Di tích tiêu biểu của cả tỉnh
Nói về giá trị của di tích Đền Trần Thương, Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh từng nhấn mạnh: Đền Trần Thương với quy mô hoàn chỉnh, mang đậm nét phong cách nghệ thuật cổ truyền dân tộc, là 1 trong 3 địa danh lịch sử (Kiếp Bạc, Bảo Lộc, Trần Thương) có liên quan mật thiết đến những trang sử hào hùng của nhà Trần và cuộc đời, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn.
Di tích đền Trần Thương có vị trí địa chính trị, địa văn hóa quan trọng cùng nhiều địa điểm khác ở Thái Bình, Nam Định là căn cứ hậu cần chủ chốt của quân đội thời Trần phục vụ cuộc kháng chiến đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông vào thế kỷ 13.
Lịch sử đền Trần Thương và những dấu ấn văn hóa, vật chất thời Trần liên quan đến ngôi đền là nguồn tư liệu hết sức quý giá để các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu làm rõ công hậu cần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Những tên làng, tến đất và những truyền thuyết, lễ hội hiện mãi sống động trong tâm trí, tình cảm của người dân nơi đây về một triều đại và một vị anh hùng với võ công oanh liệt vào bậc nhất của lịch sử Việt Nam.
Với những giá trị lịch sử và giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc biệt tiêu biểu của đền, năm 1989 đền Trần Thương đã được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Ngày 23/12/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2367/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần Thương là Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 6).
Theo quyết định này: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Phát biểu tại buổi lễ đón nhận bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt, ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nêu rõ quyết tâm: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần Thương và các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh gắn với giáo dục truyền thống và phát triển du lịch, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Hà Nam, của đất nước.
Liên quan đến vấn đề quản lý đối với di tích quốc gia đặc biệt, nhiều chuyên gia văn hóa đều khẳng định: trong quá trình thực hiện công tác quản lý các di tích quốc gia đặc biệt, rất cần chú trọng đến công tác bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích; sự gắn kết với cộng đồng địa phương; nâng cao nguồn lực quản lý các di tích… Thế nhưng, việc địa phương cho đấu, khoán thầu quản lý di tích khiến không ít người băn khoăn.
Lo ngại quản lý di tích theo kiểu “khoán trắng”
Cụ thể, ngày 29/11/2016, BQL Di tích thuộc UBND Huyện Lý Nhân đã ban hành Quy chế số 91/QC-BQL về việc đấu, khoán thầu quản lý di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương với mức giá cơ sở để xác định giá đấu thầu tối thiểu là 2 tỷ 500 triệu đồng. Thời gian giao thầu dự kiến là 5 năm kể từ ngày 1/1/2017 đến 31/12/2021.
Được biết, kết quả thắng thầu thuộc về một người tên Hưng (ở thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) với số tiền lên tới 3 tỷ 230 triệu đồng.
Bà Phạm Thị Miên (ở xóm 3, thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo) bày tỏ: “Đây là di tích đặc biệt, mang giá trị tâm linh, tôn vinh anh hùng dân tộc mà lại đưa ra để đấu thầu. Tổ chức hầu thánh cả đêm khiến dân bức xúc vì không ngủ được. Không thể kinh doanh tâm linh như thế được”.
Lo lắng của người dân thôn Trần Thương về việc “thương mại hóa” một di tích là hoàn toàn có cơ sở bởi hiện tại dù không phải là dịp lễ hội nhưng vé xe gửi vào đền có mức giá cao ngất ngưởng. Theo ghi nhận của PV, giá vẻ gửi xe đạp là 5.000 đồng/chiếc; xe máy: 10.000 đồng/chiếc; xe ô tô 9-16 có giá 40.000 đồng...
Ông Nguyễn Văn Lập (xóm 3, Thôn Trần Thương) cho biết: “Sau khi đấu thầu xong thì đền chẳng khác nào là của cá nhân nên tâm lý người dân không còn mặn mà việc đến đền hay công đức vì cảm thấy mất đi niềm tin và sự trang nghiêm”.
Thời gian qua, việc xã hội hóa bảo tồn di sản ở một số địa phương có dấu hiệu biến tướng, khiến cộng đồng không khỏi lo lắng về nguy cơ nhà chức trách "bán” di sản, hay “nhượng quyền” quản lý di sản cho tư nhân. Trong khi nhiều địa phương khác đang nỗ lực “nói không với tư nhân hóa di sản”, tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, tránh làm cho hoạt động khai thác du lịch tâm linh bị thương mại hóa thì việc một di tích quan trọng tầm quốc gia lại được “đấu”, “khoán” quản lý, giao cho 1 tư nhân khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
GS Ngô Đức Thịnh từng cho rằng: cộng đồng là người hiểu rõ hơn ai hết giá trị của di sản cũng như cách thức phải bảo vệ di sản thế nào trong dòng chảy cuộc sống. Nếu ở đâu đó, địa phương nào đó vẫn đang áp dụng mô hình giao cho tư nhân quản lý và khai thác di sản, nên dành cụm từ "giáo dục nhận thức di sản” cho tư nhân hoặc cho các doanh nghiệp, để họ đừng lầm lẫn giữa giá trị tâm linh, giá trị danh thắng và cơ hội kiếm tiền…
Cõ lẽ vì bị “khoán” nên các di tích buộc phải nghĩ ra nhiều trò thương mại hóa để cho đủ chỉ tiêu và khi đủ rồi thì làm sao để tiếp tục vượt “khoán” cũng là điều dễ hiểu?. Như vậy rất dễ có nguy cơ làm cho nguồn công đức bị biến tướng, lòng tin của người công đức cũng bị giảm sút. “Cứ nói phân cấp nhưng không thể giao trách nhiệm theo lối khoán trắng đó được”- GS Trần Lâm Biền từng bức xúc.
Chủ tịch xã “né” phóng viên
Với mong muốn làm sáng tỏ vụ việc, PV PLVN đã tới UBND xã Nhân Đạo. Tuy nhiên sau khi ngồi chờ suốt 1,5 tiếng vì chờ chủ tịch “đang họp”, đến khi kết thúc cuộc họp, ông Trần Văn Nghị - Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo đã “biến mất” không một lời giải thích với phóng viên (?!).
PV cũng đã tìm tới Phòng VH-TT Huyện Lý Nhân và Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Nam để làm rõ và sẽ tiếp tục phản ánh.