Hòa cùng bản làng dân tộc Mường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giữa cánh rừng nguyên sinh xanh ngát ngàn năm tuổi, vẫn còn đó tiếng cồng chiêng vang vọng, câu hát giao duyên, mùi rượu cần thơm ngọt,… làm say lòng biết bao nhiêu du khách đến với các bản làng dân tộc tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Bản làng người Mường sẽ là điểm nhấn độc đáo cho du lịch huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. (nguồn: UBND tỉnh Ninh Bình)
Bản làng người Mường sẽ là điểm nhấn độc đáo cho du lịch huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. (nguồn: UBND tỉnh Ninh Bình)

Độc đáo bản làng người Mường

Ninh Bình hiện nay đang là địa điểm du lịch được nhiều người biết đến bởi vẻ đẹp hài hòa của thiên nhiên, tạo nên một thế giới sống động đầy quyến rũ. Đặc biệt, Ninh Bình còn là vùng đất có đa dạng bản sắc dân tộc, với gần 30.000 người dân tộc thiểu số đang sinh sống, chiếm 2,99% dân số toàn tỉnh, trong đó có đến hơn 90% là người Mường, họ tập trung chủ yếu ở huyện Nho Quan. Bà Nguyễn Thị Luyến, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin UBND huyện Nho Quan cho biết: “Hiện nay, huyện Nho Quan là nơi tập trung đông nhất người dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm đến 17%, trong đó chủ yếu là người Mường, tại 7 xã. Hàng năm, huyện Nho Quan đã có chỉ đạo, chính sách, chú trọng khai thác, bảo tồn giá trị văn hóa, bản sắc của dân tộc Mường”.

Thời gian qua, quán triệt và nhận thức sâu sắc quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội”, huyện Nho Quan đã và đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến với Nho Quan, men theo những con đường thơm ngát mùi lúa chín, điệp trùng các dãy núi đá ở xa xa, du khách vừa khám phá được khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, mộc mạc, lại có thể kết hợp với việc thưởng thức món ăn, đời sống sinh hoạt độc đáo mang đậm nét văn hóa dân tộc Mường. Điều này đang dần trở thành một lợi thế của huyện Nho Quan trong việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

Như ở bản Xanh, xã Kỳ Phú, nằm ở phía tây nam huyện Nho Quan, bao bọc xung quanh bởi núi rừng rộng lớn, là bản làng của người Mường sinh sống. Tại đây, người Mường chiếm đến 80% dân số, họ sống hòa đồng với thiên nhiên, núi rừng. Thu nhập của người dân chủ yếu đến từ các trại nuôi hươu và bán mật ong. Rất nhiều công ty du lịch - lữ hành, du khách đã đánh giá nơi đây còn lưu giữ được “hồn cốt” của người Mường, như ngôi nhà sàn truyền thống vẫn được sử dụng làm nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng của đồng bào dân tộc Mường. Ngoài ra, những giá trị văn hóa phi vật thể như hát đúm, cồng chiêng vẫn được dân tộc Mường tại đây bảo tồn. Họ coi đó là hồn linh thiêng của rừng núi, là âm thanh nối kết con người với thế giới siêu nhiên. Ngay từ khi sinh ra đến lúc về với cõi vĩnh hằng, những thanh âm ấy đã chiếm lĩnh cả không gian và thời gian, đi sâu vào nhiều mặt cuộc sống, trải dài suốt cuộc đời mỗi người dân Mường.

Không chỉ ở bản Xanh, các loại hình nghệ thuật như hát giao duyên tiếng Mường ở xã Cúc Phương, cồng chiêng ở xã Phú Long; các món truyền thống ốc núi, thịt hươu, rượu men lá, cơm cháy… hay các hình thức du lịch lưu trú homestay theo dạng nhà sàn, kiốt du lịch để câu cá ở các tuyến hồ... cũng đã được đồng bào đưa vào hoạt động để phục vụ du khách. Từ việc chỉ có vài hộ gia đình đơn lẻ làm homestay, đến nay Nho Quan đã có trên dưới 21 cá thể xây dựng, kinh doanh homestay phục vụ du lịch. Hiện tại, người dân đã bắt đầu làm quen với việc đón tiếp du khách, cũng như chuẩn bị, giới thiệu khách tham quan những địa điểm, để khám phá nét đặc sắc trong văn hóa người Mường.

Mỗi năm, để phát triển du lịch, hỗ trợ người dân tộc có thêm thu nhập, huyện Nho Quan đã khuyến khích đồng bào đưa các di sản văn hóa phi vật thể gắn với các địa điểm du lịch nổi tiếng. Để thu hút du khách đến với nơi đây, rất nhiều chương trình đặc sắc được tổ chức, như mỗi năm, huyện đều tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc, quy mô diễn ra trong ba ngày, có rất nhiều các hoạt động giao lưu văn hóa, hội chợ ẩm thực, quầy hàng OCOP, ước tính đã thu hút khoảng 30.000 du khách.

