Hà Tĩnh hỗ trợ doanh nghiệp: “Trên quyết liệt, dưới chông gai”

(PLO) - Đó là chia sẻ thẳng thắn của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh trong buổi đối thoại với các doanh nghiệp năm 2017 vừa tổ chức nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.
Hà Tĩnh hỗ trợ doanh nghiệp: “Trên quyết liệt, dưới chông gai”

Đây là lần thứ hai Hà Tĩnh tổ chức đối thoại với doanh nghiệp (DN) để lắng nghe các ý kiến, tìm giải pháp tối ưu để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, nhà đầu tư. 

Quá nhiều đoàn kiểm tra

Trong bối cảnh áp thấp nhiệt đới vừa gây mưa lũ diện rộng, nhiều tuyến đường chia cắt, hội trường vẫn chật kín ghế ngồi. Lãnh đạo tỉnh, huyện, các ngành cùng 200 DN đại diện cho gần 6000 DN toàn tỉnh đều có mặt. Có người chia sẻ dậy từ 4h30 sáng để kịp đi gần trăm cây số từ miền núi Hương Sơn xuống tham dự đối thoại. 

Một nội dung nổi bật nêu tại hội trường là có quá nhiều đợt thanh kiểm tra của nhiều đơn vị đối với DN, trong đó nhiều nội dung trùng lặp.

Theo báo cáo của đại diện Hội DN vừa và nhỏ tỉnh Hà Tĩnh, việc thanh tra, kiểm tra của một số cơ quan quản lý nhà nước trên các lĩnh vực hoạt động của DN vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu 1lần/năm như Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN. Có khoảng 15% DN bị kiểm tra từ 4 lần trở lên trong năm 2017; 50% DN bị kiểm tra từ 2 lần trở lên cho rằng nội dung kiểm tra trùng lặp.

Liên quan đến vấn đề trên, Trung tâm Hỗ trợ phát triển DN và Xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cũng nêu ý kiến của một số DN, đề nghị các cơ quan ban ngành hạn chế kiểm tra chồng chéo.

Nhiều vấn đề “nóng” cũng được đề cập như chính sách về đất đai, thuế, đền bù sự cố môi trường biển, đề nghị hỗ trợ vốn…

Đại diện một DN phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Hoàng Mai
Đại diện một DN phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Hoàng Mai

Tỉnh nghèo hỗ trợ bằng chính sách

Sau khi lắng nghe ý kiến, trả lời trực tiếp nhiều vấn đề DN nêu, Chủ tịch tỉnh Đặng Quốc Khánh nói: Hà Tĩnh trong năm vừa qua phát triển KTXH trong một điều kiện chưa bao giờ khó khăn như vậy. Đầu năm, khi toàn tỉnh đang cố gắng khắc phục sự cố môi trường biển và lũ lụt cuối năm 2016 thì nông nghiệp mất mùa do bệnh đạo ôn, 

Tiếp đó là siêu bão số 10 lớn nhất trong lịch sử 27 năm đi qua Hà Tĩnh gây thiệt hại 6600 tỷ đồng (trong khi tổng thu ngân sách tỉnh 9 tháng đầu năm là 6032 tỷ đồng). Tiếp theo là áp thấp nhiệt đới, lũ lụt tại các huyện miền núi.

Hà Tĩnh sống trong điều kiện khó khăn, thường xuyên ứng phó với thiên tai, vừa qua phải di dời hàng nghìn hộ, có nơi phải cưỡng chế. Tiếp theo là áp thấp nhiệt đới, lũ lụt tại các huyện miền núi. “Rất may sập đổ như thế, hạ tầng như thế, nhưng người không bị thương vong”, ông Khánh nói và nhận định khó khăn chung của tỉnh cũng tác động đến các DN. Nhiều DN thiệt hại lớn.

Theo Chủ tịch tỉnh, Hà Tĩnh đang là tỉnh nghèo, con số thu ngân sách 9 tháng đầu năm đạt 6.032 tỷ đồng đã là “rất cố gắng”. Ông nói: “Tỉnh nghèo không thể hỗ trợ về kinh tế thì hỗ trợ tối đa về chính sách”, phải tạo môi trường đầu tư, để các DN tiếp cận những điều kiện trong thẩm quyền của tỉnh là tốt nhất. 

