Ngất xỉu vì nhịn đói nhiều ngày
Trung úy Đinh Cao Thắng (SN 1987, CSGT Đội 14 Công an TP.Hà Nội) cho biết, sáng 16/4, anh cùng Thượng sỹ Nguyễn Mạnh Tùng đang làm nhiệm vụ tại chốt giao thông ngã ba Pháp Vân – Giải Phóng thì phát hiện một người đàn ông đang đi bộ, đột nhiên ngã vật xuống đường giữa trời nắng chang chang.
Hai cảnh sát liền chạy vội tới. Vẻ mặt người đàn ông nhìn rất mệt mỏi, hai con mắt nhắm nghiền, cảnh sát vội dìu vào trước cửa một nhà nghỉ gần đó nằm nghỉ tạm, đồng thời gọi điện cho Trung tâm cấp cứu 115.
“Vì vẫn đang trong lúc làm nhiệm vụ, không thể bỏ chốt, chúng tôi đành nhờ một người dân trực chốt. Sau đó, đồng chí Tùng báo cáo sự việc lên chỉ huy, còn tôi cùng người dân vừa chờ đợi xe cấp cứu, vừa sơ cứu cho người lạ mặt”.
Thấy vẻ mệt mỏi của người đàn ông, mỗi người một chân một tay, người chạy đi mua phở, người chạy đi mua sữa. Nhưng có lẽ người đàn ông quá mệt, kiệt sức nên ban đầu không ăn uống được gì, miệng thều thào vài câu nghe không rõ.
“Sợ anh ấy mệt quá, tôi pha nước gừng, cố ép uống, mấy phút sau anh này dần dần tỉnh táo lại, vừa uống, nước mắt trào ra, hỏi gì cũng ngập ngừng không nói” - Trung úy Thắng nhớ lại.
Xe cứu thương ít phút sau trờ tới. Bác sĩ, y tá nhanh chóng kiểm tra, thăm khám tại chỗ, cho biết cơ thể người đàn ông suy nhược đến bị tụt huyết áp. Bị đói nhiều ngày, sức kiệt, người đàn ông đã ngất xỉu.
Biết rõ nguyên nhân, CSGT cử người đi mua thêm thức ăn và đồ uống cho người đàn ông. Sau khi được ăn, hơn tiếng đồng hồ sau anh này đã hoàn toàn hồi sức và tỉnh táo.
Người đàn ông tâm sự tên là Hoàng Văn Thương (SN 1977, quê xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, từ ngày 13/4 anh lên Hà Nội kiếm việc. Người đàn ông có hoàn cảnh gia đình khá bi đát. Bố mẹ đều già cả, vợ ly hôn đem con bỏ vào Nam sinh sống.
|
Anh Thương: “Không có các anh, hôm nay không biết em sẽ ra sao?” |
Ở quê không có việc làm, anh gom góp được mấy trăm ngàn đồng lặn lội lên Hà Nội kiếm việc. Tay nghề không có, một mảnh giấy tờ tùy thân cũng không, không ai nhận anh vào làm. Tiền hết, không người thân quen, Thương đi lang thang vạ vật, nhịn đói qua ngày, định cuốc bộ về quê nhưng mới vừa ra tới cửa ngõ Hà Nội thì ngất xỉu.
Tâm sự của Trung úy Cảnh sát giao thông
Câu chuyện đáng thương của người nhịn đói khiến tất cả những ai có mặt ở đó đều không khỏi chạnh lòng. Nhiều người thương quá, không cầm lòng được, người cho 50 nghìn, người cho 100 nghìn đồng, tổng cộng được hơn 1 triệu đồng giúp đỡ anh Thương. Do vẫn lo ngại cho tình hình sức khỏe của anh này nên CSGT định đưa vào bệnh viện theo dõi tiếp. Nhưng có lẽ sợ không có tiền chi trả, anh một mực từ chối không vào, dù các CSGT đã hứa sẽ chi trả toàn bộ các khoản tiền.
Thấy sức khỏe của anh Thương chưa thực sự ổn định, cần được nghỉ ngơi cho lại sức, ai cũng khuyên vì ở đây không có người quen, trước mắt nên về quê, khi sức khỏe ổn định thì trở lại Hà Nội. Một người dân gần đó còn hứa xin việc giúp.
Tổ công tác CSGT để người gặp nạn ngồi trong bóng mát cho lại sức, tiếp tục ra mặt đường làm công việc điều tiết giao thông. Hết ca trực, Trung úy Thắng và Thượng sĩ Tùng đưa anh Thương ra bến xe gần đó chọn xe, mua vé, gửi gắm lái xe đưa về tận quê. Trước khi chia tay những CSGT đã giúp mình nhiệt tình, anh Thương cảm ơn không ngớt, vừa nghẹn ngào khóc vừa nói: “Không có các anh, hôm nay không biết em sẽ ra sao?”.
|
Trung úy Đinh Cao Thắng |
Kết thúc cuộc trò chuyện ngắn ngủi chia sẻ với PLVN giữa hai ca trực, Trung úy Thắng cười: “Ai gặp chuyện đó cũng phải làm như vậy, chưa nói đến việc chúng tôi có trách nhiệm giúp dân. Tôi tâm niệm nỗi hành động, việc làm của cán bộ chiến sĩ Cảnh sát nhân dân đều phải làm sao có ích, để người dân thêm cái nhìn thiện cảm, quý mến CSGT chúng tôi nói riêng và lực lượng công an nói chung; để làm sao CSGT không chỉ là một “thương hiệu” người dân gặp thì tin cậy, quý mến; tội phạm phải sợ hãi”.
(Tên nạn nhân trong bài đã được thay đổi).