Từng một thời được liệt vào danh sách "Tứ chứng nan y" (gồm: bệnh phong (cùi); bệnh lao; bệ cổ chướng (xơ gan); bệnh ung thư), những bệnh nhân phong nếu mắc phải sẽ bị đuổi ra khỏi làng, người người tránh xa, sống trong cô lập. Bản thân họ bị rẻ rúng, con cái họ không ai dám gả vợ dựng chồng, đành phải bỏ làng trốn đi thật xa giấu biệt tung tích. Họ phải sống cả cuộc đời cô quạnh như lời nguyền truyền kiếp...
Tuy nhiên, ở Thái Bình có bác sỹ Thiện dù mới nghỉ hưu, nhưng 32 năm nay ông đã coi bệnh nhân như những người ruột thịt của mình, để rồi hàng ngày vẫn tìm đến động viên, thăm hỏi họ.
“Bác sĩ đánh giậm”
Sinh năm 1954 ở xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư, Thái Bình, Thiện sớm hun đúc cho mình khao khát “thoát nghèo” bằng con đường học hành. Tốt nghiệp phổ thông năm 1972, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh lên đường vào Nam đánh giặc. Thời gian trong quân ngũ, mỗi khi có dịp Thiện lại đạp xe quanh nơi đóng quân, mượn sách Toán, Lý, Hóa về để chép lại và ôn tập. Đến khi ra quân, được chuyển ngành về công tác tại Nhà máy Tinh chế gỗ Thái Bình, Thiện vừa làm thợ mộc vừa tiếp tục ôn thi vào đại học.
Năm 1978 anh đỗ 2 trường, Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Thái Bình. Vì hoàn cảnh gia đình không cho phép, anh đã quyết định học tại trường đại học ở quê nhà.
Ngoài giờ học, Thiện vẫn dành ngày thứ bảy, chủ nhật về nhà đóng chạn, tủ, bàn, ghế kiếm thêm tiền trang trải việc học hành. Rỗi rãi, anh còn đi đánh giậm bắt tôm, tép cho mẹ mang ra chợ bán. Hàng xóm láng giềng ngày ấy luôn trầm trồ trước sự chăm chỉ làm lụng của Thiện, cứ thấy mặt là họ lại râm ran: “Chào bác sĩ đánh giậm”. Biệt danh này gắn bó với Thiện cho đến ngày anh ra trường...
Điều mà bác sĩ Thiện sau này nhớ nhất lại là chuyện chỉ có một bộ quần áo duy nhất để đi học nhưng đã bị mất trộm. Ông bảo, mất bộ quần áo ấy ông đã khóc đến mấy đêm. Thương con trai, người mẹ đành phải bán một số đồ đạc trong nhà để có thể mua được chiếc áo len, còn quần thì ông phải mặc tạm cái quần vá chằng vá đụp của anh trai.
Ngày đó, cả nhà, cả xã mong mỏi lúc Thiện ra trường để trở thành bác sĩ đầu tiên ở xứ nghèo. Nhưng vừa ra trường, Thiện lại đi biền biệt. Bà con láng giềng băn khoăn muốn biết Thiện công tác ở đâu, anh cứ tìm cách lảng tránh...
Cho tới ngày nhà anh bị đổ sau một cơn bão, đồng nghiệp đến thăm, cả nhà mới “chết đứng” khi biết anh đã chính thức về công tác tại trại phong một năm trước đó. Mẹ anh ngất lên ngất xuống, tỉnh dậy lại khóc, dứt khoát bắt Thiện bỏ trại phong về nhà, bắt tôm, bắt cua kiếm sống qua ngày cũng được. Vợ anh buồn bã đến mức không nói với anh một lời nào.
“Nhắc lại những ngày ấy thật sự đau lòng. Vì mình mà bố mẹ, vợ con bị láng giềng lảng tránh. Đi ăn cỗ họ cũng không dám ngồi cùng mâm với người nhà mình”, bác sĩ Thiện tâm sự.
Nhưng vượt qua sự kỳ thị, người bác sĩ ấy vẫn kiên định gắn đời mình với bệnh nhân phong.
