Giải oan cho mảnh “đất dữ” luôn gieo rắc tai ương

(PLO) - Giữa chòm nhà đông đúc ở thôn Chánh Lý (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) là một mảnh vườn u tối, lạnh lẽo, trong đó có một ngôi nhà hoang xiêu vẹo đã 20 năm. Nhiều người mê tín cho rằng nguyên nhân khiến những người từng sinh sống ở đây rơi vào cảnh lụi bại là vì mảnh đất này bị... “ma ám”. Thế nhưng, sự thật thì không hẳn như vậy.
Lời đồn đại truyền miệng
Mảnh đất và ngôi nhà nói trên là của gia đình ông Phạm Văn An (SN 1959, hiện đang sống tại thôn Xuân An, xã Cát Tường). Nơi đó, mấy chục năm trước gia đình ông An từng sinh sống nhưng giờ chỉ còn là một rừng cây bạch đàn um tùm, chính giữa là 1 ngôi nhà hoang lạnh lẽo.
Ngôi nhà bỏ hoang đã 20 năm, mái ngói xập xệ, cửa nẻo trống trơn, tường bong tróc, ẩm mốc xen lẫn khí lạnh khiến bất cứ ai đặt chân đến đây cũng phải rợn người.
Theo ông Đặng Nghĩa, (SN 1950, xóm Lý Bình), từ xưa các cụ đã cho rằng mảnh đất nhà ông An vốn “khó ở”. Thời kháng chiến chống Pháp, mảnh đất được người ông họ của ông An là cụ Phạm Truyền sinh sống. Cụ Truyền có 3 người con, tất cả đều lớn lên khỏe mạnh nhưng đến khi trưởng thành thì đều chết bất đắc kì tử. Hai vợ chồng cụ Truyền sau đó cũng đột ngột qua đời, gia đình tuyệt tự, chuyện hương khói về sau phải do người thân đứng ra lo.
“Sau khi gia đình cụ Truyền lần lượt qua đời, ngôi nhà tranh của cụ ban đầu bị bỏ hoang vì không ai dám đến ở. Về sau người thân đói kém nên vào khai hoang trồng hoa màu. Năm 1978, ông An lấy vợ rồi xin gia đình cất nhà ở trên mảnh đất của người ông họ. Đến năm 1985, ông An cất nhà rồi đưa vợ là bà Đặng Thị Bốn (SN 1960) và 3 người con đến sinh sống. Ở đây chưa bao lâu thì tai hoạ ập đến”, ông Nghĩa chậm rãi kể.
Theo đó, khi mới sống tại mảnh đất này được nửa năm thì bà Bốn phát điên. Người phụ nữ đang khoẻ mạnh bỗng lên cơn sốt, nằm mê man vài ngày rồi trở nên điên dại. Ông An và gia đình chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn không bớt. Dân làng lại càng được dịp đồn đoán cho rằng, bà Bốn vì sống trên mảnh đất “bị ám” nên gặp tai kiếp. Ông An mê tín đi khắp nơi mời thầy pháp về lập đàn cúng bái, trừ giải tà ma cho vợ.
Ông Nghĩa kể về ngôi nhà "ma ám"
Theo những bậc cao niên kể lại, những người thầy cúng được ông An mời về đều cho rằng, cách duy nhất để bà Bốn khỏi bệnh là phải lập ngôi miếu nhỏ trước nhà để cúng kính. Ông An không tìm cách chạy chữa cho vợ mà cuối cùng lại nghe theo lời thầy pháp, tự tay xây cái miếu, ngày đêm hương khói. Thế nhưng bệnh tình bà Bốn chẳng những không thuyên giảm mà ngày một nặng thêm.
Tai hoạ liên tiếp
Thấy bệnh tình bà Bốn trầm trọng, trong làng có người mách nước với ông An rằng vợ phải sinh con thì mới bớt bệnh. Ông An cùng đường nghe theo, dù khi đó bà Bốn lúc tỉnh lúc mê. Năm 1986, bà Bốn sinh đứa con gái út khi đang mắc bệnh tâm thần. Đứa trẻ chào đời bình thường nhưng khi được hơn một tuổi thì thường ốm đau.
Năm 1987, trong một lần con gái út bệnh tình nguy kịch, ông An cùng người em trai định đưa lên huyện chữa trị. Thế nhưng khi ông vừa bế con gái lên thì đứa trẻ khóc thét lên một tiếng rồi tắt thở. Chớp mắt một cái đã mất đi con gái, ông An điếng người.
Ông An một mình chẳng thể lo được cho vợ tâm thần và 3 đứa con nhỏ dại. Năm 1989, ông xin phép hai bên gia đình lấy vợ 2 để có người chăm vợ bệnh tật và nuôi nấng 3 đứa trẻ nheo nhóc. Sau khi cưới vợ, ông An chuyển nhà qua thôn Xuân An (cách đó hơn 1km) để sinh sống. Riêng bà Bốn vì hay lên cơn điên nên phải ở lại trong ngôi nhà cũ, hàng ngày ông An cùng người thân thay phiên đến chăm nom. Về sau, bà Bốn được đưa vào viện tâm thần chữa trị cho đến nay nhưng vẫn chưa khỏi.
Gia đình ông An dù hứng chịu nỗi đau chất chồng nhưng bất hạnh chưa dừng lại. Ông An và người vợ hai là bà Đặng Thị Ba (SN 1970) sinh được 3 người con, cuộc sống khá êm ấm. Thế nhưng, năm 2009, trong một lần lặn lội buôn bán ở TP.Hồ Chí Minh thì bà Ba mất vì tai nạn giao thông. Nhìn cảnh nhà ông An, những người cuồng tín lại càng tin là họ bị “ma ám” nên mới ra nông nỗi vậy.
Chỉ là chuyện bịa đặt
Giờ đây, khi nhắc lại những bất hạnh của gia đình mình, ông An vẫn chưa hết bàng hoàng. Nỗi đau với ông dường như vẫn chưa chấm dứt, bởi người vợ điên dại vẫn đang sống trong bệnh viện tâm thần, chẳng biết khi nào mới khỏi bệnh.
Để tìm hiểu thực hư về câu chuyện, chúng tôi tìm đến cụ Võ Tấn Bá (SN 1920, một chiến sĩ cách mạng lão thành tại địa phương). Cụ Bá khẳng định, những chuyện về ma quỷ ở đây chỉ là do những người mê tín bịa đặt. Ông An cũng vì tin lời đồn nên mới mời thầy về cúng bái.
Bà Bốn- người vợ đầu của ông An
Sau này cũng vì lời đồn mà con cháu trong nhà chẳng ai dám đến mảnh đất đó sống nữa. Thực tế cho thấy, bốn phía mảnh đất nhà ông An, mọi người ở chỉ cách một hàng rào nhưng cuộc sống đều yên ổn chứ không hề có chuyện gì xảy ra. Trước đây cũng vậy và bây giờ vẫn vậy.
Ông Võ Tấn Tài (Trưởng thôn Chánh Lý) cũng lý giải: “Trước khi cất nhà, bà Bốn đã có những biểu hiện tâm thần nhẹ. Gia đình chủ quan không chữa trị nên khi đến nhà mới thì bệnh thêm nặng. Nhà ông An đúng là liên tiếp xảy ra nhiều chuyện đau lòng. Tuy vậy không hề có chuyện ma quỷ hại người gì cả, người dân  cứ chuyện gì không lý giải được thì lại quy hết cho “ma quỷ”, rồi lại tốn tiền cho các thầy bói, thầy cúng mà chẳng giải quyết được gốc rễ của vấn đề”./.