Hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật của gia tộc Rothschild đã rơi vào tay Đức Quốc xã như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau khi chiếm đóng thành công nước Áo, chính quyền Hitler bắt đầu một chiến dịch tước đoạt toàn bộ tài sản của người Do Thái tại đây, gia tộc Rothschild tại Áo cũng không thoát khỏi “cơn khát” tàn bạo này của Đức Quốc xã. Sau nhiều thập niên, cùng sự nỗ lực của các thế hệ, một phần trong số gần 3.500 tác phẩm nghệ thuật đã được trao trả về cho gia tộc này.
Bettina Burr với bức chân dung năm 1925 của bà nội Clarice de Rothschild của nghệ sĩ de Laszlo.
Bettina Burr với bức chân dung năm 1925 của bà nội Clarice de Rothschild của nghệ sĩ de Laszlo.

Đại gia tộc rơi vào tầm ngắm

Vào tháng 2/ 1938, Hitler nhấn mạnh với Thủ tướng Áo Kurt Schuschnigg về sự cần thiết của việc để cho quân đội Đức bảo đảm biên giới quốc gia này. Schuschnigg lên kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu bàn về nền độc lập của Áo trong ngày 13/3/1938, nhưng Hitler yêu cầu bãi bỏ.

Vào ngày 11/3/1938, Hitler gửi một tối hậu thư đến Schuschnigg đòi ông này phải bàn giao toàn bộ quyền lực cho đảng Quốc xã Áo hoặc đối mặt với một cuộc xâm lăng. Ngày hôm sau, các lực lượng vũ trang quân đội Đức Quốc xã tiến quân vào Áo và được cư dân địa phương chào đón nhiệt tình.

Khi tiến vào nước Áo, chính quyền của Đức Quốc xã đã thực hiện một chiến dịch nhằm tước đoạt toàn bộ tài sản của người Do Thái. Theo đó, lính Đức Quốc lùng bắt và đưa những người Do Thái đến các trại tập trung hoặc trại lao động ở Áo.

Tiếp đến, binh sĩ phát xít Đức tiến hành lục soát các ngôi nhà, căn hộ của người Do Thái. Tại đây, lính Đức sẽ lấy toàn bộ đồ đạc giá trị như trang sức, vàng bạc, các tác phẩm nghệ thuật, bộ sưu tập gốm sứ... Thậm chí, những vật dụng hàng ngày như khung ảnh, khăn trải giường, dụng cụ nhà bếp cũng bị lính Đức chiếm đoạt. Toàn bộ được đem bán lấy tiền với giá trị lên đến vài triệu USD. Dựa vào chiến dịch này, binh sĩ Đức dưới thời trùm phát xít Hitler đã cướp đoạt tài sản của những người dân yếu thế một cách tàn bạo và vô nhân tính.

Quân đội Đức diễu hành vào Quảng trường Anh hùng ở Vienna ngày 14/3/1938. Quân đội Đức diễu hành vào Quảng trường Anh hùng ở Vienna ngày 14/3/1938.

Tất cả những điều này đều nằm trong kế hoạch của Đức Quốc xã. Không chỉ vơ vét những tài sản có giá trị để xung vào ngân khố của chính quyền Hitler, lính Đức tịch thu nhiều đồ đạc còn nhằm xóa đi dấu vết về việc người Do Thái từng sinh sống tại những nơi này. Do vậy, những ngôi nhà của người Do Thái trở nên trống vắng, không còn bất cứ món đồ nào có giá trị cũng như cho thấy họ từng sinh sống tại đây. Đây là một trong những nỗ lực loại bỏ người Do Thái trên khắp châu Âu của trùm phát xít Hitler.

Cần phải nhớ rằng, tại Vienna vào thập kỉ 1820, Salomon Mayer Rothschild đã thành lập một ngân hàng sau đó phát triển và tạo dựng được một gia sản cùng địa vị to lớn cho gia tộc tại Áo. Dù vào năm 1929, gia tộc Rothschild tại Áo bị rơi vào một cuộc khủng hoảng lớn, đứng trên bờ vực phá sản, nhưng Nam tước Louis Nathaniel de Rothschild khi đó đã phải nỗ lực để chống đỡ cho Creditanstalt - Ngân hàng lớn nhất nước Áo để ngăn nó sụp đổ. Mặc dù rơi vào khó khăn, nhưng gia tộc Rothschild khi đó vẫn sở hữu những bộ sưu tập nghệ thuật huyền thoại. Bởi là một gia tộc Do Thái nên nghiễm nhiên Rothschild đã không thể tránh khỏi chiến dịch vơ vét tài sản của Đức Quốc xã.

Tháng 3/1938, quân đội Đức Quốc xã đã tịch thu tài sản và bộ sưu tập của Rothschild ở Vienna, đặc biệt nhắm vào các bộ sưu tập nghệ thuật của gia đình để tịch thu. Những bộ sưu tập khổng lồ như như tranh, áo giáp, thảm thêu và tượng điêu khắc... đã bị lính Đức cướp không sót lại một thứ gì. Không chỉ vậy, những dinh thự sân vườn tại Vien của gia tộc Rothschild cũng bị Đức Quốc xã tịch thu. Đồ vật duy nhất thoát khỏi tay lính Đức là bộ đồ trang sức mà Nam tước Louis Nathaniel de Rothschild đã mang theo trong chuyến du lịch tới Anh vào thời điểm đó.

