Chậm, hủy chuyến bay: Cục Hàng không bị “điểm huyệt”

(PLO) - “Giải pháp đầu tiên để giảm chậm chuyến là phải đổi mới toàn diện triệt để Cục hàng không Việt Nam, chứ không phải bắt hãng nọ hãng kia ngừng việc chậm, hủy chuyến, Cục phải thấy được sự trì trệ, chậm đổi mới của mình”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
Chậm, hủy chuyến bay: Cục Hàng không bị “điểm huyệt”
Sáng 11/7, tại cuộc họp với các đơn vị liên quan tìm giải pháp khắc phục tình trạng chậm, huỷ chuyến bay tăng cao trong 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đưa ra nhiều ví dụ minh chứng Cục Hàng không chưa làm “tròn vai” của mình. Bộ trưởng chỉ rõ khuyết điểm của Cục Hàng không là còn tư duy quản lý nhà nước theo lối đá bóng trách nhiệm, không nhận thức được vấn đề chậm, hủy chuyến trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính Cục Hàng không. Bộ trưởng yêu cầu Cục hàng không “phải thay đổi suy nghĩ, phải thể hiện trách nhiệm”.

Giải trình trước Bộ trưởng Đinh La Thăng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh có một báo cáo khá dài đưa ra 5 nguyên nhân dẫn đến chậm, hủy chuyến gồm: do thời tiết, do khai thác của các hãng hàng không (kỹ thuật, máy bay về muộn, chờ khách…), trang thiết bị dịch vụ của sân bay thiếu, do tắc nghẽn không lưu và các nguyên nhân khác...Trong 5 nguyên nhân này, nguyên nhân do khai thác của các hãng hàng không chiếm  tỷ lệ cao nhất, 72,7%. Kế hoạch khai thác nhiều trong khi số lượng tàu bay hạn chế, thời gian quay đầu nhanh, khi một tàu bay bị lỗi kỹ thuật hoặc thời tiết xấu nằm lại tại một cảng hàng không sẽ kéo theo rất nhiều chuyến bay kế tiếp ở các cảng hàng không khác bị ảnh hưởng dây chuyền vì không có tàu bay bổ sung.

Báo cáo của Cục Hàng không "vấp" phải sự phản ứng gay gắt của Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Báo cáo của Cục Hàng không chưa làm rõ vấn đề. Các anh chưa nhận ra khuyết điểm của anh, của ngành hàng không thì chưa thể có giải pháp hữu hiệu được”.

Trước lập luận sắc bén của Bộ trưởng Thăng, Cục trưởng Lại Xuân Thanh thừa nhận đúng là Cục Hàng không lâu nay chưa đi sâu vào các nguyên nhân dẫn đến chậm, hủy chuyến bay nên chưa phân tích được thấu đáo các nguyên nhân và việc tìm giải pháp khắc phục mới chỉ đang… “khởi động”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng tiếp tục phê bình:“Các anh chưa làm hết trách nhiệm của mình. Các anh chê trách doanh nghiệp thế có biết người ta lăn lộn như thế nào để kinh doanh hay không. Tôi đã từng nói nhiều lần, quản lý nhà nước phải nhảy xuống bơi cùng doanh nghiệp chứ đừng đứng trên mà hướng dẫn. Phải bơi để biết nước lạnh hay nóng, sóng to hay nhỏ, có vật cản hay không. Có như thế mới hiểu được doanh nghiệp cần gì, phải làm gì để gỡ khó cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng yêu cầu ngay trong tháng 7, Cục Hàng không phải xây dựng, hoàn thiện Đề án đổi mới toàn diện nâng cao năng lực QLNN về hàng không, thực hiện ngay việc giám sát việc chậm hủy chuyến, nội dung, quy trình giám sát phải công bố công khai.

 “Truy” rõ trách nhiệm: “chậm, hủy chuyến bay trách nhiệm trước hết thuộc Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Vận tải, sau đó đến Tổng công ty Cảng, Tổng công ty quản lý bay rồi mới đến các hãng hàng không”, Bộ trưởng Thăng khẳng định quản lý nhà nước chưa “tròn vai” nhưng phía doanh nghiệp cũng chưa phối hợp tốt với cơ quan quản lý nhà nước và bản thân các hãng hàng không cũng phối hợp với nhau chưa tốt, có biểu hiện của cạnh tranh không lành mạnh.
“Làm kinh doanh đương nhiên phải nghĩ đến lợi ích, hiệu quả kinh tế nhưng “đừng tham bát bỏ mâm”. Lợi ích khách hàng phải trên hết thì mới tạo được sự bền vững trong phát triển”, Bộ trưởng khuyến cáo các hãng hàng không đồng thời chỉ đạo Cục Hàng không phải rà soát lại cấp slot (kế hoạch thời gian đến hoặc đi từ một sân bay giành cho một máy bay vào một ngày giờ nhất định) cho các hãng, các hãng để xảy ra tình trạng chậm hủy chuyến nhiều có thể bị thu hồi giấy phép.

Trước chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng giao thông, các đơn vị liên quan tới tình trạng chậm, hủy chuyến bay tăng cao trong 6 tháng vừa qua phải “tâm phục, khẩu phục” và cam kết thay đổi. Vietjetair sẽ thực hiện 8 biện pháp hạn chế chậm chuyến và 5 chính sách phục vụ hành khách nhằm hạn chế tình trạng chậm chuyến, cam kết trong tháng 8 sẽ giảm ngay một nửa chuyến bay bị chậm và đến tháng 9 duy trì được 95% chuyến bay đúng giờ. Jetstar Pacific cũng cam kết đến tháng 11 sẽ đạt được tỉ lệ 85% chuyến bay đúng giờ.

Đọc thêm