Giọt mồ hôi lặng lẽ phía sau kỷ lục xuất khẩu 8 triệu tấn gạo

Năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam lập kỷ lục xuất khẩu 7,72 triệu tấn gạo, vươn lên vị trí hàng đầu thế giới. Nụ cười rạng rỡ trên môi mọi người, có ai nhớ phía sau con số này là những giọt mồ hôi lặng lẽ của những nhà khoa học chuyên nghiên cứu lúa giống.

Năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam lập kỷ lục xuất khẩu 7,72 triệu tấn gạo, vươn lên vị trí hàng đầu thế giới. Nụ cười rạng rỡ trên môi mọi người, có ai nhớ phía sau con số này là những giọt mồ hôi lặng lẽ của những nhà khoa học chuyên nghiên cứu lúa giống.

Bạn của nhà nông

Trăn trở từ bấy lâu nay của TS. Vũ Hồng Quảng, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu lúa (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) là hiện có quá nửa diện tích trồng lúa lai phải dùng giống nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, ước nhập khẩu 15 nghìn tấn lúa giống mỗi năm. Giá từ 50 – 70 nghìn đồng/kg, như vậy mỗi năm cả nước mất hàng chục nghìn tỉ đồng chỉ để mua lúa giống nước ngoài. Yếu tố phụ thuộc vào thị trường cung cấp hạt giống nước ngoài không chỉ “tiếp tay” cho các công ty bán hàng ép giá nông dân mỗi khi vào vụ, mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới sự chủ động nguồn lương thực quốc gia.

TS Vũ Hồng Quảng
TS Vũ Hồng Quảng

Trước tình hình đó, Viện đã nghiên cứu ra giống lúa Việt lai 20, giống lúa lai đầu tiên của Việt Nam với ưu điểm thời gian sinh trưởng ngắn; chỉ khoảng 110 ngày vụ đông xuân, 85 ngày vụ hè thu là có thể thu hoạch; kháng bệnh cao; phù hợp cả vùng đồng bằng và miền núi, vùng đất không màu mỡ; năng suất từ 6,5 - 8 tấn/ha...

Những ưu điểm này cũng cho phép “giải phóng” đất sớm để có thể gieo trồng các loại rau màu khác sau mỗi vụ lúa. Tiềm năng sản xuất giống của cả giống bố mẹ và F1 đều cao, góp phần làm giảm giá hạt giống đáng kể so với các giống lúa nhập khẩu khác. Giống lúa lai mới đã nhanh chóng được nông dân canh tác trên diện rộng khắp cả nước.

“Thừa thắng xông lên”, Viện tiếp tục lai tạo giống lúa lai Việt lai 24, cho năng suất 8 – 10 tấn/ha, trồng được trên những vùng đất kém dinh dưỡng, kháng được bệnh bạc lá, chất lượng gạo được đánh giá tốt, không bạc bụng. So với tất cả các giống lúa lai hiện có ở Việt Nam, giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn ngày nhất, ít hơn các giống lai nhập khẩu khoảng 15 - 20 ngày.

Những giống lúa lai nhập khẩu như Khang Dân 18, Q5 được nông dân nước ta quen trồng từ nhiều năm nay đã dần bị đánh bại bởi những giống lúa mới do Viện nghiên cứu. Đơn cử như BQ10, không chỉ có những ưu điểm tương tự như các giống nhập khẩu là cho năng suất cao, dễ trồng; mà còn những ưu điểm vượt trội khác như tính chịu thâm canh, kiểu hình đẹp, hạt đẹp, chống đổ rất tốt ở nhiều chân đất… Những giống lúa lai 100% “made in Việt Nam” đã giúp nông dân giảm bớt chi phí mua lúa giống, bổ sung cơ cấu giống lúa ngắn ngày, chuyển dịch cơ cấu cây trồng khiến chất lượng và sản lượng lúa liên tục được nâng cao; giúp ngành nông nghiệp hạn chế phụ thuộc vào nguồn giống nước ngoài.

TS Quảng cho biết những cán bộ trong các viện nghiên cứu lúa trên cả nước không chỉ nghiên cứu giống mới, mà còn mở rộng các vùng sản xuất hạt lai để cung ứng cho thị trường trong nước, có khả năng sản xuất được hơn bốn nghìn tấn lúa giống mỗi năm. Con số trên tuy chưa chiếm tỉ lệ áp đảo so với nhu cầu 15 nghìn tấn lúa lai giống, nhưng đã là tín hiệu đáng mừng cho ngành nông nghiệp.

