Hành trình sản sinh ra những ca khúc lẫy lừng của ABBA

(PLVN) - Với người dân ở nhiều nơi trên thế giới, ca khúc “Happy New Year” đã trở nên vô cùng quen thuộc, là giai điệu gần như không thể thiếu khi Tết đến Xuân về. Ca khúc này gắn liền với ban nhạc huyền thoại Thụy Điển ABBA.
Các thành viên ban nhạc ABBA đình đám khi còn trẻ.

“Cỗ máy sản xuất những bản hit”

Ban nhạc ABBA được thành lập vào năm 1972 với 4 thành viên bao gồm Agnetha Faltskog (sinh năm 1950), Bjorn Ulvaeus (1945), Benny Andersson (1946) và Anni-Frid Lyngstad (1945). Một nguồn tin cho hay, bước ngoặt đưa ABBA xuất hiện trên thị trường âm nhạc là khi Agnetha Falskog tình cờ gặp Bjorn Ulvaeus trong một câu lạc bộ âm nhạc. Hai người nhanh chóng nảy sinh tình cảm với nhau.

Cùng lúc đó, Agnetha cũng có tình bạn thân thiết với cặp đôi Benny Andersson và Anni-Frid Lyngstad. Nhờ điểm chung là đam mê âm nhạc, 4 người đã quyết định thành lập ra nhóm ABBA. Tên của ban nhạc được ghép từ chữ cái đầu của tên của 4 thành viên của nhóm. Đội hình cân bằng 2 nam, 2 nữ tạo nên sự khác biệt so với các ban nhạc nam giới lúc đó.

Năm 1974, bản hit Waterloo của ABBA giành chiến thắng cao nhất trên sân chơi âm nhạc Eurovision. Cú đột phá này mở ra cánh cửa danh vọng của nhóm trên bình diện toàn cầu. Họ trở thành một trong những nghệ sĩ âm nhạc có đĩa đơn bán chạy nhất mọi thời đại. ABBA đóng góp cho kho tài nguyên âm nhạc bằng vô vàn ca khúc đi theo năm tháng, có mặt trong một loạt bảng xếp hạng danh tiếng thế giới trong thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước.

Trong thập kỷ 1970, 6 trong 7 bản hit của ABBA leo lên vị trí số 1 tại Bảng xếp hạng Anh gồm có: Fernando, Mamma Mia, Dancing Queen, Knowing me Knowing you, Take a chance on Me. Ngoài các ca khúc nổi tiếng kể trên, nhóm còn có tới 3 ca khúc đạt hạng 1 và hơn 19 ca khúc trong top 10 ca khúc được ưa thích.

Hội tụ được nhiều điểm ưu việt mà hiếm có ban nhạc nào lập lại được kỳ tích như vậy, bộ tứ này đã làm rạng danh đất nước Thụy Điển. ABBA là nhóm nhạc đầu tiên từ một quốc gia không nói tiếng Anh gặt hái nhiều thành công trên các bảng xếp hạng của những quốc gia nói tiếng Anh, bao gồm Anh, Ireland, Canada, Australia, New Zealand, Nam Phi, và Mỹ. Họ lập kỷ lục với 8 album quán quân liên tiếp tại Anh đồng thời đạt được những thành công đáng kể tại thị trường Mỹ Latin. Ngoài ra, nhóm cũng đã thực hiện một tuyển tập những bản hit của họ bằng tiếng Tây Ban Nha.

Không chỉ âm nhạc, ban nhạc ABBA còn gây sự chú ý bởi 4 thành viên của nhóm cũng là hai cặp đôi, như đã nói ở trên, bao gồm Lyngstad và Andersson, Faltskog và Ulvaeus. Có một điểm khá thú vị là Faltskog và Ulvaeus kết hôn vào năm 1971, cùng năm với cặp đôi Lyngstad và Andersson trao nhẫn đính hôn. Điều bất ngờ là, sau hơn 10 năm, khi đang ở đỉnh cao danh vọng, cả hai cặp đôi cùng tuyên bố ly dị năm 1981. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của nhóm khi họ dần cảm thấy khó có thể cùng nhau sáng tạo và trình diễn âm nhạc thêm nữa.

Tuy nhiên, dẹp những mâu thuẫn tình cảm, xung đột cá nhân sang một bên, họ vẫn chung tay làm nên album cuối cùng vào có tên “The Visitors” năm 1981 trước khi chính thức tan rã vào năm 1982 mà không có tuyên bố chính thức. Khi đó, ca khúc “Happy New Year” đình đám ngày nay mới chỉ ra đời được 2 năm.

Giai điệu đẹp và cuốn hút luôn là kim chỉ nam cho những sáng tác của ABBA. Các ca khúc của họ đều khác biệt và không nhàm chán nhờ lối hát bè ăn ý và phần phối khí bắt tai. Đặc biệt, hai thành viên nữ của nhóm tỏa sáng trên sân khấu trong khi hai người bạn đời của họ lại chọn công việc “bếp núc” phía sau với việc chuyên tâm sáng tác, phối khí.