Đức Quốc xã đã tịch thu gần 3.500 tác phẩm nghệ thuật từ bộ sưu tập của gia tộc Rothschild. Nhiều đồ vật đã được chọn cho Bảo tàng Führermuseum, bảo tàng nghệ thuật mà Adolf Hitler đã lên kế hoạch cho thành phố Linz, hay được cất giấu trong trong mỏ muối Alt Aussee của Áo.

Cũng giống như bao gia đình Do Thái khác, những người thuộc gia tộc Rothschild cũng bị lính Đức bắt giữ. Bettina Looram de Rothschild (1924-2012, cha của Bettina là chắt của Salomon von Rothschild) khi đó 13 tuổi, vẫn ở Vienna và cố gắng chạy trốn khỏi Áo cùng chị gái Gwendoline và những người làm trong gia đình. Trước khi họ có thể đến biên giới Thụy Sĩ, cảnh sát Áo đã chặn tàu và buộc tất cả người Do Thái phải xuống tàu. Hai chị em họ đã phải ngồi tù 1 ngày trước khi được thả. May mắn, với thực lực về kinh tế nên mọi thành viên trong gia tộc đã trốn thoát khỏi cuộc tàn sát của Đức Quốc xã, một trong số họ đã chuyển tới Mỹ và chỉ trở về châu Âu sau khi chiến tranh kết thúc.

Hành trình trở về của những bảo vật

Nam tước Alphonse và Clarice de Rothschild cùng gia đình vào năm 1937.

Nam tước Alphonse và Clarice de Rothschild cùng gia đình vào năm 1937.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, các lực lượng Đồng minh đã phát hiện ra các tác phẩm nghệ thuật bị phát xít Đức cướp phá trong mỏ muối Alt Aussee của Áo và họ bắt đầu quá trình phục hồi hoặc trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp của chúng. Người góp phần đòi lại khối tài sản này cho gia tộc Rothschild chính là Bettina Looram de Rothschild.

Năm 1940, Bettina và chị gái Gwendoline, Alphonse và Clarice rời châu Âu đến một căn hộ trên Đại lộ Park (New York), nơi họ sau đó được gia nhập bởi các thành viên khác của gia đình Rothschild Viennese và Pháp.

Cùng với mẹ mình, Bettina đã tiến hành một chiến dịch dài hơi để đòi lại gia sản và kho báu bị lấy đi trong chiến tranh. Chiến dịch đòi lại tài sản của gia tộc đã bắt đầu vào năm 1947, khi Bettina đi cùng mẹ và chú Louis của cô đến Vienna, để xem những gì có thể được lấy lại từ tài sản cũ của họ.

Tuy nhiên, mãi đến năm 1998, nhờ sự kiên trì của Bettina, 250 món đồ do Đức quốc xã lấy từ các nhà Rothschild của Áo và sau đó được gửi vào các bảo tàng quốc gia của Áo đã được trả lại cho cô. Chỉ giữ lại một vài kỷ vật, Bettina và người thân đã bán phần còn lại tại Christie’s ở London (Anh).

Một chiếc vòng cổ bằng ngọc trai và kim cương thuộc bộ sưu tập của gia tộc Rothschild.Một chiếc vòng cổ bằng ngọc trai và kim cương thuộc bộ sưu tập của gia tộc Rothschild.

Trong số những kỷ vật đó, Bettina đã trao tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Boston - MFA (Mỹ). Ngoài việc kể một câu chuyện quan trọng về lịch sử, các bộ sưu tập Rothschild còn có chất lượng và độ quý hiếm được đánh giá cao. Những của các đồ vật còn nâng cao bộ sưu tập nghệ thuật trang trí châu Âu, tranh, bản vẽ, đồ trang sức và sách của MFA.

Kho báu gia tộc Rothschild, trưng bày gần 80 đồ vật có ý nghĩa cá nhân đối với gia đình Rothschild, bao gồm cả Chân dung Clarice de Rothschild (1925) của Philip de László, và nhiều đồ trang sức của bà. Bộ sưu tập quý giá này đã thể hiện rõ nét “hương vị quý tộc châu Âu” trước Cách mạng Pháp.

Trong số đó có thể kể đến bộ sưu tập bao gồm một loạt các đồ trang sức mang phong cách cao cấp từ thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đó là một chiếc vòng cổ, vương miện (những năm 1920) được chế tác từ 9 viên kim cương hình quả lê tuyệt đẹp và một chiếc trâm trang trí nghệ thuật mang phong cách Áo (khoảng năm 1937) kết hợp 2 hạt ngọc lục bảo có nguồn gốc từ Colombia và được cắt ở Ấn Độ.

Giờ đây những tác phẩm nghệ thuật của gia tộc Rothschild được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston mà tại một số bảo tàng của Áo. Nhiều cuộc triển lãm đã được tổ chức để giới thiệu tới công chúng những bộ sưu tập đắt giá và mang đậm tính nghệ thuật cao của gia tộc Rothschild.

Đọc thêm