Covid-19, lòng tham và sự trả giá!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dịch Covid-19 đã phơi bày sự ích kỷ, tham lam của một bộ phận người dân, để rồi chúng ta phải trả những cái giá quá đắt. 
Trần Thị Phương Thảo và  bạn đã thuê nhà giúp 17 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để hưởng lợi hơn 144 triệu đồng.
Trần Thị Phương Thảo và bạn đã thuê nhà giúp 17 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để hưởng lợi hơn 144 triệu đồng.

Hiện nay, Việt Nam bị bao vây bởi các ổ dịch lớn. Quan ngại ở chỗ các ca mắc trong đợt dịch thứ tư này phần lớn đều là người nhập cảnh. “Chúng ta ở cánh đồng trũng. Bên ngoài nước to, gió lớn. Chúng ta phải bao đê cho chặt”. Đó là lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong bối cảnh nước ta có “một tuyến đê” dài tới 4.000km, nhiều chỗ đã “rò rỉ” bởi người Việt vì tham lam mà tiếp tay cho những người nhập cảnh trái phép. 

Lý Chừ người dân tộc Mông, 33 tuổi, ở thôn Na Lốc 1, xã Bản Lầu giữ chức thôn đội trưởng từ năm 2016. Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Lý Chừ được tham gia tổ tuần tra, kiểm soát phòng, chống dịch cùng lực lượng biên phòng tại khu vực mốc giới. Lợi dụng việc nắm rõ cách thức tuần tra, lịch sinh hoạt của các cán bộ, chiến sĩ trong tổ, người này đã làm “nội gián”, cảnh giới tiếp tay cho đường dây đưa 200 người vượt biên trái phép. Được biết, mỗi lần đưa người trót lọt, Chừ được trả từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng tiền công. 

Mới đây, hai cô gái người Việt đã bị khởi tố do liên quan đến nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và thuê phòng ở chung cư Florence 28 Trần Hữu Dực (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tại các thành phố, nhiều quán bar vẫn hoạt động “chui” bất chấp lệnh cấm. Ngày 27/4, UBND TP Hải Dương đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 10 triệu đồng đối với Trần Tuấn Anh địa chỉ tại số 9 Phạm Tu, phường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương do không chấp hành các quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19... 

Qua ba đợt dịch vừa qua, có thể thấy lòng tham là thủ phạm số một khiến  mạng sống của con người trở nên mong manh. Từ việc tiếp tay cho các trường hợp nhập cảnh trái phép đến tụ tập ăn chơi, từ kinh doanh “chui” đến khống giá trang thiết bị phòng dịch… chính người dân sẽ lĩnh hậu quả. 

Quãng thời gian sống chung với Covid-19 vừa qua, đã có máu, nước mắt, và những mất mát to lớn. Số ca tử vong liên quan đến Covid-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, nhiều đợt giãn cách xã hội khiến hàng ngàn doanh nghiệp phá sản.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng cả nước có gần 93.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Việc doanh nghiệp phá sản đã khiến hàng ngàn người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp. Tại Việt Nam trong quý II/2020 đã có thêm 2,4 triệu lao động mất việc, tỉ lệ thất nghiệp cả nước quý II năm nay tăng 2,73% (khoảng 1,3 triệu người). Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân…. 

 “Bóng ma” Covid-19 reo rắc u ám lên mọi mặt đời sống của con người. Nhiều bác sĩ chỉ có thể đứng sau tấm cửa kính nhìn gia đình mình; có người chỉ nhẹ lau khóe mắt hướng về đứa con mới được sinh thay vì âu yếm, vỗ về. Hàng ngàn chiến sĩ đã phải nằm rừng, canh lối mòn dọc tuyến biên giới, nhường doanh trại cho người dân cách ly, từ những ngày Tết mưa dầm, gió rét đến những ngày hè nắng như đổ lửa.

Thế nên hơn lúc nào hết, sự nâng cao nhận thức và ý thức sống vì cộng đồng của mỗi người cần được phát huy, nhân rộng, để đẩy lùi lòng tham. Hay như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng nói: “Mỗi một khi đất nước đứng trước thử thách lớn thì lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cùng những giá trị tốt đẹp nhất của mấy nghìn năm văn hiến lại bừng lên. Chúng ta không thể gửi lời cảm ơn đến từng người, nhưng lời cảm ơn tốt nhất đó là cùng nhau quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch”./.

Đọc thêm