Hệ quả "kết hôn cưỡng ép" của hai tập đoàn kinh tế nhà nước

Vậy là sau phép cộng là phép chia. "Em kết hôn với anh", nay chia gia tài, "ai về nhà nấy". Nhưng cũng như hôn nhân, sự "kẻ ở người đi" còn để lại bao nhiêu hệ lụy về nhân tình thế thái...

Rốt cuộc, sự lãng phí thời gian và tiền bạc sau các phép cộng, phép chia đâu chỉ 2 năm...

Hai tập đoàn kinh tế nhà nước chuyên ngành xây dựng, kết quả của một phép cộng cơ học và hành chính các tổng công ty thành viên, rốt cuộc rồi cũng đã đi đến kết quả tất yếu.

Lễ ra mắt HUD diễn ra cách đây chưa lâu, và lễ chia tay không biết có được tổ chức?

Bằng quyết định số 1428 của Thủ tướng Chính phủ, vậy là "ai lại đi về nhà nấy". Sau 2 năm tồn tại dưới danh nghĩa thí điểm, họ, dường như không để lại được bất kỳ dấu ấn nào đối với nền kinh tế ngoài mấy tấm bảng tên to tổ chảng treo ngoài trụ sở cùng dòng tiêu ngữ, nghe có vẻ sang trọng, trên đầu các công văn.

Bộ Xây dựng, cơ quan mà trước đây vẫn đóng vai trò "bộ chủ quản" của các tổng công ty, mà sau đó, có thể nói như là "mất quyền" vì sự thí điểm thành lập tập đoàn, nay lại có cơ hội "lấy lại quyền năng của mình" như đã có.

Một vài con số đã được bộ này đưa ra để thuyết minh Thủ tướng cho ngừng thí điểm hai tập đoàn này. Nói chung thì cơ quan quản lý dường như bao giờ cũng có lý. Hồi hình thành 2 tập đoàn này, trong báo cáo thuyết minh của bộ này trình lên Thủ tướng, có lẽ cũng đầy những cơ sở thế này, thế kia.

Giờ đây, "ai về nhà nấy". Câu chuyện thí điểm thành lập tập đoàn đã được bộ trưởng Bộ Xây dựng gọi như là "một bài học".

Như đã nói ở trên, việc thành lập 2 tập đoàn ngành xây dựng, là một phép cộng bằng mệnh lệnh hành chính mà không thuần nhất như những tập đoàn khác, như dầu khí, hóa chất, viễn thông... Dù cũng có những tổng công ty làm nòng cốt, như tổng công ty HUD và Sông Đà, nhưng về bản chất, đó vẫn là thực thể được dựng nên từ phép cộng của nhiều tổng công ty, mà mỗi tổng công ty đều có một thế mạnh riêng, một lịch sử riêng,  và cả một niềm tự hào riêng.

Họ, trước đây là đối thủ cạnh tranh của nhau tại các gói thầu, nay bỗng lại buộc phải "tình thương mến thương" dưới một mái nhà, lại có "người làm mẹ", "người làm con", cho nên chuyện "bằng mặt mà không bằng lòng" thì không thể tránh, nhưng vì quyết định hành chính mà vẫn phải vui vẻ chấp hành mà thôi.

Trước khi bị "sáp nhập" vào tập đoàn, nhiều tổng công ty cũng đã công khai - nếu nói là "phản ứng" thì cũng không hẳn đã đúng - nhưng có việc "bày tỏ thái độ không mong muốn" - như trường hợp của Lilama.

Ông Phạm Hùng, khi đó là Tổng giám đốc Lilama, hồi mới bắt đầu rậm rịch chủ trương thí điểm thành lập tập đoàn từng đã tự chấp bút viết một đề án chiến lược về việc đưa tổng công ty này thành một tập đoàn chỉ chuyên về công nghiệp nặng.

Giành được vị trí tổng thầu tại nhiều dự án trọng điểm quốc gia, như nhiệt điện Cà Mau, nhiệt điện Nhơn Trạch, Lọc dầu Dung Quất, "slogan" của Lilama khi đó là : "Sản phẩm của chúng tôi là một nhà máy". Thế rồi tham vọng đó phút chốc bị "xìu", Lilama trở thành công ty con của Sông Đà, "anh bạn" trước nay vẫn "bằng vai phải lứa". Cho nên như ông bà nói, sự "cưỡng hôn" nếu xảy ra, thì có sống với nhau cũng là "đồng sàng dị mộng" mà thôi.

Trả lời báo Lao động, ông Trần Văn Sơn, thứ trưởng Bộ Xây dựng - người phụ trách hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp ngành xây dựng – nói rằng, việc kết thúc thí điểm mô hình tập đoàn, thực chất là "trả lại sân cho em". Sân ở đây, theo ông Sơn, được hiểu là sân chơi bình đẳng cho các tổng công ty, mà trước đây, nếu có một công trình lớn mà tập đoàn (công ty mẹ) đã tham gia thì "con" (các tổng công ty thành viên) không được tham gia.

Vậy là sau phép cộng là phép chia. "Em kết hôn với anh", nay chia gia tài, "ai về nhà nấy". Nhưng cũng như hôn nhân, sự "kẻ ở người đi" còn để lại bao nhiêu hệ lụy về nhân tình thế thái.

Bên Sông Đà, ông Nguyễn Khánh Toàn - chủ tịch, ông Lê Văn Châu – tổng giám đốc đều là người cũ của Sông Đà, nhưng như bên HUD, ông Nguyễn Đăng Nam – chủ tịch là người cũ của HUD, nhưng ông Nghiêm Văn Bang – tổng giám đốc lại là người mới, vốn chỉ đứng đầu một đơn vị thành viên mà không phải là "nòng cốt".

Rồi không chỉ thế, sau 2 năm còn những đứa con chung, những dự định chung... Cho nên, cũng như thời kỳ sáp nhập, phải mất không ít thời gian tái cơ cấu, nay chia tách, mọi thứ đã không còn vẹn nguyên như trước, lại phải mất không ít thời gian để "refresh" bản thân.

Rốt cuộc là, sự lãng phí thời gian và tiền bạc sau các phép cộng, phép chia đâu chỉ 2 năm.

Đức Sơn

Đọc thêm