Giai thoại về cậu bé chăn trâu trở thành bậc quân sư kiệt xuất cho chúa Nguyễn

(PLVN) - Đào Duy Từ được đánh giá như một bậc quân sư kiệt xuất cho Chúa Nguyễn. Ông được triều Nguyễn sau khi thành lập coi là đệ nhất khai quốc công thần và thờ ông ở Thái miếu.
Họa hình chân dung Đào Duy Từ.

Đào Duy Từ (1572–7/12/1634), quê tại xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa, Đại Việt (nay là thôn Sơn Thắng, phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Ông là nhà văn, nhà thơ, học giả, chính trị gia… Ông có ảnh hưởng lớn đến chính trị thời Trịnh Nguyễn. Ông được xưng tụng là danh thần của Chúa Nguyễn. Tuy vậy, thời mới khởi nghiệp, ông chỉ là một người chăn trâu.

Đào Duy Từ có hiệu là Lộc Khê, bố ông là một xướng hát. Do bấy giờ coi người hát thuộc vào hàng “xướng ca vô loài”, nên công việc của bố ông đã ảnh hưởng không tốt đến công danh sự nghiệp sau này của Đào Duy Từ.

Cha mất sớm, môt tay mẹ nuôi nuôi Đào Duy Từ ăn học nên người. Ông được đánh giá là người sáng dạ. Có thuyết nói rằng, do là con của người hát, nên Đào Duy Từ được mẹ đổi họ là Vũ Duy Từ để đi thi. Và cũng do một vài lý do khác nên sinh thời Đào Duy Từ bị đánh tuột khỏi giải Á Nguyên, bị lột mũ áo đuổi về quê.

Mẹ ông nghe tin này đã tự vẫn. Đào Duy Từ biết chuyện nên buồn bã sinh bệnh, ở lại nhà trọ. Nghe tin Chúa Nguyễn ở Đàng Trong là bậc minh quân, đối đãi tốt với kẻ sĩ, nên Đào Duy Từ khăn gói vào Nam. Ông từng nói với bạn muốn giúp Chúa Nguyễn như Trương Lương giúp nhà Hán.

Tuy vậy, trước khi gặp được Chúa Nguyễn, Đào Duy Từ đã phải đi ở chăn trâu cho một gia đình phú ông. Một hôm, đi chăn trâu về, dắt trâu vào chuồng, thấy ở nhà phú ông có nhiều quan Nho, nên ông đã đi vào đàm luận.

Ban đầu, người ta tỏ ra coi thường người chăn trâu, nhưng khi nghe người chăn trâu nói về quân tử, tiểu nhân, kẻ chăn trâu anh hùng, kẻ chăn trâu tôi tớ, rồi bàn về Ninh Thích, Hứa Do, thì mọi người ngạc nhiên và rất trọng Đào Duy Từ. Họ coi Đào Duy Từ là bậc thầy cao minh.

Sau đó, tiếng tăm Đào Duy Từ đồn đến tai Chúa Nguyễn Phúc Nguyên, và được vời đến. Từ đây, Đào Duy Từ được Chúa Nguyễn trọng dụng. Đào Duy Từ đã đưa ra nhiều kế giúp cho Chúa Nguyễn bình ổn được Đàng Trong, được Chúa ví như Khổng Minh, Tử Phòng.

Chúa Trịnh biết tài Đào Duy Từ nên đã có ý mời ra, nhưng ông nhất quyết không ra phục vụ cho Chúa Trịnh. Tương truyền, những vần thơ quen thuộc mà trong dân gian lưu truyền như ca dao sau đây là của Chúa Trịnh viết ra để mời Đào Duy Từ:

"Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

Em có chồng anh tiếc lắm thay!"

Và Đào Duy Từ đã đáp lại:

"Ba đồng một mớ trầu cay

Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?

Bây giờ em đã có chồng

Như chim vào lồng như cá cắn câu

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ

Chim vào lồng biết thuở nào ra?"

Đào Duy Từ phục vụ cho Chúa Nguyễn được 8 năm thì mất, lúc ông 63 tuổi. Đào Duy Từ được đánh giá như một bậc quân sư kiệt xuất cho Chúa Nguyễn. Ông được triều Nguyễn sau khi thành lập coi là đệ nhất khai quốc công thần và thờ ông ở Thái miếu.

Đọc thêm