Hàng hóa vào Mỹ sẽ bị "trói" bởi đạo luật cạnh tranh

Bang Washington (Hoa Kỳ) mới đây đã thông qua Đạo luật Cạnh tranh không lành mạnh (UCA), theo đó yêu cầu các nhà sản xuất và xuất khẩu trên thế giới sử dụng công nghệ thông tin (cả phần cứng và phần mềm) hợp pháp trong việc sản xuất cũng như trong mọi hoạt động thương mại từ văn phòng đến nhà máy...
Doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ có thể bị cơ quan hữu trách cho vào “sổ đen” chỉ vì… nhân viên kho dùng phần mềm bất hợp pháp.

Giật mình vì… Đạo luật Cạnh tranh không lành mạnh

Bang Washington (Hoa Kỳ) mới đây đã thông qua Đạo luật Cạnh tranh không lành mạnh (UCA), theo đó yêu cầu các nhà sản xuất và xuất khẩu trên thế giới sử dụng công nghệ thông tin (cả phần cứng và phần mềm) hợp pháp trong việc sản xuất cũng như trong mọi hoạt động thương mại từ văn phòng đến nhà máy.

Đạo luật Cạnh tranh không lành mạnh bắt buộc nhà sản xuất tuân thủ ở tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất, phân phối sản phẩm. Ảnh minh họa: Trần Việt

Đạo luật nói trên khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam giật mình bởi quy định ngặt nghèo của nó. Theo thông tin được cung cấp từ Công ty Tư vấn luật Baker & McKenzie, việc tuân thủ quy định nói trên phải được nhà sản xuất lưu ý thực hiện trong cả quy trình sản xuất, phân phối, bởi việc sử dụng công nghệ thông tin trái pháp luật trong bất kỳ công đoạn nào cũng có thể khiến nhà sản xuất phải bồi thường thiệt hại, hàng hóa bị tịch thu và bị hạn chế việc tiếp cận thị trường sinh lợi tại Hoa Kỳ.

Có hai dạng doanh nghiệp có thể bị kiện ở Washington và các bang khác, đó là các nhà sản xuất sản phẩm được bán hoặc chào bán tại Washington dù là được bán hoặc chào bán riêng rẽ hoặc được bán, chào bán như một bộ phận của sản phẩm khác, khi nhà sản xuất này tồn tại việc sử dụng phần mềm không hợp pháp ở bất kỳ công đoạn nào, trong công tác văn phòng hay ở quá trình trực tiếp sản xuất ra sản phẩm, hoặc lưu kho, hoặc vận chuyển sản phẩm. Nhà sản xuất cũng có thể bị kiện nếu các bên thứ ba, ví dụ như bên bán lẻ hoặc phân phối sản phẩm, sử dụng phần mềm bất hợp pháp. Như vậy, doanh nghiệp đứng trước khả năng một ngày nào đó có thể nhận trát gọi kiện chỉ bởi… nhân viên trông kho dùng một phần mềm nào đó bất hợp pháp.

Đạo luật này cũng khiến cho doanh nghiệp lo ngại khả năng bị kiện nhiều hơn, khi quy định các nhà sản xuất các sản phẩm cạnh tranh trên địa bàn có thể kiện chống cạnh tranh không lành mạnh, dù nhà sản xuất đó có trụ sở ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Trong trường hợp các nhà sản xuất không kiện, nhưng Chưởng lý tiểu bang phát hiện có hiện tượng vi phạm đạo luật này, cũng có thể đưa đơn kiện nhà sản xuất.

Bang Lousiana đã ban hành một đạo luật tương tự và hơn 20 bang khác của Hoa Kỳ cũng đang xem xét ban hành những đạo luật như thế này. Trong bối cảnh phần mềm bất hợp pháp đang được sử dụng tràn lan vô tư trong mọi lĩnh vực đời sống như hiện nay, đây quả là một lời cảnh báo đáng ngại cho bất kỳ nhà xuất khẩu nào của Việt Nam.

Doanh nghiệp chớ ngại “thả con tép, bắt con tôm”

Hàng loạt vụ vi phạm sở hữu trí tuệ gần đây, đặc biệt đối với các trường hợp doanh nghiệp Việt Nam không nắm bắt được thông tin về luật pháp, sự vận động ở thị trường nước ngoài, đã khiến chúng ta gặp không ít bất lợi.

Đối với thị trường Hoa Kỳ - nơi Việt Nam đang xuất khẩu gần 20% lượng hàng xuất khẩu mỗi năm -thì việc nắm bắt được thông tin thị trường và trở thành một khâu trong chuỗi vận động của thị trường là điều cần thiết. Luật sư Trần Mạnh Hùng (Cty Tư vấn luật Baker & McKenzie) chia sẻ với các doanh nghiệp xuất khẩu có mặt trong hội thảo: “Những bước chuyển trong thương mại quốc tế - cơ hội cho các nhà sản xuất Việt Nam” rằng, vì đạo luật này quy định ngặt nghèo ở nhiều khâu trong cả quá trình kéo dài như vậy, nên ngoài việc tuân thủ sử dụng phần mềm hợp pháp, khi hợp tác với bên thứ ba (phân phối, bán lẻ), doanh nghiệp cũng nên lập bản quy tắc, trong đó có yêu cầu về nội dung này.

Một đồng nghiệp của ông Hùng nhận định, doanh nghiệp đừng ngại “bỏ con tôm, bắt con tép”, vì việc nhà sản xuất Việt Nam chi phí đầu tư phần mềm có bản quyền không chỉ giúp nhà nhập khẩu phía Hoa Kỳ yên tâm, mà còn tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn với các nhà xuất khẩu khác, đặc biệt là các nhà xuất khẩu Trung Quốc, nơi mức độ sử dụng phần mềm có bản quyền rất thấp.

“Doanh nghiệp cũng không nên hoang mang, bởi đạo luật nói trên cũng cho nhà sản xuất một khoảng thời gian nhất định để họ tuân thủ quy định. Vả lại, Việt Nam giờ là thành viên Hiệp định TRIPS, Công ước Bern về sở hữu trí tuệ. Một khi doanh nghiệp tuân thủ pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ, thì doanh nghiệp cũng có cơ sở để phía Hoa Kỳ tin tưởng, chấp nhận” - Luật sư Minh Trí (Cty luật Baker&McKenzie) trấn an.

Hoàng Thủy

Đọc thêm