Bước qua mọi thử thách, vượt qua mọi ánh nhìn…
Ông kể, hình ảnh đầu tiên ông bắt gặp chính là việc cán bộ làm việc ở đó chân đi ủng, đầu đội mũ, miệng bịt khẩu trang, tay đi găng, mắt đeo kính, quần áo phòng dịch bịt kín mít. Sau khi làm việc xong, họ ra tắm rửa, tẩy uế, sau đó mới trở về chỗ cơ quan dành cho cán bộ ở (cách trại phong khoảng 500m bên ngoài bờ đê thuộc xã Vũ Vân). Các cán bộ ở đây phải uống thuốc phòng bệnh DDS (Dapson) mỗi ngày.
|
Bác sĩ Thiện. |
Bác sĩ Thiện tâm sự: “Lần đầu tiên nhìn thật gần bệnh nhân phong, tự đáy lòng tôi cũng thấy sợ hãi. Hầu hết họ đều què quặt, lở loét, bôi thuốc đỏ, thuốc xanh, vi trùng tràn ngập cơ thể. Nhưng sau phút yếu lòng ban đầu, tình cảm thương xót những người đồng loại cùng khổ trỗi dậy khiến tôi thêm quyết tâm gắn bó với cái nơi tận cùng đau khổ mà ai cũng muốn tránh xa này”.
Vị bác sĩ thành thật: “Tôi cứ tự động viên sẽ cố gắng và chịu đựng được. Tôi đã từng nghĩ rằng, nếu mình bị lây thì không về quê nữa, sẽ ở hẳn nơi đó cùng người bệnh phong”.
Công tác ở trại phong, chịu đựng ánh nhìn kỳ thị của hàng xóm láng giềng, bác sĩ Thiện càng thấu hiểu cảm giác cô độc của những người trót mang căn bệnh nan y. Ông nghĩ mình là bác sĩ mà còn bị phân biệt đối xử thế thì những bệnh nhân trong trại khổ sở dưới ánh nhìn của người đời như thế nào.
Mỗi lần nghĩ như thế, ông lại thương hơn thân phận những bệnh nhân của mình.
Ông tiếp cận với bệnh nhân mạnh dạn hơn, ăn cùng họ từng bắp ngô, củ khoai luộc, thậm chí ăn cơm với gia đình ở làng phong… Rồi ông ra ngoài xã, vận động từng gia đình nhận con em bệnh nhân làm con nuôi để cho chúng được đi học, được lớn lên như những đứa trẻ khác (bởi sự thật, chúng không có bệnh, chỉ vì bị gắn mác con của người hủi mà bị mất tuổi thơ)…
Tình thương mỗi ngày một lớn, sự gắn bó càng chặt, các bệnh nhân phong trở thành những người thân thích, ruột thịt của ông lúc nào không hay.
Gắn bó với trại phong được khoảng hơn 20 năm, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc bệnh viện (BV) (sau khi trại phong được nâng cấp lên thành BV Phong da liễu Văn Môn). Với cương vị mới này, ông có thêm động lực để cố gắng cải thiện, thay đổi diện mạo BV, nâng cao hơn đời sống của những bệnh nhân phong, những người sống gần như tách biệt với cuộc sống đời thường.
Ông học thêm các nghiệp vụ chuyên môn khác, thúc đẩy các thế hệ bác sĩ, y tá đi sau trau dồi nghiệp vụ nhiều hơn, mở thêm nhiều chuyên khoa để thu hút người dân đến khám, nhằm tạo nguồn kinh phí để lo tốt hơn cho đời sống cán bộ và bệnh nhân.
Nhiều đoàn từ thiện về thăm bệnh nhân cảm nhận được tấm lòng của ông với bệnh nhân đã cùng ông góp phần cải thiện đời sống người bệnh. Rồi ông vận động các nhà hảo tâm xây cho bà con ngôi chùa ngay trong khuôn viên làng để bà con có nơi để học đạo, để được nghe Phật pháp và luôn cảm thấy bình an trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
32 năm gắn bó với người bệnh phong, đến bây giờ khi đã về nghỉ hưu, ông vẫn trăn trở về sự phát triển của BV, vẫn lo lắng cho những người bệnh khi già yếu thì vất vả và đau đớn như thế nào… Ông lo những phong trào, những câu lạc bộ đã từng là nơi nâng đỡ tinh thần cho người bệnh sẽ phát triển ra sao…
Về hưu rồi nhưng thi thoảng ông lại đến thăm BV và mỗi lần vào ông lại mất cả một ngày để đi thăm hỏi từng nhà bệnh nhân, những người ông coi như ruột thịt thân thích.../.