Dẫn chứng cho sức hấp dẫn trong môi trường đầu tư của Hà Tĩnh, ông Khánh nêu tổng số vốn đầu tư trên địa bàn từ đầu năm là hơn 24.000 tỷ đồng, một số tập đoàn lớn trong nước và DN nước ngoài tiếp tục đầu tư nhiều dự án.

Ông Khánh khẳng định quan điểm của tỉnh là tiếp tục chỉ đạo phát triển bền vững và nhanh DN vừa và nhỏ. Ông kể: “Tôi cứ thấy DN nào đề xuất chủ trương đầu tư là mừng lắm. Kể cả DN nhỏ 4 - 5 tỷ, xin vài trăm mét vuông làm ăn, Chủ tịch tỉnh ký ngay”.

Chủ tịch Hà Tĩnh cũng khuyến khích các lãnh đạo sở ngành, lãnh đạo cấp huyện phải quan tâm theo sát DN, từ lúc phôi thai đến lúc ra sản phẩm. Bản thân ông cũng thỉnh thoảng cố gắng gặp các DN để “hỏi xem làm ăn như nào, có phấn khởi không”, mong muốn nhận được nhiều đề xuất và tháo gỡ.

Cán bộ nhũng nhiễu: Luân chuyển khỏi vị trí nhạy cảm

Trước ý kiến DN về vấn đề cán bộ nhũng nhiễu, Chủ tịch Khánh chia sẻ: “Nói thật với các đồng chí là trên làm rất mạnh, quyết liệt, nhưng dưới là chông gai nhiều lắm, hoạnh họe lắm. Để tìm ra điểm đấy, đỏi hỏi người đứng đầu phải rất quan tâm đến các sự việc diễn ra”.

Chủ tịch Hà Tĩnh cũng thừa nhận vẫn còn tình trạng cá nhân công chức nhũng nhiễu, phiền hà và nhấn mạnh cần xử lý nghiêm kịp thời. “Tôi đã nhắc nhở một số Sở, không biết xử lý chưa. Có người giải thích một hồi, tôi nói “giải thích thế tôi cũng chẳng hiểu nữa là DN”. Những đồng chí đó cần phải luân chuyển khỏi vị trí nhạy cảm, để tìm những đồng chí có trình độ, đạo đức, tâm huyết để giao trách nhiệm”.

Ông đề nghị các chủ tịch huyện cần thường xuyên gọi điện hỏi thăm các DN, nhà đầu tư xem họ khó khăn gì không, vừa âm thầm kiểm tra xem “anh em cấp dưới làm như nào”.

Mặt khác, Chủ tịch Hà Tĩnh cũng điểm danh các đơn vị quan trọng gắn với DN như Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên Môi trường, Công thương, Thuế, Hải quan và một số lực lượng khác, nhắc nhở các đơn vị này cần “ghi vào sổ” xem các DN có vướng mắc để đề xuất xử lý nếu ngoài thẩm quyền.

Đối với tình trạng kiểm tra chồng chéo, ông Khánh nói: Làm thế nào các lực lương liên ngành kết hợp với nhau làm nhanh, một năm chỉ một đoàn thanh tra, kiểm tra. Đi qua cửa khẩu, qua cảng, nhiều thủ tục, nhiều quy trình, nhà đầu tư cũng “khiếp”.

Ông Khánh cho rằng càng xuống DN kiểm tra nhiều thì càng chứng tỏ “anh” làm việc không hiệu quả. Cần sử dụng công nghệ để quản lý, để “ngồi một chỗ vẫn biết DN làm chuẩn hay không, thế mới là giỏi”.

Kết thúc đối thoại, ông Khánh bày tỏ mong muốn Hà Tĩnh sẽ có những tập đoàn lớn, góp phần hơn nữa vào sự phát triển của tỉnh. Ông tin rằng với nôi văn hóa Hà Tĩnh, bản tính cần cù, chịu khó và đội ngũ lao động trẻ, DN Hà Tĩnh sẽ có nhiều phát triển trong tương lai. 

Đọc thêm