Hãm phanh "đô la hóa"

Trong bối cảnh lạm phát lên cao như hiện nay, thói quen tích trữ và sử dụng đồng USD trong niêm yết và thanh toán hàng hóa càng trở nên trầm kha, đặt nền kinh tế gần hơn với mối nguy “đô la hóa”.

Trong bối cảnh lạm phát lên cao như hiện nay, thói quen tích trữ và sử dụng đồng USD trong niêm yết và thanh toán hàng hóa càng trở nên trầm kha, đặt nền kinh tế gần hơn với mối nguy “đô la hóa”.

Ngày 25/2, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo số dư tiền gửi ngoại tệ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về Vụ Quản lý ngoại hối, chậm nhất là ngày 4/3.

Cụ thể, các ngân hàng phải báo cáo cho tiết số dư tiền gửi ngoại tệ, ký quỹ ngoại tệ tại thời điểm 28/2 của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo danh sách Ngân hàng Nhà nước xác định và các đơn vị thành viên.

Việc báo cáo này nhằm thực hiện chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải bán lại ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước, khi cần ngân hàng sẽ cung ứng lại với giá đúng theo giá niêm yết.

Hiện lãi suất huy động ngoại tệ của các tập đoàn được giới hạn ở 1%/năm. Tuy nhiên, do chênh lệch giữa giá USD niêm yết tại ngân hàng và USD ngoài thị trường tự do quá cao dẫn đến các doanh nghiệp găm USD hoặc chỉ bán với giá thỏa thuận cao hơn cả 1.000 đồng/USD so với giá niêm yết.

“Bất thường” và “bình thường”

Đã từ khá lâu,  khi đi mua xe ô tô nhập khẩu,  mua máy in, hàng điện tử, điện lạnh, mua nhà chung cư cao cấp, hay vào khách sạn, nhà hàng sang trọng… khánh hàng đều thanh toán bằng USD theo giá niêm yết của doanh nghiệp, nếu bằng VNĐ thì cũng quy đổi theo tỷ giá đồng ngoại tệ này. Thực tế “bất thường” đó được cả người bán, người mua và cả cơ quan có trách nhiệm quản lý coi như “bình thường”. Đây thực chất là những biểu hiện của  nền kinh tế bị  đô la hóa…

Có một thống kê đưa ra cách đây ít lâu là ở Việt Nam, tỷ lệ đô la hóa luôn ở mức trên 20% tổng giao dịch thanh toán trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực thấp hơn, chỉ khoảng 7-10%. Thực tế đó cũng góp phần dẫn đến một câu chuyện nghịch lý đã từng xảy ra ở nước ta, đó là khi lạm phát có nhăm nhe tăng thì đồng USD lập tức lên ngôi ngay cả khi đồng USD mất giá rất mạnh ở chính nước Mỹ và hầu khắp các nước trên thế giới.

Nhiều ngân hàng thương mại nước ta đã có dấu hiệu nghịch lý về đồng USD, biểu hiện qua hiện tượng: "thiếu tiền, thừa vốn". Do lãi suất huy động ngoại tệ tăng, cùng với tỷ giá có xu hướng tăng và đứng ở mức cao nên lượng "tiền gửi ngoại tệ" ở các ngân hàng tăng, trong lúc tiền mặt ngoại tệ ở thị trường  lại hiếm. Hay trên thị trường tín dụng,  vay USD có lãi suất khá thấp và không khó để vay, trong khi trên thị trường mua bán, USD lại rất khan hiếm và bị đẩy giá khá cao.

21 tỷ USD trong tài khoản

Trong những thời điểm cung cầu ngoại tệ trên thị trường mất cân bằng như một vài thời điểm vừa qua, tình trạng đô la hoá cũng gây thêm khó khăn cho việc ổn định trở lại của thị trường ngoại tệ. Bởi đô la hoá làm tăng hiện tượng đầu cơ, bóp méo cung cầu ngoại tệ. Trong lúc thực lực về dự trữ ngoại tệ  quốc gia mỏng, đồng USD tiếp tục nhảy múa không theo ý muốn. Một thông tin rất đáng chú ý mà Phó thủ tưởng Nguyễn Sinh Hùng thông báo, đó là  hiện tại số dư tài khoản ngoại tệ của các DN và ngân hàng thương mại lên tới 21 tỷ USD – nguồn ngoại tệ không hề nhỏ và hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu và nếu khai thông được nguồn này thì cung cầu ngoại tệ sẽ không căng thẳng như thời gian qua.

Thông tin này cũng vỡ lẽ một điều, lượng tiền ngoại tệ, cụ thể là đồng USD không hề thiếu, vấn đề là chúng ta chưa có cơ chế để khai thông nguồn tiền “chết trong két” này. Cũng từ thực tế đó cũng  nhận ra một điều là sự thiếu ổn định của các yếu tố vĩ mô, đặc biệt là vấn đề điều hành tỷ giá, cộng với lòng tin về tiền đồng chưa được củng cố khiến không chỉ cá nhân, mà các DN, ngân hàng, tổ chức kinh tế khác cũng có động thái găm ngoại tệ, đầu cơ ngoại tệ.

Trong cuộc họp chỉ đạo các giải pháp chống lạm phát vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: dứt khoát không để tỷ giá thả nổi; dứt khoát không để tình trạng đô la hóa cứ tiếp tục bất chấp luật pháp; dứt khoát các tập đoàn nhà nước phải bán ngoại tệ cho Ngân hàng nhà nước. Và, trong tình thế cấp bách như hiện nay, dứt khoát mệnh mệnh chỉ đạo của Thủ tướng phải được thực thi một cách triệt để để sớm ổn định tình hình.

Đức Thành

Đọc thêm