Hai ông chung một “ghế” vì...“lỗi kỹ thuật”!?

(PLO) - Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) khiến dư luận ngạc nhiên khi bổ nhiệm 2 cán bộ vào một vị trí: Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả. Nhưng lãnh đạo Cục này nói nguyên nhân của việc làm khó hiểu này là do “lỗi kỹ thuật”.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đỗ Thanh Lam
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đỗ Thanh Lam
Người thứ nhất được bổ nhiệm vào chức vụ nói trên là ông Kiều Nghiệp, trước là Phó Trưởng phòng Phòng Chống buôn lậu thuộc Cục. Người thứ hai cũng được lãnh đạo Cục này sắp xếp cho vào chiếc “ghế” nói trên là ông Thân Đức Công, trước là Phó Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả. Theo Quyết định thì cả hai vị này đều được hưởng hệ số phụ cấp chức vụ như nhau: 0,9. Và đến thời điểm hiện tại, cả 2 Quyết định bổ nhiệm này vẫn đang còn hiệu lực!
“Sếp” trưởng thực sự là ai?
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đỗ Thanh Lam cho biết, theo quy định về xử lý vi phạm hành chính thì ngoài Cục trưởng, ở Cục Quản lý thị trường chỉ có 3 chức vụ đó là Trưởng phòng Phòng Chống buôn lậu, Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả và Trưởng phòng Phòng Kiểm soát chất lượng mới có thẩm quyền ra quyết định  xử lý khi phát hiện hành vi vi phạm trong quá trình thi hành công vụ.  
“Ông Kiều Nghiệp công tác ở Tổ Kiểm tra thị trường cơ động, nhiều khi cần phải ra quyết định xử lý vi phạm, vì vậy phải bổ nhiệm ông vào vị trí Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả để có đủ thẩm quyền trong xử phạt.” - ông Lam giải thích.
Dư luận chắc sẽ không quan tâm nhiều lắm đến đặc thù của công tác quản lý thị trường như Phó Cục trưởng Lam vừa giải thích mà chỉ thắc mắc vì sao  một phòng lại có tới 2 ông “sếp” trưởng? Làm vậy có trái với nguyên tắc tổ chức cán bộ? Vì tại thời điểm bổ nhiệm ông Thân Đức Công, ông Kiều Nghiệp vẫn đương chức Trưởng phòng, và đặc biệt tại thời điểm đó chưa có bất kỳ một văn bản nào hủy bỏ Quyết định 1268/QĐ-QLTT ngày 8/8/2013 về việc bổ nhiệm ông vào vị trí này. Thế nhưng sau đó (25/1/2014), lãnh đạo Cục Quản lý thị trường vẫn ký Quyết định 116/QĐ-QLTT bổ nhiệm ông Thân Đức Công nắm giữ chức vụ ít khi nghe nhắc tới: Trưởng phòng phụ trách phòng. 
“Thực tế, sau khi được bổ nhiệm vào chức Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả kiêm Tổ trưởng Kiểm tra thị trường cơ động, ông Nghiệp sang công tác luôn bên Tổ đó chứ đâu làm ở Phòng Chống hàng giả. Cá nhân tôi thấy có lăn tăn về mặt câu chữ trong Quyết định bổ nhiệm ông Công. Quyết định nói bổ nhiệm ông Công làm “Trưởng phòng phụ trách Phòng Chống hàng giả”, nhưng đúng ra phải viết là “Trưởng phòng phụ trách lĩnh vực chống hàng giả” thì mới đúng. Tôi thừa nhận văn bản này có  lỗi kỹ thuật ở chỗ đó” - Phó Cục trưởng Lam nói.
Tấm biển chức danh cho thấy ông Thân Đức Công là Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả
Tấm biển chức danh cho thấy ông Thân Đức Công
là Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả 
“Quản lý thị trường nghèo lắm!”
Xung quanh quyết định bổ nhiệm 2 người vào một “ghế” gây xôn xao dư luận nói trên, đơn thư phản ánh tới PLVN còn đặt nghi vấn có hay không việc mua bán, chạy chọt chức vụ Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả với giá hàng trăm triệu đồng? 
“Ở Cục này mỗi khi có sự kiện gì lớn hay chẳng hạn có người đi, người ở gì đó… là lại xuất hiện đơn thư nói việc này, việc nọ. Quản lý thị trường có nơi nghèo lắm, mấy ông vừa được bổ nhiệm trước đều ở tỉnh lên cũng khó khăn lắm, lấy đâu ra tiền mà chạy chọt” - ông Lam nói.
Sở dĩ dư luận nghi ngờ đã có sự “thi đấu” để được bổ nhiệm vào chức vụ Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả là vì thực tế, ở Cục này có nhiều phòng như Kiểm soát chất lượng hàng hóa, Phòng chống buôn lậu… nhưng hiện những Phòng này chỉ có một Trưởng phòng, trong khi đó Phòng Chống hàng giả lại có tới hai Trưởng phòng, và tin chắc rằng cả hai vị này đều muốn nắm giữ chức vụ nói trên?
Liên quan tới vấn đề này, ngày 29/5/2014 phóng viên Báo PLVN đã đề nghị ông Trịnh Văn Ngọc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường làm rõ những “lùm xùm” trong công tác tổ chức cán bộ ở đây. Ông Ngọc cho hay: “Sau khi xảy ra sự việc đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu Cục báo cáo và chúng tôi đã có văn bản báo cáo đồng thời xin ý kiến chỉ đạo”. 
Ít ngày sau, phóng viên có mặt tại Cục và đề nghị được tiếp cận với  tài liệu này, nhưng ông Ngọc từ xa điện thoại về nói không thể cung cấp. Qua cán bộ của mình, ông Ngọc nhắn lại khi nào Bộ Công Thương chính thức cho ý kiến chỉ đạo việc này thì mới cung cấp cho báo chí.
Có hay không việc chạy chức hàng trăm triệu đồng?
Việc hai ông ngồi chung một “ghế” Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả không chỉ là một sự trái khoáy trong công tác tổ chức cán bộ mà còn bị dư luận dị nghị đã có sự “thi đấu”, chạy chọt để có được chiếc ghế nói trên? Mới đây, trả lời PLVN về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đỗ Thanh Lam nói: “Mấy đồng chí này trước đều từ cơ sở lên. Mà Quản lý thị trường có nơi cũng nghèo khó lắm, lấy đâu ra tiền mà chạy chọt”. Được biết, trước khi về Cục, ông Nghiệp và  ông Công đều nguyên là lãnh đạo tại hai Chi cục Quản lý thị trường tại 2 tỉnh miền Bắc.

Đọc thêm