Hàng loạt bệnh viện Hà Nội sử dụng máy xét nghiệm cũ nát

(PLO) - Từ việc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Thường Tín bị Đội kiểm tra liên ngành phát hiện sử dụng máy xét nghiệm sinh hóa tự động nhãn hiệu Hitachi 717, seri 6312-19 không rõ nguồn gốc, PV tìm hiểu được sự thực đáng ngạc nhiên về thiết bị đang dùng để khám chữa bệnh ở một số bệnh viện (BV) của Hà Nội… 
Chiếc máy xét nghiệm sinh hóa Hitachi 717 của Bệnh viện Đa khoa Thường Tín vừa bị Sở Y tế tịch thu
Chiều 29/7, Sở Y tế Hà Nội công bố những thông tin ban đầu liên quan đến vụ việc.
Đường đi của chiếc máy nhập lậu
Lãnh đạo BVĐK huyện Thường Tín cho biết, do các máy xét nghiệm sinh hóa được Sở Y tế Hà Nội cấp đều trong tình trạng bị hỏng, trục trặc không sử dụng được nên BV đã mượn máy của 1 doanh nghiệp (DN) bên ngoài là Cty TNHH Phú Cường An (địa chỉ 91/50 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội). 
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra hồ sơ chiếc máy Hitachi 717, DN này đã không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, vì vậy Sở Y tế đã ra quyết định xử phạt, tịch thu và tiêu hủy chiếc máy này bởi đây là hàng nhập lậu trái phép vào Việt Nam.
Điều đáng nói, dòng máy sinh hóa tự động 717 là dòng máy sản xuất  từ những năm 1990 tại Nhật, chính hãng đã ngừng sản xuất  từ lâu. Máy xét nghiệm sinh hóa cũ này được xếp vào diện cấm nhập khẩu vào Việt Nam, vậy nó vào các BV bằng đường nào?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Cty TNHH Phú Cường An, chủ nhân của chiếc máy này chuyên nhập khẩu các máy xét nghiệm sinh hóa và cũng đang cho các BV tuyến huyện các tỉnh mượn. Đổi lại, các BV sẽ phải đấu thầu mua hóa chất xét nghiệm của DN này. 
Như trường hợp BVĐK Thường Tín, để được mượn máy, BV đã ký hợp đồng mua hóa chất của Cty này với giá trị là 1,2 tỷ đồng. Phương thức này cũng diễn ra ở nhiều BV khác thuộc các tuyến huyện hoặc các BV tuyến tỉnh như Thanh Hóa, Hải Dương… Liên quan đến việc nhập lậu thiết bị y tế cũ nát, 4 DN mới bị khởi tố.
Theo truy xét của cơ quan Hải quan, các DN này đã nhập khẩu máy xét nghiệm sinh hóa tự động đời cũ từ hơn 10 -15 năm như dòng máy Hitachi 717, 917, sau đó  đưa vào các BV để cho mượn và ăn chia tiền hóa chất. 
Trung bình, các BV này sẽ phải chi trả cho DN 45-60 triệu đồng/tháng tiền hóa chất. Trong khi để nhập 1 máy xét nghiệm cũ, Hàng lọt thiết
Chiếc máy xét nghiệm Greiner GA 240 được Sở Y tế cung cấp theo gói
thầu số 4 tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức bị hỏng nhiều tháng nay 
Tại sao máy cũ nát có “đất diễn”?
Tìm hiểu tại sao máy xét nghiệm sinh hóa cũ nát có chỗ trong BV nhà nước, như BVĐK Thường Tín, chúng tôi được biết, trong Khoa Xét nghiệm hiện có mấy máy xét nghiệm sinh hóa nhưng 1 máy Hitachi 717 dừng hoạt động, một máy Hitachi 717 bị Sở Y tế tiêu hủy do phát hiện hàng lậu, 1 chiếc máy sinh hóa tự động có nhãn hiệu  là Greiner GA 240 do Đức sản xuất, được Sở Y tế cấp cho BV hiện bị hỏng. 
Liên quan đến chiếc máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA 240 được cấp theo quyết định phân bổ trang thiết bị gói thầu số 4,  thuộc dự án đầu tư nâng  cấp trang thiết bị cho các BV tuyến huyện do Sở  Y tế Hà Nội phê duyệt, bà Nguyễn Thị Phương - Trưởng phòng Xét nghiệm  của BVĐK  Thường Tín (Hà Nội) cho biết, tốc độ trả kết quả của loại máy này rất chậm, trong 2 giờ 30 phút chỉ cho ra được 38 kết quả. Trong khi theo phê duyệt, đây là dòng máy chạy được 180 kết quả trong 1 giờ. Đó là chưa kể  chiếc máy này đã cho ra những kết quả xét nghiệm không chính xác, vì vậy BV phải dừng lại, chờ kết quả kiểm tra chéo các mẫu xét nghiệm.
