Gương mặt Ban giám khảo Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn”: Nhạc sĩ Nguyễn Phước Hòa - Đại ngàn mãi trong tim ta

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ca khúc “Đại ngàn mãi trong tim ta” của Nhạc sĩ Phước Hòa được sáng tác trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. “Đứa con tinh thần” ấy được ấp ủ giữa dòng chảy văn hóa đậm đà bản sắc nơi cao nguyên đất đỏ bazan huyền thoại, lời bài hát như tiếng mời gọi hàng triệu thí sinh hướng về Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn”.
Nhạc sĩ Nguyễn Phước Hòa (người ôm đàn).
Nhạc sĩ Nguyễn Phước Hòa (người ôm đàn).

Nhạc sĩ Phước Hòa cảm thấy mình may mắn khi được công tác tại TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) - nơi được mệnh danh là thủ phủ trà lớn nhất khu vực phía Nam và thủ phủ của ngành tơ lụa Việt Nam. Nơi có chùa Linh Quy Pháp Ấn, là chốn bồng lai tiên cảnh giữa nhân gian, có thác Đambri như một huyền thoại tình yêu giữa đại ngàn Tây Nguyên.

Ở nơi “cao nguyên lửa trại” đó có các dân tộc anh em Mạ, Kinh, Hoa, K’ho, Xtiêng, Nùng, Tày, Mnông cùng chung sống hòa bình, cùng say tiếng cồng chiêng, say đêm rượu cần và hương cao nguyên đại ngàn.

Những bức tranh về con người, văn hóa cùng khung cảnh lãng mạn ở cao nguyên vời vợi đã tạo cảm hứng cho Nhạc sĩ Phước Hòa sáng tác nhiều ca khúc để đời như Cha yêu, Gia đình ngũ quả…

Ngoài việc sáng tác hơn 20 ca khúc, Nhạc sĩ lãng tử Phước Hòa còn viết nhạc tình huống cho các Hãng phim ở TP Hồ Chí Minh, phim truyền hình HTV. Có thể kể đến như: Giá phải trả, Hai lúa lên đời…, trong đó ca khúc “Hai lúa lên đời” để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng thính, khán giả.

Bên cạnh công tác quản lý văn hóa, Phước Hòa còn đào tạo nhạc công, nhóm nhạc, ban nhạc, sáng tác hòa âm phối khí, kỹ thuật phòng thu cho các học viên yêu âm nhạc và tham gia tổ chức các Hội diễn văn nghệ quần chúng của cơ sở và TP Bảo Lộc để chọn nhân tài âm nhạc cho thành phố và tỉnh.

Lời ca khúc “Đại ngàn mãi trong tim ta”

Lời ca khúc “Đại ngàn mãi trong tim ta”

Bày tỏ cảm xúc của mình khi sáng tác “Đại ngàn mãi trong tim ta” - bài hát dành cho Liên hoan "Tiếng hát Đại ngàn", Nhạc sĩ Nguyễn Phước Hòa cho biết: “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây nguyên” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tiếng cồng chiêng theo cả vòng đời một con người, nó ngân vang từ lễ thổi tai cho em bé đầy năm đến lễ bỏ mả của người về với ông bà, tổ tiên.

Song song với văn hóa cồng chiêng, Tây Nguyên có trên 20 sử thi của các dân tộc thiểu số. Thần thoại phản ánh nhận thức của người xưa về thế giới, về nhân loại, về cuộc sống. Cồng chiêng, sử thi gắn liền với những lễ hội văn hóa đặc sắc, độc đáo và những kiến trúc nhà rông, nhà mồ, y phục, nhạc cụ, tâm linh huyền ảo, chứa đựng tinh hoa của từng dân tộc.

Hơn nữa, Tây Nguyên có nguồn tài nguyên du lịch phong phú với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thẳng cảnh đẹp… là sự hài hòa của hệ thống sông suối xen lẫn núi đồi, ao hồ, ghềnh thác và những khu rừng nguyên sinh…

Tất cả những nét văn hóa, cảnh quan ấy cứ cuồn cuộn chảy trong tôi, cho đến khi là thành viên Ban giám khảo Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức thì đúng lúc lời ca “Đại ngàn mãi trong tim ta” tuôn trào như một định mệnh vậy! Ca khúc vui nhộn, mang âm hưởng Tây Nguyên. Bài hát như lời hiệu triệu các thí sinh hướng về Tây Nguyên, hướng về Liên hoan.

Ngay sau khi nhận được bản thảo về ca khúc này, Nhà báo Chí Bình, - Trưởng Cơ quan đại diện Báo Pháp luật Việt Nam tại Miền Trung - Tây Nguyên, Phó Trưởng ban tổ chức Liên hoan đã đề nghị Ban tổ chức chọn ca khúc “Đại ngàn mãi trong tim ta” làm ca khúc chính trong Liên hoan “Tiếng hát Đại ngàn”.