Gian nan hành trình “thai nghén” giống lúa

Ít ai biết trong hành trình “thai nghén” giống lúa mới, có khi chỉ để nghiên cứu thành công một gen tốt, các nhà khoa học phải gian nan suốt 9 năm trời.

Theo TS Quảng, trong quá trình nghiên cứu, khâu chọn giống là quan trọng nhất. Người chọn giống muốn thành công ngoài khả năng chuyên môn còn phải am hiểu xã hội, những vấn đề của nông dân, nguồn nước, địa hình, điều kiện khí hậu… Thế nên mới có chuyện những nhà khoa học nghiên cứu giống lúa lang thang quen cuộc sống lang thang như dân du mục, nay ở Lào Cai, có khi mai lại tít tắp tận Quảng Nam, Đắk Lắk…

Giữa trưa nắng gắt, nếu thấy một người dáng lom khom, mặc áo bay, đầu đội mũ cối, quần xắn cao tới đầu gối, đeo túi đựng đầy những tập hồ sơ đang lội dọc cánh đồng “sờ mó” ngắm nghía từng cây lúa… thì đó chỉ có thể là nhà nghiên cứu giống lúa. Công việc chọn giống cần sự thận trọng, tỉ mỉ và chính xác. Giữa bạt ngàn cánh đồng với hàng triệu cây lúa, người nghiên cứu phải xem đến từng cây mới may ra tìm được một cây có tổ hợp gen tốt, rồi từ đó nghiên cứu tiếp.

Chưa hết. Đã cho ra đời một giống lúa tốt, chất lượng, năng suất, sản lượng đều cao hơn nhưng nếu không giải được “bài toán” thói quen của nông dân, của người tiêu thụ, thì có khi công sức của các nhà khoa học cũng “đổ sông đổ biển”. Nhiều gia đình nông dân chỉ trông chờ, phụ thuộc duy nhất vào ruộng lúa nên khi quyết định chuyển sang một giống lúa mới, họ phải được cam kết chắc chắn rằng giống lúa đó sẽ thành công, được thị trường chấp nhận, người tiêu thụ ưa dùng. Không ít lần Viện phải đổ bỏ toàn bộ số lúa giống mới sản xuất được.

TS Quảng đưa ra ví dụ như năm 2010, đơn vị này phải “ném rác” toàn bộ số lúa giống có chi phí lên tới 2 tỉ đồng. “Vì giống dự định cung cấp đại trà cho cả nước nên phải “hi sinh” chi phí ban đầu, còn hơn sau này có khi người dân thiệt hại tới hàng chục, hàng trăm tỉ đồng”, TS Quảng nói.

Nói về nghề mình đang làm, những cán bộ nhân viên trong Viện lúa thường nói vui với nhau là nghề “lập dị”. Nói như vậy bởi nghề đặc thù này đòi hỏi những người nghiên cứu phải có cái nhìn xa, trông rộng, phải đi trước tương lai từ 5 - 10 năm để phát hiện ra giống lúa mới; chỉ những ai thật sự yêu nghề, có tâm với nghề thì mới có thể vượt qua những vất vả để theo đuổi đến cuối hành trình tạo ra giống lúa mới. Giọt mồ hôi của họ âm thầm, và niềm vui cũng rất giản đơn, có khi chỉ là nụ cười hớn hở của một bà cụ khoe xây được cái bếp mới nhờ trồng thử nghiệm thành công một giống lúa mới. “Khi ấy anh em dường như được tiếp thêm “sức mạnh” để tiếp tục “chiến đấu””, TS Quảng cười tươi.

Việt Nam hiện có hàng chục viện nghiên cứu về lúa gạo, trong đó Viện nghiên cứu lúa của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội là một trong những đơn vị có nhiều đóng góp đáng kể với các giống lúa Việt lai 20, Việt lai 24, BQ10, TH3-3, TH3-4, TH3-5, Hương cốm, Bắc thơm... cho năng suất cao và ổn định, được nông dân ưa chuộng. Nghiên cứu của các nhà khoa học đã góp phần giúp sản lượng lúa của Việt Nam năm 2012 đạt cao nhất từ trước đến nay là 43,7 triệu tấn; cao hơn 1,3 triệu tấn so với năm 2011.

Nguyễn Hiền

Đọc thêm