Ảnh hưởng của ABBA tới các ban nhạc thời kỳ 1990-2000 vô cùng sâu sắc, đặc biệt như nhóm nhạc đồng hương Roxette. Theo một ước tính, trong hơn 50 năm qua, tổng cộng đã có hơn 400 triệu album của ABBA đã được bán và các tác phẩm âm nhạc của họ hiện vẫn được người yêu nhạc ở mọi lứa tuổi hào hứng đón nhận.

Lần trở lại gây tiếng vang

Sau khi ABBA tan rã vào tháng 12/1982, hai thành viên cũ của nhóm là Andersson và Ulvaeus đạt được nhiều thành công ở lĩnh vực viết nhạc sân khấu, trong khi Lyngstad và Faltskog theo đuổi sự nghiệp hát đơn và cũng gặt hái được những thành công nhất định.

Âm nhạc của ABBA dần bị lãng quên cho đến năm 1989, khi bản quyền danh mục âm nhạc của họ và công ty thu âm Polar được công ty Polygram mua lại, cho phép hãng được tái bản tất cả những bản thu âm của nhóm trên toàn cầu và ra mắt một tuyển tập hit mới có tên “ABBA Gold” vào tháng 9/1992. Tuyển tập này nhanh chóng gây tiếng vang lớn trên toàn thế giới.

Tại Anh, tuyển tập này nắm giữ kỷ lục 1.000 tuần trên bảng xếp hạng âm nhạc xứ sở sương mù. Sau đó, một số tác phẩm điện ảnh, nổi bật là Muriel’s Wedding (1994) và The Adventures of Priscilla, Queen of the Desert (1994), đã sử dụng những ca khúc của ABBA, khiến cho danh tiếng của nhóm dần trở lại.

Năm 1999, âm nhạc của ABBA được chuyển thể thành vở nhạc kịch thành công “Mamma Mia”, được lưu diễn toàn thế giới. Cho đến nay, đây vẫn là show diễn ăn khách tại Anh. Bộ phim cùng tên phát hành năm 2008 đã trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất ở Anh vào năm đó và tạo nên cơn sốt phòng vé khắp toàn cầu.

Năm 2005, ABBA được vinh danh tại lễ kỷ niệm lần thứ 50 của Eurovision Song Contest, khi bản hit “Waterloo” của họ được chọn là bài hát hay nhất trong lịch sử cuộc thi. Nhóm được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll vào năm 2010 và đến năm 2015, bài hát “Dancing Queen” của ABBA được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Grammy của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Quốc gia.

Sau khi ABBA tan rã, ngay cả khi không còn là vợ chồng, bộ tứ Thụy Điển vẫn là bạn bè tri kỷ. Cũng đã có nhiều tin đồn thất thiệt về việc ban nhạc sẽ tái hợp. Tuy nhiên, trả lời báo chí vào năm 2014, Lyngstad từng thẳng thừng khẳng định: “Không. Tiền không thể khiến chúng tôi đổi ý. Có thể chúng tôi thỉnh thoảng nói rằng sẽ khá thú vị nếu hợp tác với nhau một ca khúc. Chỉ thu âm thôi và không có gì khác”. Hai năm sau, năm 2016, họ xuất hiện chung trên một sân khấu để kỷ niệm 50 năm sự nghiệp sáng tác của Andersson và Ulvaeus.

Chính vì vậy nên người hâm mộ đã rất hào hứng với album “Voyage” - sản phẩm âm nhạc được ABBA cho ra mắt vào đầu tháng 11 vừa qua, đánh dấu sự trở lại của nhóm nhạc huyền thoại sau 40 năm tan rã. Rất nhanh chóng, album này đã giành được vị trí quán quân trên bảng xếp hạng các album ăn khách nhất tại Anh. Ngay trong tuần phát hành đầu tiên, Voyage đã bán được 204.000 album, trở thành album được tiêu thụ nhanh nhất thế giới trong năm 2021, tính đến thời điểm đó.

Đánh dấu sự tái hợp lần này, không chỉ phát hành album Voyage, ABBA dự kiến sẽ tổ chức một buổi hòa nhạc tại London, Anh vào tháng 5 năm tới. Khi bước sang tuổi 80, họ sẽ phải biểu diễn trước hơn 3.000 khán giả với thể lực giảm sút hơn so với 40 năm trước. Do đó, yếu tố công nghệ sẽ giúp ích rất nhiều trong các buổi trình diễn trực tiếp.

Theo các thông tin được công bố cho đến nay, tại buổi hòa nhạc này, các thành viên của ABBA sẽ xuất hiện qua hình ảnh ảo được tạo ra bằng công nghệ lưu trữ chuyển động, tương tự cách mô phỏng bằng CGI trong phim hoạt hình của Hollywood. Công ty kỹ xảo phim ảnh của nhà làm phim nổi tiếng George Lucas - đạo diễn phim khoa học viễn tưởng Star Wars, sẽ chế tác ra avatar trẻ hóa của nhóm trong đoạn video.

Các thành viên ABBA sẽ mặc quần áo bó sát để ghi hình chuyển động. Thành viên Anderson tiết lộ: “Nhờ sự trợ giúp, phiên bản ABBA được trẻ hóa, chúng ta sẽ cùng du hành vào tương lai”. Chính vì vậy, người hâm mộ hiện đang rất hào hứng trước sự trở lại của nhóm.

Đọc thêm