Giám đốc Cty cổ phần xi măng Hướng Dương rút tiền Nhà nước

Công an TP Hà Nội đã xác định hành vi của ông Đặng Lê Hoa, Giám đốc  Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương, có dấu hiệu lừa đảo và vi phạm pháp luật.

Nhận đủ tiền của Vietracimex nhưng trốn tránh nghĩa vụ giao hàng, Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương và Công ty TNHH cán thép Tam Điệp do ông Đặng Lê Hoa làm chủ còn kiện đòi hủy hợp đồng và tung tin lãnh đạo của Vietracimex có dấu hiệu tham nhũng. Vạn bất đắc dĩ, phía Vietracimex buộc phải tố cáo ông Đặng Lê Hoa về hành vi lừa đảo, trốn thuế. Hiện Công an TP Hà Nội đã xác định hành vi của ông Đặng Lê Hoa có dấu hiệu lừa đảo và vi phạm pháp luật, vụ việc tiếp tục được thụ lý giải quyết.

Nhận đủ tiền, giao hàng bằng lời hứa

Sau khi ký hai hợp đồng số 125, 126 mua xi măng, sắt thép xây dựng Nhà máy thủy điện Tà Thàng trị giá 186.444.640.000 đồng, Công ty cổ phần điện Vietracimex Lào Cai (bên mua) đã thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng cho bên bán là Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương và Công ty TNHH cán thép Tam Điệp. Bên bán mới giao cho bên mua số lượng vật liệu tổng trị giá 45.796.057.232 đồng. Số hàng còn lại, bên mua gửi tại kho của bên bán và bên bán có trách nhiệm vận chuyển giao hàng đến chân công trình Nhà máy thủy điện Tà Thàng (có biên bản bàn giao). 

Do thời gian này phía Vietracimex đang gặp khó khăn về tài chính, nên ông Đặng Lê Hoa với tư cách cá nhân đồng ý cho phía Vietracimex vay lại 87 tỷ đồng. Cần khẳng định rõ, khoản vay này độc lập, không có liên quan đến hai hợp đồng số 125 và 126. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, Vietracimex đã tự nguyện cam kết sẽ trả dần khoản nợ 87 tỷ đồng trên theo từng lần doanh nghiệp của ông Đặng Lê Hoa giao tiếp hàng cho Vietracimex theo hợp đồng 125, 126. Điều này đồng nghĩa với việc nếu bên bán giao hàng càng sớm thì khoản nợ trên được thanh toán càng nhanh. Có thể coi khoản vay này như một biện pháp bảo đảm để doanh nghiệp của ông Đặng Lê Hoa thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng.

Nhưng sau đó, do giá sắt thép tăng cao nên bên bán bằng nhiều lý do để trốn tránh nghĩa vụ tiếp tục giao hàng. Tại Công văn 250310 ngày 25/3/2010, ông Đặng Lê Hoa thừa nhận việc chậm giao hàng là do nguyên nhân khách quan, đồng thời hứa hẹn sẽ thực hiện đầy đủ theo hợp đồng để đảm bảo đúng tiến độ công trình, mong bên mua cảm thông và hợp tác. Đúng một tháng sau, ngày 25/4/2010, ông Đặng Lê Hoa lại ký tiếp Công văn 250410 với nội dung: hiện bên bán đã có đầy đủ hàng theo hợp đồng, đề nghị Vietracimex chuẩn bị kho chứa hàng  tại công trường thủy điện Tà Thàng để bên bán chuyển đủ số lượng hàng đến trước tháng 6/2010 theo hợp đồng đã ký. Phía Vietracimex đã tin tưởng vào lời hứa của ông Đặng Lê Hoa chuẩn bị đầy đủ kho bãi tập kết hàng, nhưng từ đó đến nay số hàng vẫn biệt tăm. Sau đó, bên bán kiện Vietracimex ra tòa đòi hủy hợp đồng, và còn tung tin thất thiệt có dấu hiệu tham nhũng lớn ở Vietracimex khiến doanh nghiệp này bị thiệt hại nghiêm trọng.

Chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT

Đơn tố cáo của phía Vietracimex thể hiện: Do doanh nghiệp của ông Đặng Lê Hoa là doanh nghiệp sản xuất nên có thể tại thời điểm ký hợp đồng chưa có hàng nhưng thời gian sau sẽ sản xuất hàng đầy kho. Tin tưởng và tạo điều kiện cho đối tác nên phía Vietracimex vẫn giao đủ tiền, để Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương và Công ty TNHH cán thép Ninh Bình xuất đủ hóa đơn.

Phía Vietracimex không ngờ, bằng thủ đoạn gian dối, lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước năm 2009 về việc giảm 50% thuế suất GTGT cho các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên ông Đặng Lê Hoa đã ép phía Vietracimex phải nhận hóa đơn giá trị gia tăng và nhận hàng (trên giấy) ngay trong năm 2009 nhằm mục đích trốn một khoản thuế GTGT của Nhà nước. Cụ thể, bên bán đã xuất hóa đơn GTGT năm 2009 (ngày 22/12/2009) với tổng số tiền trên thuế 8,7  tỷ đồng. Nếu bên bán viết hóa đơn năm 2010 thì phải nộp thuế gấp đôi (trên 17 tỷ).


Ngoài hành vi gian dối, chiếm đoạt tiền thuế GTGT của Nhà nước kể trên, phía Vietracimex còn tố cáo doanh nghiệp của ông Đặng Lê Hoa dùng thủ đoạn gian dối, lừa đảo chiếm đoạt của Vietracimex khối lượng hàng hóa đã mua trị giá 140 tỷ đã làm thủ tục gửi kho của bên bán.

Cần nhìn nhận đúng bản chất sự việc

Trong đơn gửi cơ quan chức năng và cơ quan báo chí, phía Vietracimex trình bày: Trong thời gian vụ kiện tranh chấp hợp đồng bị tạm đình chỉ để chờ kết quả điều tra dấu hiệu hình sự tại doanh nghiệp của ông Đặng Lê Hoa, lãnh đạo Vietracimex lại lao đao vì bị tung tin thất thiệt rằng có dấu hiệu tham nhũng lớn ở doanh nghiệp này, thể hiện ở các khoản vay cá nhân với ông Đặng Lê Hoa.

Tại Biên bản đối chiếu số liệu giữa doanh nghiệp của ông Đặng Lê Hoa và Vietracimex được lập tại TAND huyện Bảo Thắng (Lào Cai) vào ngày 7/6/2011, ông Đặng Lê Hoa cố tình nhập khoản nợ 87 tỷ đồng đã cho Vietracimex vay để đối trừ vào giá trị hợp đồng 125, 126. Tuy nhiên, quan điểm của Vietracimex thì đây là khoản vay độc lập, chính ông Đặng Lê Hoa cũng thừa nhận ông ta cho đối tác vay với tư cách cá nhân, vì vậy đương nhiên nó tồn tại độc lập, không thể đối trừ vào giá trị hợp đồng 125, 126. Phía doanh nghiệp của ông Đặng Lê Hoa còn nợ Vietracimex trên 140 tỷ đồng do chưa thực hiện xong hợp đồng 125, 126.     

Vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” giữa Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương và Công ty TNHH cán thép Ninh Bình với Công ty của Vietracimex đã được TAND huyện Bảo Thắng tạm đình chỉ để chờ Công an TP Hà Nội điều tra, xác minh dấu hiệu  phạm pháp của ông Đặng Lê Hoa. Hiện Công an TP Hà Nội đang khẩn trương thụ lý giải quyết theo tinh thần Công văn chỉ đạo số 259/C11 (C15) ngày 19/3/2010 do Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm Bộ Công an ký.

Trần Nguyên

Đọc thêm