Chiếc máy hiệu Greiner GA 240 tại phòng xét nghiệm BVĐK Hoài Đức cũng được Sở Y tế cấp từ cuối năm 2010, gần 1 năm nay bị cháy bóng đèn nhưng BV không có bóng thay thế, vì vậy đành “đắp chiếu”. Lãnh đạo BVĐK Hoài Đức cho biết, BV đã liên tục liên hệ với nơi cung cấp máy yêu cầu sửa chữa, nhưng chỉ  được trả lời là chưa sửa được do không có vật tư thay thế.
Gói thầu 04 mua sắm trang thiết bị hồi sức và xét nghiệm là gói thầu do UBND TP.Hà Nội phê duyệt, giao Sở Y tế Hà Nội làm chủ  đầu tư cung cấp thiết bị cho BVĐK Sơn Tây, Vân Đình, Quốc Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Thanh Oai, Mỹ Đức, Thạch Thất, Phú Xuyên, Thường Tín để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với tổng giá trị gói thầu  khoảng 30 tỷ đồng.
Ngày 28/7, Bộ Y tế có Công văn số 4913/BYT-TB-CT yêu cầu Sở Y tế Hà Nội thành lập các đoàn kiểm tra tình hình mua sắm, sử dụng các trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh trong tất cả cơ sở y tế đóng trên địa bàn Hà Nội…
Kết quả kiểm tra ban đầu của Sở Y tế Hà Nội
Chiều 29/7, Sở Y tế Hà Nội công bố những kết quả kiểm tra ban đầu theo yêu cầu của Bộ Y tế. Theo ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Tổ trưởng Tổ công tác xác minh thông tin vụ việc, Tổ công tác đã kiểm tra nguồn gốc, tình trạng hoạt động của các thiết bị nói trên tại 2 BV là BVĐK Hoài Đức và BVĐK Thường Tín, kết quả cho thấy:
Về hồ sơ cũng như quy trình nghiệm thu, vận hành máy tại 2 cơ sở này đều đầy đủ và đáp ứng theo quy trình. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, cả hai máy xét nghiệm này đều bị trục trặc, cụ thể là bị hỏng bóng anise (BVĐK Thường Tín hỏng tháng 3/2013, còn BVĐK Hoài Đức hỏng tháng 11/2013). 
Sai sót của 2 BV này là đã không trực tiếp liên hệ với nhà cung cấp thiết bị mà lại nhờ Cty cung cấp hóa chất hỗ trợ dẫn đến việc máy xét nghiệm sinh hóa của BV phải nằm “đắp chiếu”, trong khi BV phải trông chờ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Trong quá trình kiểm tra thực tế máy xét nghiệm, Tổ công tác cũng phát hiện máy được sản xuất vào tháng 5/2010 tại Đức, nhưng bên trong lại có một số linh kiện mang nhãn hiệu Trung Quốc, Việt Nam; quá trình bảo trì, bảo dưỡng cũng chưa đúng với quy định. 
Trước những sai sót này, Tổ công tác đề nghị 2 cơ sở y tế nói trên phải tăng cường công tác bảo trì, bảo dưỡng máy, đặc biệt tiến hành sửa chữa ngay máy xét nghiệm sinh hóa để phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục thanh, kiểm tra tình hình sử dụng trang thiết bị y tế của các cơ sở khác trên địa bàn để chấn chỉnh hoạt động này.
Trước câu hỏi về việc các máy xét nghiệm sinh hóa (thuộc gói thầu số 04 do Cty Cổ phần Xuất nhập khẩu Khoáng sản Việt Nam đứng tên) trong hồ sơ ghi xuất xứ Đức, nhưng lại có nhiều linh kiện mang nhãn Trung Quốc, Việt Nam, đại diện Cty này lý giải, trong xu thế quốc tế hóa toàn cầu, việc một sản phẩm chính hãng nhưng được lắp ráp các thiết bị của nước khác là chuyện bình thường và không trái với quy định. Quan trọng là sản phẩm đã được nước Đức kiểm định trước khi xuất sang Việt Nam. Đại diện đơn vị này cũng khẳng định, Cty của ông đã làm đúng quy trình về đấu thầu cũng như cung cấp trang thiết bị cho phía đối tác…

Đọc thêm