo lại biến thành con mèo nghe lời Viên Thuật. Tôn Kiên tuy đã là Ô Trình hầu, nhưng về căn bản chỉ là con trai một gã trồng dưa, xuất thân từ một xứ hẻo lánh. Ngược lại, Viên Thuật là sĩ tộc Nhữ, Dĩnh. Mà Nhữ Nam, Dĩnh Xuyên là trung tâm sản xuất danh sĩ. Viên Thuật lại là bốn đời Tam công, lúc gặp Tôn Kiên còn là Hậu tướng quân, có tham gia quan trọng trong việc tiêu diệt hoạn quan và hiện đang chạy ra ngoài để đánh Đổng Trác.
Xét về danh tiếng, về địa vị, về thần thế, về tính chính nghĩa, tất cả đều đủ làm cho Tôn Kiên lóa mắt, nguyện lòng phò tá.Trong mắt Tôn Kiên, nếu Viên Thuật không phải là minh chúa thì cũng là minh công. Câu hỏi đặt ra là khi Viên Thuật ra mặt xưng đế, Tôn Kiên có ủng hộ hay không? Chúng ta không hề có đáp án trực tiếp, nhưng lại có đáp án gián tiếp. Đó là sự kiện ngọc tỷ.
|
Minh họa Tôn Hạo thời nhà Thanh |
Ngô thư cho biết, khi Tôn Kiên tiến vào Lạc Dương, thấy ở giếng Chân Quan phía nam thành có luồng khí ngũ sắc, bèn sai mò thử, bắt được ấn ngọc truyền quốc của nhà Hán, trên khắc chữ: “Thụ mệnh vu thiên, kí thọ vĩnh xương”, vuông vắn bốn tấc, trên khắc hình năm con rồng, một góc bị khuyết. Ấn này là do lúc dẹp loạn Thập Thường thị, trong lúc vội vàng, viên quan giữ ấn đã ném nó xuống giếng.
Tôn Kiên bắt được ấn này, bèn giấu làm của riêng. Theo Sơn Dương công tái ký, khi Viên Thuật muốn tiếm hiệu, biết Kiên bắt được ngọc tỷ truyền quốc, bèn bắt giam phu nhân của Kiên để đoạt lấy ấn. Tôn Kiên bắt được ngọc tỷ lại không dâng cho Viên Thuật mà giấu cho riêng mình. Có thể xem đó là bằng chứng cho thấy lúc này Tôn Kiên không đặt quan hệ vua tôi với Viên Thuật.Thế nhưng tư tàng ngọc tỷ lại là vấn đề hết sức nhạy cảm.
Bùi Tùng Chi đã nói rằng: “Tôn Kiên trong lúc hưng binh vì nghĩa là hạng rất đáng khen, nhưng bắt được đồ thần khí của nhà Hán mà ém nhẹm không nói ra, thế là âm thầm có chí khác, há có thể gọi là trung thần sao?”. Tuy nhiên Bùi Tùng Chi lại cho rằng câu chuyện Tôn Kiên bắt được ngọc tỷ là không có thật.
Thực hư chuyện ngọc tỷ
Bùi Tùng Chi cho rằng ngọc tỷ truyền cho con cháu “nhất định phải để cho người phi thường nắm giữ”. Thế nhưng, “Tôn Hạo ra hàng, cũng không đưa nó đi cùng sáu cái ấn”. Nếu quả thật Tôn Kiên đã bắt được ngọc tỷ, mà Tôn Hạo không đem dâng “thì cái ấn ấy nay vẫn ở nhà họ Tôn. Kẻ thất phu mang ngọc bích cũng là có tội, huống chi là vật báu như thế!”. Bùi Tùng Chi cho rằng: ““Sử quan nước Ngô muốn làm rạng rỡ cho nước mình, nhưng chẳng biết là đã làm tổn hại đến cái đức tốt của Kiên”.
Cùng một lập luận như thế Giang Biểu truyện của Ngu Phổ thời Tấn lại đưa ra ý kiến hơi khác. Ngu Phổ dẫn lời Hiến Đế khởi cư chú nói rằng: “Thiên tử từ thượng du Hoàng Hà trở về, tìm được sáu cái ấn ngọc ở trên gác”. Lại nữa, vào đầu niên hiệu Thái Khang, Tôn Hạo hàng nhà Tấn chỉ đem theo sáu cái ấn vàng, không có ấn ngọc nào. Ngu Phổ cho rằng “rõ ràng là đồ giả”. Nói cách khác, sau loạn Thập Thường thị, Hán Hiến đế đã tìm lại được ấn ngọc ở trên gác chứ chẳng có ngọc nào rơi xuống giếng.
Cả Bùi Tùng Chi lẫn Ngu Phổ đều cho rằng khi hàng nhà Tấn, Tôn Hạo chẳng chứng tỏ gì là mình từng sở hữu truyền quốc ngọc tỷ, vì thế câu chuyện Tôn Kiên được ngọc tỷ trong giếng chỉ là chuyện bịa. Thế nhưng Triệu Nhất Thanh lại cho rằng Bùi Tùng Chi nói vậy là “chỉ biết một mà không biết hai”. Triệu Nhất Thanh đã giải thích rõ vì sao Tôn Hạo không sở hữu ngọc tỷ. Ông nói: “Tôn Kiên được truyền quốc tỷ từ trong giếng. Kiên chết, Viên Thuật bức ép phu nhân của Kiên để đoạt đi.Thuật chết, quân hắn bị phá. Từ Cầu đoạt được đem đi dâng”. Chính vì thế mà Tôn Hạo không thể có được truyền quốc tỷ. Có chứng cứ không? Có.
