Gói thầu EPC Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4: Công nghệ của Nhật Bản, châu Âu không đáp ứng được tiêu chí trong Hồ sơ mời thầu?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại gói thầu Thiết kế, mua sắm, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu (EPC) Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 do Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) làm chủ đầu tư, 2 nhà sản xuất tua-bin khí nổi tiếng thế giới là Mitsubishi Power và Siemens Energy còn không nộp hồ sơ do họ tự thấy rằng không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của Hồ sơ mời thầu. Vậy thực lực về công nghệ, kỹ thuật và năng lực của 2 nhà thầu này đến đâu mà lại như vậy?
Gói thầu EPC Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4: Công nghệ của Nhật Bản, châu Âu không đáp ứng được tiêu chí trong Hồ sơ mời thầu?

15 nhà thầu “rút lui”

Thông tin này đã được kiểm chứng vì tại thời điểm đóng thầu (ngày 6/8/2021) chỉ có duy nhất nhà thầu Samsung C&T Corporation sử dụng thiết bị của General Electric (GE) nộp hồ sơ dự thầu.

Điều lạ là tại sao các “ông lớn” Mitsubishi và Siemens Energy dù rất muốn tham gia gói thầu này nhưng tại sao lại không nộp hồ sơ, không vượt qua được vòng kỹ thuật mặc dù trước đây họ cung cấp khá nhiều thiết bị tại Việt Nam nói chung và cho các dự án của PV Power nói riêng?

Thực tế Mitsubishi Power là nhà sản xuất tên tuổi, đã giành thị phần lớn nhất tính theo số MegaWatt cho các đơn đặt hàng tua-bin khí toàn cầu, 54% thị trường tua-bin khí lớn tại Mỹ trong năm 2020.

Siemens Energy cũng là nhà sản xuất có thị phần hàng đầu trong công nghiệp tua-bin khí và là nhà thầu cung cấp thiết bị tua-bin khí cho dự án Nhơn Trạch 2 của PV Power. Thiết bị của Siemens Energy cũng được cung cấp cho dự án Phú Mỹ 2-1 mở rộng, Phú Mỹ 3, Cà Mau 1, 2... Siemens Energy có hơn 60 năm kinh nghiệm sản xuất tua-bin khí cho nhà máy điện, cung cấp hơn 1.800 tua-bin khí trên toàn thế giới với những thông số ấn tượng như tổng công suất hơn 320.000 MW, hơn 66 triệu giờ vận hành.

Qua tìm hiểu, hồ sơ mời thầu dự án nêu trên yêu cầu nhà cung cấp phải có kinh nghiệm trong việc sản xuất tua-bin khí giống như thiết bị của gói thầu, cung cấp ít nhất 02 tổ máy trên toàn cầu, trong đó có ít nhất 01 tổ máy đã đưa vào vận hành thương mại.

Điều kiện này tưởng như rất dễ đáp ứng vì cả 2 nhà sản xuất nêu trên đã cung cấp tua-bin khí 50Hz cho nhiều dự án điện khí trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, Mitsubishi và Siemens lại không thể đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm của nhà sản xuất khi chủ đầu tư đưa ra yêu cầu bổ sung là nhà sản xuất phải có ít nhất một tổ máy có nhiều tiêu chí cần phải “giống với các tua-bin khí được đề xuất cho gói thầu.

Theo ghi chú thì các tua-bin khí này phải giống với các tua-bin khí được đề xuất cho gói thầu, cụ thể có 6 tiêu chí: Có cùng phiên bản tua-bin khí; Có cùng lớp lót buồng đốt và nguyên lý đốt giống nhau; Có cùng nhiệt độ đầu vào tua-bin (TIT); Có phần lưu lượng giống nhau đối với máy nén và tua-bin khí; Có cùng số lượng tầng cánh máy nén, cánh động và cánh tĩnh tua-bin; Có cùng kiểu làm mát buồng đốt”. 6 tiêu chí này vô hình chung đã đem lại lợi thế cho nhà thầu sử dụng thiết bị của GE là Samsung C&T Corporation.

Thiết bị của Siemens Energy không đáp ứng được vì loại đang chào hàng cho PV Power là loại thiết bị mới và tốt nhất, nhưng hiện mới có phiên bản tần số 60Hz đang vận hành. Phiên bản tần số 50Hz của loại thiết bị này hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến đưa vào vận hành thương mại vào nửa đầu năm 2022. Mitsubishi Power cũng bị loại từ “vòng gửi xe” vì không thể đáp ứng 6 tiêu chí kể trên dù họ đã vận hành thương mại một tua-bin khí 50Hz tại Thái Lan.

Liên quan đến tiêu chí này, Siemens Energy đã nhiều lần gửi văn bản giải thích sự tương đồng giữa công nghệ của thiết bị 50Hz / 60Hz và đề xuất được sử dụng loại cùng phiên bản sử dụng tần số 60Hz để chứng minh kinh nghiệm nhưng không được chấp thuận.

