Ngôi nhà nhỏ của ông Oa nằm lọt thỏm giữa những tòa nhà kiên cố, khang trang, tường vôi đã ngả sang màu vàng úa, rỗng tuếch. Thi thoảng mấy đứa trẻ con chạy qua, chạy lại nô đùa ầm ĩ. Thế nhưng, trong cuộc nô đùa ấy, hầu như chẳng đứa trẻ nào nói với nhau một câu. Thay vào đó là những từ ú ớ, chỉ trỏ khó hiểu. Xen lẫn vào đó là tiếng ồm ồm, trầm trầm có vẻ của người lớn vang lên như thể “quát” mắng. Đó là những hình ảnh thường thấy trong ngôi nhà đặc biệt nhất ở Hà Nội.
Những mảnh đời bất hạnh
Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Dương Văn Oa, bà Dương Thị Thang nằm gọn lỏn ở cuối thôn Thanh Trí, không quá khó để tìm đường đến với gia đình “đặc biệt” này. Sở dĩ gọi đó là gia đình “đặc biệt” bởi trong gia đình ấy có đến 7 người bị mắc phải những căn bệnh quái ác. Người may mắn thì bị câm, kém may mắn hơn thì bị mù, hoặc cũng có người vừa câm, điếc lại vừa bị mù.
Có lẽ nỗi đau là quá lớn, bởi cả xã, cả huyện, thậm chí cả cái đất nước Việt Nam này cũng không có gia đình nào phải gánh chịu nỗi đau đớn, tủi cực nhiều như gia đình bà Thang, ông Oa. Ngồi bần thần trước hiên nhà, bà Thang lặng im lắng nghe những âm thanh lạ vừa “đột nhập” vào “lãnh địa” nhà mình. Đôi mắt bà mở to, hướng ra phía cổng nhưng có lẽ chẳng nhìn được gì. Bởi khi chúng tôi bước gần tới trước mặt, bà Thang vẫn cất giọng sang sảng hỏi: “Ai đấy? Ai vừa đến nhà tôi đấy?” rồi lại lặng im chờ sự trả lời...
“Các chú ngồi xuống đây, khổ chẳng nhìn được gì, mấy đứa trẻ câm điếc thì nghịch kinh khủng. Đấy các chú mắt sáng nhìn giúp tôi xem cái nhà tôi nó có còn ra cái nhà nữa không? Bọn trẻ nó nghịch nãy giờ chắc lung tung hết lên rồi. Đến khổ, thân già mắt mù mà lại phải quát, phải trông mấy đứa con, mấy đứa cháu câm, cả ngày quát chúng nó mỏi cả miệng mà nó có nghe đâu.
Nhiều lúc chẳng biết chúng làm gì, vì thế tôi cũng để kệ cho bọn nó nghịch. Lâu lâu, nghe tiếng thằng con trai hoặc đứa con gái ú ớ quát, thì tôi biết bọn trẻ chắc là nghịch dại gì đó. Lúc ấy, tôi mới quát nhưng chắc chúng nó chẳng nghe được đâu. Đứa thì câm, đứa thì điếc, chẳng hiểu chúng chơi với nhau như thế nào nữa” - bà Thang lắc đầu ngao ngán.
Nén một tiếng thở dài, bà Thang bắt đầu kể về câu chuyện bất hạnh xảy ra với cuộc đời mình cũng như với cái gia đình nhỏ nhưng lại gặp cảnh đời éo le. Sinh năm 1939, bà Thang là con thứ hai trong một gia đình có hai chị em ở Thanh Hóa. Ngày nhỏ, bà Thang cũng xinh xắn, mạnh khỏe như bao đứa trẻ khác. Tuy nghèo nhưng cả hai chị em bà Thang đều được cha mẹ cho ăn học bằng bạn, bằng bè. Thế nhưng, lên 6 tuổi bất hạnh bất ngờ ập đến với cuộc đời bà.