Nhờ sự “khởi sắc” của du lịch cộng đồng, mà hiện nay, bà con dân tộc đã bắt đầu có thêm nguồn thu nhập việc bán sản phẩm địa phương, tour du lịch giới thiệu về bản sắc văn hóa độc đáo của người Mường. Năm 2022, huyện Nho Quan đạt tăng trưởng kinh tế khá và tiếp tục phát triển; trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng 1.600 tỷ đồng so với năm 2015. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,1%; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, khoa học công nghệ được quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho nhân dân…

Du lịch cộng đồng “khởi sắc”, giúp người dân tộc ở huyện Nho Quan có thêm nguồn thu nhập. (nguồn: dulichninhbinh.com)

Du lịch cộng đồng “khởi sắc”, giúp người dân tộc ở huyện Nho Quan có thêm nguồn thu nhập. (nguồn: dulichninhbinh.com)

Gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng có câu: “Văn hóa soi đường quốc dân đi”. Văn hóa chính là hồn cốt của một dân tộc, là nguồn lực quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững đất nước. Văn hóa của người dân tộc thiểu số chính là điểm nhấn, tiềm lực to lớn để đất nước Việt Nam khai thác, bảo tồn và gìn giữ những nét đẹp truyền thống.

Trong những năm qua, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các cấp đảng ủy, chính quyền và nhân dân huyện Nho Quan luôn quan tâm làm tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, nhất là bản sắc của đồng bào dân tộc Mường.

Như việc chú trọng tuyên truyền, giáo dục nhằm giúp đồng bào hiểu và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Gắn bảo tồn văn hóa dân tộc với các phong trào thi đua, phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương. Từng bước khôi phục, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát: hát chèo tại xã Sơn Lai, Gia Thủy, Đồng Phong; hát Trầu văn tại Phủ đồi Ngang, đền Cô Đôi, phủ Quèn Thạch; đưa các trò chơi dân gian và các loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian vào các trường tiểu học, THCS trong giờ sinh hoạt ngoại khóa. Các nghề thủ công truyền thống sản xuất ổn định, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo và có giá trị xuất khẩu cao như: gốm Long Thịnh, mộc Quỳnh Phong...

Không chỉ có những làn điệu dân ca truyền thống đang được “sống dậy”, mà tiếng cồng chiêng của người Mường cũng đã trở lại trong hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đến với những lễ hội vào mùa xuân hay các ngày quan trọng của gia đình người Mường, không khó để nghe thấy âm điệu vang vọng của cồng chiêng - “báu vật” linh thiêng của người dân tộc nơi đây.

Ngoài ra, hiện nay, ở huyện Nho Quan còn có trên 80% người dân tộc Mường sử dụng trang phục truyền thống khi tham gia các hoạt động cộng đồng, 90% hộ gia đình là người dân tộc Mường thường xuyên giao tiếp bằng tiếng dân tộc trong sinh hoạt hằng ngày. Ở huyện, có 12 nghệ nhân (do cộng đồng tôn vinh) còn lưu giữ được một số loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian và có khả năng truyền dạy cho các thế hệ sau, như: Rằng thường chảy mợi, hát mo Mường, hát bọ mẹng, hát đúm, hát ru,... Huyện cũng đã thành lập được bảy câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường hoạt động thường xuyên.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; căn cứ Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 15/11/2022 của UBND tỉnh Ninh Bình, UBND huyện Nho Quan đã ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 21/02/2023 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 trên địa bàn huyện Nho Quan, trong đó có Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Huyện Nho Quan đã có cơ chế để hỗ trợ người dân tộc thiểu số làm du lịch. Như việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, đầu tư xây dựng tuyến quốc lộ 12B đoạn Tam Điệp - Nho Quan, đường ứng cứu phòng hộ Vườn Quốc gia Cúc Phương; hay đơn giản các thủ tục hành chính; đặc biệt là tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, truyền dạy văn hóa phi vật thể và tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ du lịch gắn với khai thác các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mường.

Trong các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ này cho người dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu hơn vai trò, ý nghĩa của việc lưu giữ, phát huy những nét văn hóa đặc trưng. Đặc biệt, khuyến khích các địa phương tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao không chỉ trong dịp lễ, Tết mà còn trong những ngày kỷ niệm, buổi sinh hoạt văn hóa tại thôn, bản.

Không chỉ gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể, đồng bào dân tộc thiểu số còn được hướng dẫn để phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Như việc tổ chức lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào các hội nghị, các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cộng đồng tham gia làm dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện. Với nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền địa phương và người dân, hy vọng trong tương lai, huyện Nho Quan nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung sẽ là một “điểm sáng” trên bản đồ du lịch Việt Nam.