Những ý kiến chuyên môn

Về mặt kỹ thuật, tua-bin 60Hz là cơ sở cho tua-bin 50Hz theo nguyên tắc tỷ lệ đồng dạng, đã là thông lệ tiêu chuẩn của thị trường trong hơn 50 năm qua. Thiết bị 60Hz quay nhanh hơn thiết bị 50Hz nên về cơ bản là chế tạo khó hơn vì phải đảm bảo yếu tố cân bằng động cao hơn. Khi chế tạo tua-bin 50Hz, nhà sản xuất chỉ cần điều chỉnh theo tỷ lệ đồng dạng để vận tốc ở đầu cánh tua-bin 50Hz (vận tốc ở điểm đầu cánh bằng bán kính nhân với tốc độ quay) bằng với vận tốc đầu cánh tua-bin 60Hz đảm bảo tính tương đồng cân bằng động. Giới chuyên môn cho rằng đã sản xuất được thiết bị 60Hz thì đương nhiên làm được thiết bị 50Hz...

Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam đã có văn bản nhận định sự khác nhau chủ yếu giữa hai loại tua-bin này là tốc độ quay của rô-to (3.000 và 3.600 vòng/phút); mọi nhà sản xuất tua-bin khí đều sản xuất cả hai hai loại tần số 50Hz và 60Hz để cung cấp cho các quốc gia đang sử dụng mạng lưới điện tần số 50Hz hoặc 60Hz. Tại Việt Nam, Siemens đã cung cấp tua-bin khí tần số 50Hz cho nhiều dự án điện theo chu trình kết hợp khí - hơi công suất 750MW như Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 2.

Hội Điện lực Việt Nam cũng đã phân tích “đối với các máy điện quay có công suất và thiết kế giống nhau, máy có tần số thấp hơn có số quay thấp hơn nên trong vận hành các phân tử quay (cánh và trực tua-bin, cuộn dây rô-to, thân và trực rô-to máy phát điện.) sẽ phải chịu các ứng suất động thấp nên khả năng hư hỏng thấp hơn, do đó độ tin cậy và tuổi thọ thiết bị sẽ cao hơn. Như vậy, về lý thuyết, các tua bin khí cùng model 9000HL, tổ máy có tần số 50Hz trong vận hành sẽ có điều kiện làm việc thuận lợi hơn, độ tin cậy và tuổi thọ của tổ máy 50Hz được kỳ vọng sẽ hơn tổ máy 60Hz”.

Như vậy, các tổ máy 60Hz và 50Hz do Siemens đề xuất đều “có cùng một phiên bản” nhưng không đáp ứng yêu cầu cùng tần số theo Hồ sơ mời thầu.

Phía PV Power cũng nhắc đến kinh nghiệm từ dự án Nhà máy điện Cà Mau xây dựng vào năm 2006 với thiết bị chính tua-bin khí, tua-bin hơi, máy phát điện do Siemens chế tạo cung cấp. PV Power cho biết đối với thiết bị máy phát điện, tại thời điểm đó nhà chế tại Siemens (tại Mỹ) mới chỉ chế tạo được máy tần số 60Hz, chưa có kinh nghiệm chế tạo máy phát tần số 50Hz. Trong quá trình vận hành, máy phát điện của dự án đã gặp các sự cố kỹ thuật (nứt chân máy, do việc cộng hưởng tấn số riêng của thiết bị).

Nhà máy điện Cà Mau

Nhà máy điện Cà Mau

Trước ý kiến trên, Siemens đã phản biện và khẳng định đây chỉ là sự cố nhỏ, không ảnh hưởng đến an toàn, công suất, hiệu suất và sản lượng. Công ty đã đưa ra hướng xử lý đó là gia cố lại trong thời gian tiểu tu hoặc trung tu.

Trong lúc chờ nhà máy xuống lưới theo đúng kế hoạch sửa chữa định kì thì máy phát vẫn hoạt động bình thường, không ảnh hưởng sản lượng hay độ khả dụng của nhà máy. Chủ đầu tư chấp nhận trong FAC (Final Acceptance Certificate - chứng chỉ nghiệm thu cuối cùng) vào khoảng năm 2012, và được chứng minh an toàn cho sản xuất như thư của Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật điện lực dầu khí Việt Nam(tổng thầu bảo trì sửa chữa) có đề cập ngày 27/9/2021 cho toàn nhà máy.

Siemens cho biết thêm kể từ khi Nhà máy điện Cà Mau đưa vào vận hành đến nay (khoảng tháng 12/2008), không có sự cố lớn nào do máy của Siemens gây ra, nhà máy luôn được vận hành, bảo trì trong điều kiện tốt và đã đóng góp cho lưới điện gần 100 tỷ KWh, và luôn nằm trong top các nhà máy có hoạt động tốt nhất ở Việt Nam.

Gói thầu Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 & 4 có lẽ cần lắng nghe các ý kiến của cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu để đảm bảo tính minh bạch, khách quan của một dự án có tầm cỡ quốc tế này.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin./.

Đọc thêm