Ngày ấy, tự nhiên bà Thang thấy mắt mình nhìn cái gì cũng mờ đi. Sợ hãi, bà Thang không biết làm gì, chỉ biết khóc và khóc. Thương con, cha mẹ bà đã đưa con gái đi chạy chữa khắp nơi nhưng kết quả nhận được chỉ là những cái lắc đầu. Bắt buộc phải sống chung với căn bệnh “lạ”, đôi mắt ngày một mờ đi, nhưng bà không hề nản chí mà vẫn luôn hy vọng sẽ có một ngày mình sẽ nhìn thấy lại được như trước. Nhưng có lẽ đó cũng chỉ là hy vọng…
Bà Dương Thị Thang chia sẻ về nỗi đau đớn xảy ra với gia đình. |
Chia sẻ với chúng tôi về cuộc đời đầy bất hạnh của mình, bà Thang cho biết: “Cha mẹ tôi đã mất vào năm xảy ra nạn đói khủng khiếp nhất, để lại hai chị em tôi bơ vơ không nơi nương tựa. Khi đó tôi mới 9 – 10 tuổi thôi. May mắn sau đó cả hai chị em tôi được người ta nhận về nuôi, và chị em tôi trở thành người giúp việc. Gia đình ông bà chủ rất tốt, không những nuôi dưỡng hai chị em tôi, họ còn đưa tôi đi khám mắt và điều trị tại bệnh viện thành phố. Nhờ đó, đôi mắt của tôi không bị mù mà chỉ bị lòa, cho đến năm 60 tuổi thì tôi bị mù hẳn.
Khi bước sang tuổi 20, cũng là lúc ông bà chủ tìm và lấy cho tôi một tấm chồng. Ông ấy là một thanh niên cùng làng, chăm chỉ, chịu khó nhưng ngặt nỗi bị điếc. Lúc ấy tôi cũng không có sự lựa chọn, với lại tôi nghĩ, mình thân phận người ở, đôi mắt cũng bị mờ đục thì làm gì có quyền kén chọn. Chỉ hy vọng gặp được người chồng yêu thương tôi hết mình, còn bệnh tật có lẽ phải chờ vào một phép nhiệm màu nào đó. Người đàn ông ấy chính là ông Oa, chồng tôi bây giờ” - bà Thang rưng rưng.
Lau vội giọt nước mắt đang chảy tràn trên gương mặt khắc khổ của mình, bà Thang kể: “Chung sống với nhau được một năm thì vợ chồng tôi có tin vui. Đó là một đứa con gái, đứa con sẽ gắn kết cuộc đời hai vợ chồng tôi. Chúng tôi mong cháu sẽ là một đứa con lành lặn, mắt không bị lòa, tai không bị điếc. Chính vì vậy ông nhà tôi quyết định đặt tên cháu là Dương Thị Sáng. Bất hạnh thay, khi vừa sinh ra, các bác sĩ cho biết cháu bị mù bẩm sinh. Lúc ấy cả hai vợ chồng tôi đau khổ và hụt hẫng lắm, chỉ biết ôm nhau khóc. Không nản chí, chúng tôi quyết tâm sinh thêm những đứa con khác, cùng những niềm tin mới...”.
Không như mong đợi của ông bà Thang, cô con gái thứ hai Dương Thị Ánh mặc dù sinh ra không phải chịu cảnh mù lòa nhưng tạo hóa thật trớ trêu lại cướp đi thính giác của cô, và đó cũng là một căn bệnh bẩm sinh. Nghịch cảnh của gia đình ông Oa không dừng lại ở đó, khi người con trai là Dương Văn Thiều và Dương Văn Khuynh sinh ra được hy vọng để nối dõi tông đường thì lại gặp phải cảnh đời bất hạnh hơn gấp mấy lần hai người chị của mình, cả hai người đều mắc bệnh câm, điếc bẩm sinh.
Chỉ đến khi hai người con kế tiếp của bà Thang là Dương Văn Út và Dương Thị Mến sinh ra, ông bà mới được hưởng trọn niềm vui làm cha mẹ. Đó có lẽ là điều hạnh phúc nhất không chỉ đối với ông bà Oa mà còn đối với hai đứa con thơ của ông bà. Những tưởng niềm vui như vậy sẽ nhân lên, ai ngờ người con trai út là Dương Văn Chút lại mắc bệnh như các chị đầu của mình: bị câm, điếc bẩm sinh.
