Liên quan đến những sai phạm này, Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Trì Tạ Ngọc Huệ bị kỷ luật về mặt đảng, giáng chức xuống làm Phó Chánh Văn phòng UBND huyện.
Một cán bộ có trách nhiệm tại UBND huyện Thanh Trì xác nhận, ngày 22/11/2013, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã triển khai quyết định thi hành kỷ luật về đảng đối với bà Tạ Ngọc Huệ - Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Trì. Bà Huệ sau đó bị giáng chức từ Trưởng phòng Nội vụ xuống làm Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Thanh Trì.
Bà Huệ bị kỷ luật vì có khuyết điểm, sai phạm nghiêm trọng trong việc tham mưu cho UBND huyện Thanh Trì tiếp nhận giáo viên, bổ nhiệm cán bộ, thi tuyển, xét tuyển viên chức ngành giáo dục và đào tạo huyện Thanh Trì giai đoạn 2011 – 2012.
Về quy trình bổ nhiệm số cán bộ nói trên, một lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì cho biết, trên cơ sở tham mưu của Phòng Nội vụ, tờ trình về nhân sự sau đó được trình lên Thường trực UBND, sau đó UBND làm tờ trình lên thường vụ Huyện uỷ, khi Thường vụ Huyện ủy đồng ý thì mới tiến hành bổ nhiệm. “Đây là những trường hợp không đạt chuẩn theo quy định của huyện Thanh Trì” - vị này cho biết.
Vị cán bộ này cho hay:“Hơn 30 trường hợp được bổ nhiệm sai, đây chủ yếu là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường tiểu học, trung học và mầm non của huyện Thanh Trì”. Đối với các trường hợp bổ nhiệm sai, vị cán bộ này cho biết, trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra thì không kết luận là phải hủy đi, đến nay những nhân sự này vẫn đảm nhận công tác sau khi được bổ nhiệm.
Liên quan đến sai phạm này, vị cán bộ này xác nhận, bà Tạ Ngọc Huệ bị giáng chức và chuyển công tác khác. Từ Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Trì, hiện bà Huệ bị điều chuyển về làm Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Thanh Trì.
Cuối năm 2012, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực cũng đã đưa ra thông tin gây “sốc” với dư luận khi cho biết “chạy” công chức ở Hà Nội phải mất 100 triệu đồng.
Theo đó, khi bàn về Nghị quyết phân bổ biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2013, Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực cho rằng thời gian qua, việc tuyển chọn cán bộ có chất lượng hơn, song mục tiêu giảm biên chế chưa thực hiện được. Bộ máy không được tinh giản mà năm sau cao hơn năm trước. Cũng theo ông Dực, nhiều người nói chi dưới 100 triệu đồng không có chuyện đỗ.
"Tôi xin mách với lãnh đạo quận, huyện là Trưởng phòng Nội vụ quận, huyện đang là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, nhận tiền “chạy” của các thí sinh để đỗ công chức và không dưới 100 triệu đồng. Nói đến điều này là rất đau lòng, nhưng đây là thực trạng đang tồn tại" - ông Dực nói.
Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc./.