Sai phạm còn tràn lan.
Tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống lụt bão năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014, UBND thành phố Hà Nội đã khẳng định quyết tâm cao trong việc xử lý các sai phạm về đê điều. Quyết tâm là có nhưng hiệu quả của công tác xử lý thì vẫn là dấu hỏi bởi đây là thực trạng đã kéo dài, với bao nhiêu lần quyết tâm qua các lần nghị sự, nhưng kết quả trên thực tế chưa được bao nhiêu.
Dọc các tuyến đê được coi là nhiều vi phạm tại huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, quận Bắc Từ Liêm… hàng đoàn xe tải có trọng tải lớn chở cát, vật liệu xây dựng từ những bãi trung chuyển, bãi khai thác tự phát, vẫn thường xuyên tấp nập ngược xuôi trong khi mặt đê, mặt đường đã xuống cấp nghiêm trọng vì những chiếc xe hàng chục tấn qua lại mỗi ngày.
Thực tế, do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý nên hầu hết các đơn vị trên địa bàn Hà Nội sử dụng dất sai mục đích hoặc chiếm đất ven sông làm bãi chứa, tập kết, trung chuyển VLXD trái phép. Trong số đó có 25 đơn vị có hợp đồng thuê thầu với các UBND xã nhưng do hợp đồng bị hủy nhưng các đơn vị vẫn tiếp tục chiếm dụng đất để kinh doanh làm bãi chứa, mà vẫn không được cơ quan chức năng chấn chỉnh kịp thời. Hoặc tồn tại những hợp đồngcho thuê thầu đất bãi ven sông sử dụng làm bãi chứa trái phép. Qua đó cho thấy chính quyền địa phương vẫn còn thực hiện sai quy định trong quản lý đất đai.
Theo Sở tài nguyên Môi trường Hà Nội cho biết, qua công tác kiểm tra hoạt động bãi chứa, trung chuyển VLXD ven sông trên địa bàn thành phố Hà Nội (kiểm tra một số huyện trên địa bàn Hà Nội) thì 67 bãi chứa được kiểm tra, có đến 30 bãi có chứa cát đen, với tổng khối lượng hơn 300.000m3, số lượng cát đen này hầu hết được đưa nên bãi chứa bằng nhiều “hình thức” khác nhau và không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc của lượng cát nói trên.
Điều đáng nói, số lượng lớn cát này được các đơn vị hàng ngày “âm thầm” vận chuyển “dần dần” tới các công trình mà không có cơ quan chức năng nào kiểm soát. Câu hỏi đặt ra, vậy lượng cát đó ở đâu ra, do hút cát trộm và khai thác trái phép tại địa phương hay từ nơi khác vận chuyển về? Lợi nhuận từ những bãi cát không nguồn gốc đó rơi vào tay ai? Nhà nước có thất thoát phí môi trường, thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp?
Trong khi đó, bãi chứa của các đơn vị này đều không có thủ tục pháp lý về môi trường. Trong quá trình vận chuyển, các đơn vị không thực hiện việc phun rửa xe chở cát trước khi rời bến bãi, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển. Các xe chở cát và VLXD từ các bến bãi này thường xuyên chở quá tải gấp nhiều lần cho phép, dẫn đến việc gây hỏng đường xá khi tham gia giao thông.
Thành phố Hà Nội có quyết tâm xử lý dứt điểm?
Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, thì UBND các quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo UBND các xã, phường hủy bỏ ngay những hợp đồng cho thuê, thầu đất bãi ven sông đang bị sử dụng đất làm bãi trung chuyển VLXD dưới bất kỳ hình thức nào. Đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng của UBND quận, huyện, thị xã kiểm tra, xử lý những vi phạm trong lĩnh vực đất đai về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích, chiếm đất, đối với các đơn vị đang hoạt động làm bãi chứa trung chuyển VLXD trái phép…Những việc trên phải được thực hiện xong trước ngày 15/6/2014.
Bên cạnh đó, cũng yêu cầu các đơn vị đang hoạt động bãi chứa trung chuyển VLXD trái phép trên địa bàn phải tự giải tỏa VLXD ra khỏi bãi chứa, sẽ áp dụng cưỡng chế, giải tỏa nếu các đơn vị trên không tự giác chấp hành.. trước ngày 30/6/2014.
Cũng theo chỉ thị 04/CT-UBND ngày 14/1/2014 của UBND Thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn Thành phố, những việc trên không hoặc chưa thực hiện xong thì chủ tịch UBND cấp xã, phường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chủ tịch UBND cấp quận, huyện xử lý, quyết định tạm dừng công tác điều hành của chủ tịch UBND cấp xã, phường đó để chỉ đạo xử lý, khắc phục dứt điểm những tồn tại nêu trên.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đã gần hết tháng 6, dưới sự thanh tra, kiểm tra, đôn đốc của các đơn vị chức năng nhưng các điểm trung chuyển VLXD trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa có sự thay đổi, tình trạng tập kết VLXD còn tập trung với số lượng lớn như quận Bắc Từ Liêm, Đông Anh…Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến sự an toàn trong mùa mưa bão sắp tới.
Như vậy, với chỉ thị 04 và những chỉ đạo quyết liệt của UBND Thành phố Hà Nội đối với việc xử lý dứt điểm những sự việc nêu trên đã thể hiện sự quyết tâm vào cuộc của Thành phố. Nhưng liệu sự quyết tâm đó có thực hiện một cách nghiêm túc của các cơ quan chức năng nhằm xử lý dứt điểm? Hay chỉ là “đánh trống bỏ dùi” như những năm trước dẫn đến sự tồn tại của các bãi trung chuyển VLXD trái phép, những vi phạm đất đai, khai thác cát trái phép…mà không xử lý được dứt điểm?
Từ 31/5/2013 đến 31/5/2014, lực lượng CSGT đường thủy, Công an Hà nội đã bắt và thu giữ 32 tàu khai thác cát trái phép trên địa bàn. Tháng 5/2014 bắt giữ 7 tàu khai thác cát trái phép, đầu tháng 6/2014, lực lượng này cũng bắt giữ 4 tàu khai thác cát trái phép trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm.
Trung tá Đỗ Thế Dự, đội trưởng đội tuần tra kiểm soát số 2, CSGT đường thủy, công an Hà Nội cho biết: Các trường hợp tàu khai thác cát trái phép mà đơn vị bắt, chủ yếu là hoạt động “chộp giựt”, lợi dụng cơ hội đêm tối, vắng bóng lực lượng chức năng là chúng khai thác, rồi đem bán cho các chủ bến bãi VLXD ven sông. Để xử lý tận gốc việc khai thác và hút cát trộm thì chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần phải xử lý dứt điểm những bến bãi tự phát, những bến bãi trung chuyển tập kết VLXD ven sông. Xử lý dứt điểm được việc đó thì sẽ không còn việc hút và khai thác cát trái phép.