Nỗi đau đớn trong gia đình ông bà Oa không chỉ dừng lại ở đó, khi đến thế hệ thứ 3 trong gia đình là các cháu của bà Thang, bi kịch một lần nữa lại tiếp diễn khi có đến 3 đứa cháu nội của bà Thang cũng bị mắc bệnh câm điếc bẩm sinh. Đến lúc này, không chỉ gia đình mà thậm chí cả những người dân trong làng cũng cảm thấy sợ hãi, hoang mang.
Nỗi đau chưa có hồi kết
Không chỉ đau đớn khi chứng kiến những đứa con, đứa cháu tội nghiệp của mình phải sống trong cảnh bệnh tật, kẻ câm, người điếc, đứa mù lòa… gia đình ông bà Oa lại phải hứng chịu thêm bao cay đắng bởi sự đàm tiếu của bà con lối xóm. Nhiều người bảo, có thể đời trước gia đình nhà ông bà Oa làm điều “thất đức”, cũng có người nói có thể là nhà ông bà “âm đức mỏng, tích đức ít” nên con cháu mới phải gánh chịu nỗi đau truyền kiếp như vậy. Thế nhưng hơn ai hết, chỉ có ông bà Thang mới hiểu hết được mọi sự đớn đau mà mình và gia đình không may mắc phải.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Thang không giấu được sự xúc động: “Sinh con ra, cha mẹ nào mà chẳng muốn con cái được mạnh khỏe, được đến trường. Hạnh phúc biết bao khi nghe con bi bô tập nói, rồi chập chững bước đi…Thế nhưng, niềm hạnh phúc ấy lại chẳng đến với gia đình tôi trọn vẹn. Nhà nghèo đã đành, chúng lại bị bệnh tật nên không có đứa nào được đến trường, đến lớp. Đứa may mắn không bị mù thì lại bị câm, đứa không bị câm thì lại bị điếc. Đấy, các chú thử nghĩ xem, nỗi khổ như thế đã đủ chưa?.Vậy mà gia đình tôi còn phải hứng chịu biết bao sự đàm tiếu”.
Không thể so sánh nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau nào nhỏ hơn, nhưng với những gì xảy ra trong gia đình bà Thang, đó không chỉ còn là nỗi đau mà là cả một sự bất hạnh “trường kỳ”. Bởi, không chỉ có cuộc đời vợ chồng ông Oa, bà Thang phải hứng chịu nỗi đau bệnh tật, mà thậm chí đời con, đời cháu của ông bà cũng phải “gánh” nỗi đau đớn “truyền kiếp” ấy. Được biết, con trai bà Thang là anh Dương Văn Khuynh sau khi lập gia đình, sinh hạ được hai cháu Dương Thị Hoài và Dương Thị Chi cũng đều mang bệnh như bố, các cháu đã mất đi ánh sáng đôi mắt, cửa sổ của tâm hồn. Bọn trẻ tiếp nối cuộc đời trong bóng tối, ngày cũng như đêm giống ông bà và bố mẹ chúng.
Bất hạnh không kém anh Khuynh, Dương Văn Thiều sau khi may mắn lấy được vợ, niềm vui mừng vừa lóe lên thì bất hạnh lại ập đến trong gia đình người đàn ông khốn khổ này. 4 người con sinh ra thì có đến 2 đứa trẻ mắc bệnh câm, điếc như bố. Bởi thế, cuộc sống bất hạnh trong gia đình “kỳ lạ” ấy lại được tiếp nối bởi những nỗi đau đớn bất hạnh mới...
“Cái khổ lại chồng cái khó. Không thể hiểu nổi, đã nghèo lại còn vướng phải bệnh tật. Cả 3 đời rồi các chú ạ. Đớn đau lắm! Tuổi già sức yếu, nhiều lúc đau ốm muốn có chỗ để nương tựa mà chẳng biết nương tựa vào đứa nào. Con cái hầu như đứa nào cũng bệnh tật, đến nỗi bản thân chúng còn không tự lo được cho mình nữa huống chi là lo cho cha mẹ. Cực chẳng đã, ông Oa nhà tôi giờ phải qua nhà thằng Chút, đứa con trai út để ở. Còn bản thân tôi thì phải nương nhờ vào đứa con gái thứ hai Dương Thị Sáng. Người mù, người câm dìu dắt nhau để sống cho qua quãng đời còn lại lại vậy” - bà Thang xót xa.