Chỉ vì cây mận…
Ông V. và ông T. là hàng xóm với nhau cũng được ngót nghét 20 năm trời. Ông T. (cha chị Tr.) là dân bản xứ cư ngụ mấy đời, còn ông V. thì đưa gia đình đến làm ăn sinh sống vào những năm 1990. Hai gia đình cạnh nhau lâu năm, kết thân với nhau.
Hai ông lúc trẻ thì rủ nhau cùng cày cuốc ruộng vườn, lúc già thì vui thú điền viên, chè rượu khề khà. Con cái hai nhà cũng trở thành bạn bè thân thiết với nhau từ nhỏ cho đến lớn. Cứ tưởng rằng mối tình thâm ấy sẽ còn lâu bền cho tới lúc hai ông cụ dắt tay nhau về trời, thế nhưng, chỉ vì cây mận, mà lúc cuối đời hai cụ già trở thành kẻ thù “không đội trời chung”. Mâu thuẫn của 2 ông còn làm khổ hai gia đình, làm trò cười cho bà con lối xóm.
Theo chị Tr. - con gái ông T. kể: nhà chị có một cây mận rất sai trái. Không ai biết cây mận có từ hồi nào, chỉ biết từ lúc chuyển nhà tới, mấy anh em chị đã thấy lúc lỉu trái. Đặc biệt, đây là giống mận cực kì ngọt, thanh. Cha chị không bán mận mà thường đem phân phát cho hàng xóm ăn chơi, ai cũng khen nức nở. Gia đình ông V. cũng thường hay được biếu mận, thậm chí, thân thiết, cháu ông V. cũng hay đứng bên sân nhà chọc sào sang nhà ông T. để hái mận ăn.
Bỗng một thời gian dài, cây mận bị kiến càng “tấn công”. Không hiểu kiến càng ở đâu kéo về nhiều đến như vậy, bò kín cây, đục lá, trái, trẻ con nhiều đứa ham hái mận bị kiến đốt sưng mắt, trong đó có cháu ông V..
Nhiều lần, thấy cháu bị kiến cắn, ông V. đã la rầy cháu không được sang hái mận, đồng thời nói vọng qua bảo ông T. lo xịt kiến trên cây đi. Ông T. xịt nhiều lần mà kiến không chết, thậm chí chúng “di chuyển” từ phía nhà ông T. sang những tán cây chìa qua nhà ông V. Ngày nào, kiến mẹ kiến con cũng rơi đầy sân, bò lên tường nhà ông V., cắn cho lũ cháu nhỏ của ông tơi tả.
Bực dọc, ông V. qua bàn với ông T. bảo một là xịt hết kiến, hai là chặt luôn cây mận đi chứ để kiến như vậy sợ đám cháu nhỏ của ông không dám ra sân chơi đùa. Ông T. cũng bực mình về ông bạn già vì mấy con kiến mà xẵng với mình, liền trả lời: Lúc ăn mận ngọt cả nhà ông khen ngon nức nở, sao lúc bị vài con kiến đốt ông đã đòi chặt cây đi? Cây mận gắn bó với đất này mấy chục năm trời, sao chặt được?
Nghe ông bạn già nói không lọt tai mình, ông V. hậm hực ra về. Vậy là cây mận vẫn nằm đó, kiến vẫn làm tổ, bò khắp nơi. Ông V. thì nhất quyết không thèm ăn đến mấy trái mận nhà ông T. nữa, hai ông tự dưng giận nhau, không nói chuyện cả tuần.
Đỉnh điểm là chuyện con gái ông của ông V., sống ở Hà Nội ba năm rồi mới đưa cháu ngoại về thăm ông, đứa cháu mải chơi, vì đu nhánh mận, bị kiến đốt, thả tay nên té trật gân tay. Tức giận, ông V. sang nhà bạn làm ầm ĩ, bắt ông T. phải chặt cây mận ngay lập tức, ông T. cũng nổi nóng đuổi ông V. về. Mấy ngày sau, khi ông T. và gia đình đi vắng, ông V. thuê người phá cổng vô sân nhà ông T. chặt sát gốc cây mận, đem đốt trụi. Ông T. về nhà, thấy cảnh này, nổi điên, vừa chửi vừa mang búa ra đập gãy cổng, vỡ hết một mảng tường, sân nhà ông V., gạch đá rớt xuống làm què chân con chó giữ nhà. Nếu không có con cháu giữ lại, có lẽ hai ông già ngót nghét 70 đã nhào vào đánh nhau một trận nên thân.
Ông V. đã hăm ông T., nếu ông không sang xin lỗi và đến tiền xây sửa tường, cổng thì ông sẽ đi kiện. Ông T. cũng đáp lời, nếu muốn ông đền thì ông V. phải đền cây mận sống lại như cũ. Hai ông không ai nhường ai, thiếu điều muốn ăn tươi nuốt sống nhau. Ông V. thì sửa soạn nhờ người viết đơn kiện.
… Đánh mất thâm tình
Xin ý kiến của luật gia về trường hợp nhà mình, con gái ông T. lo lắng: Nếu ông hàng xóm kiện, thì cha chị liệu có bị tội gì không. Chị khá lo lắng vì điều này. Luật gia đã phân tích cho chị, nếu thiệt hại cổng và nhà ông V. giá trị từ 2 triệu đồng trở lên, thì cha chị có nguy cơ phạm vào hành vi “Phá hoại tài sản” , phải bồi thường và có khả năng bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, ông V. cũng có khả năng phạm hành vi ấy nếu cha chị chứng minh thiệt hại của cái cổng bị ông V. phá để vào sân nhà, cộng với giá trị của cây mận là từ 2 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, ông V. còn là người gây sự trước.
Tóm lại, nếu đưa ra tòa thì hai cụ ai cũng có lỗi, có khả năng bị phạt, lại mất mặt trước hàng xóm bà con. Tôi khuyên chị, nên cùng con cái của cụ V. ngồi lại, tìm cách giải quyết, mà cụ thể là cùng phân tích cho hai cụ thiệt hơn, và hậu quả nếu hai cụ kiện nhau…
Sau đó một thời gian ngắn, chị Tr. có gọi lại, báo tin là mọi việc đã giải quyết xong, hai cụ nghe các con phân tích, sợ quá, không ai có ý định kiện tụng gì nữa. Nhưng đáng buồn là cả hai vẫn nhất quyết không nhìn mặt nhau. Có lẽ, đó là một câu chuyện khác, dài hơi hơn, cần các con của hai cụ nỗ lực rất nhiều để hòa giải.