Thứ nhất, Hậu Hán thư, Viên Thuật truyện có nói: “Thuật có mưu đồ tiếm nghịch, lại nghe Tôn Kiên có được truyền quốc tỷ, bèn bắt vợ Kiên để đoạt đi”. Ghi chép này là phù hợp với Sơn Dương công tái ký. Thứ hai, trong Hậu Hán thư, Từ Cầu truyện lại có nói: Cầu “có được quốc tỷ bị trộm, đến khi trở về Hứa, bèn dâng lên”. Tiên hiền hành trạng cũng nói: “Sau khi Thuật chết, Cầu được tỷ của Thuật, đem về cho triều Hán”. Bởi vì ngọc tỷ đã sớm bị Viên Thuật đoạt mất, Tôn Hạo không có ngọc tỷ để dâng, chẳng có gì là lạ cả.
Thế nhưng ở đây còn có một chi tiết chưa được giải đáp. Lư Bật cho rằng: “Viên Thuật tiếm hiệu là vào năm Kiến An thứ hai (tức năm 197). Bấy giờ Tôn Sách đã sai tướng tới Phụ Lăng đón mẹ về Khúc A. Thuật sao có thể bắt được?”. Nhưng Hậu Hán thư của Phạm Diệp thì lại chép rõ việc bắt vợ Tôn Kiên để lấy ngọc tỷ là vào năm Sơ Bình thứ tư (năm 193).
Lúc này mẹ của Tôn Kiên ở Thư Thành và Tôn Sách thì đã lánh đến Giang Đô.Nghĩa là Viên Thuật vẫn có cơ hội bắt vợ Tôn Kiên để đòi ngọc tỷ. Huống hồ, sau khi Tôn Kiên chết thì cháu họ của Kiên làTôn Bôn đã đem hết quân của Kiên trở về lại chỗ Viên Thuật. Viên Thuật đã cho Bôn nối chức Thứ sử Dự Châu của Tôn Kiên. Nhà họ Tôn vẫn còn là thuộc hạ của Viên Thuật nên việc Thuật đòi được ngọc tỷ từ vợ Tôn Kiên cũng chẳng khó gì.
|
Tôn Kiên tìm được ngọc tỷ trong giếng |
Nhưng vấn đề lại còn nằm ở chỗ khi Tôn Kiên vừa mới cất nghĩa binh thì Tôn Sách đã đưa mẹ về huyện Thư. Tức là vợ của Tôn Kiên từ đó về sau khó mà được gặp Tôn Kiên. Kiên được ngọc tỷ ở Lạc Dương, sau đó lại quay về Lỗ Dương, nhận lệnh đi đánh Lưu Biểu và chết ở núi Hiện Sơn phía nam thành Tương Dương. Trừ phi Tôn Kiên được ngọc tỷ liền lén gửi về cho vợ giữ, không thì phu nhân Tôn Kiên chẳng thể nào có được ngọc tỷ.
Câu chuyện ngọc tỷ dù sao đi nữa cũng là việc được chính triều đình Đông Ngô xác nhận. Sau khi nước Ngô thành lập, chữ “Chân” trong tên giếng Chân Quan trở thành chữ húy của nước Ngô. Trần Dữ Quách nói rằng chữ “Chân” đó ban đầu âm đọc là “kiên”, nhưng vì nhà Ngô cho rằng Tôn Kiên được điềm triệu ngọc tỷ ở trong giếng Kiên Quan mới có được nước Ngô, nên lấy chữ đó là quốc húy, và chuyển sang đọc là “chân”. Sự kiêng tránh này còn truyền nối mãi đến mức âm “kiên” biến mất thay bằng âm “chân”. Đến thời Tống, Chân Triệt đậu Tiến sĩ.Lúc đọc tên, Lâm Sư xướng tên là Kiên Triệt.Vua Tống bảo rằng phải đọc là Chân. Vua tôi cãi nhau, đến nỗi Lâm Sư bị mất chức!
Câu chuyện truyền quốc tỷ có thể còn phức tạp hơn nữa. Thời Bắc Ngụy, Thái Vũ đế có đào được hai cái ngọc tỷ ở Nghiệp Thành, đều khắc chữ “Thụ mệnh vu thiên, kí thọ vĩnh xương”; một cái bên hông còn có khắc chữ “truyền quốc tỷ do Ngụy nhận từ Hán”. Đó có thể là cái mà Từ Cầu dâng cho nhà Hán. Còn cái không có khắc chữ bên hông có thể là ngọc tỷ mà bọn Gia Cát Lượng tuyên truyền là vớt được ở sông Hán lúc Quan Vũ đánh Tương Phàn.
Tôn Kiên phục vụ Viên Thuật, tư tàng ngọc tỷ. Những nghi vấn này còn chưa được làm rõ thì Tôn Kiên đã chết. Người xưa có thơ rằng: “Lúc Chu Công sợ hãi lời chê bai, khi Vương Mãng cúi mình đãi kẻ sĩ, nếu vào lúc đó cả hai đều chết thì đời sau làm thế nào biết được ai chân, ai ngụy?”. Tôn Kiên nếu còn thọ thêm thì sẽ là Chu Công hay Vương Mãng? Mối dây dưa giữa nhà họ Tôn với Viên Thuật cuối cùng sẽ được giải quyết như thế nào?.