Khả năng liên kết yếu khiến doanh nghiệp Việt Nam khó tham gia chuỗi cung ứng

(PLO) - Chuỗi cung ứng được coi là công cụ cạnh tranh hiệu quả của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, chất lượng, giá cả chưa cạnh tranh, công nghệ, trình độ quản lý và khả năng liên kết yếu… khiến doanh nghiệp Việt khó tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn quốc tế.
Phát triển hạ tầng thương mại là nhu cầu cần thiết cho việc phát triển chuỗi cung ứng cũng như mục tiêu đưa hàng Việt ra nước ngoài (Ảnh minh họa)

Khả năng liên kết yếu

Trong thời kỳ kinh tế hội nhập sâu rộng như hiện nay, cùng với đó là sự lớn mạnh của các tập đoàn kinh tế lớn xuyên quốc gia… khiến việc quản trị chuỗi cung ứng được coi là công cụ cạnh tranh hiệu quả hàng đầu của các doanh nghiệp. Việc này có tác động vô cùng lớn đến việc chiếm lĩnh thị trường, tạo niềm tin cho khách hàng, gia tăng lợi nhuận và gia tăng kết nối với các đối tác trên phạm vi toàn cầu.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), theo xu hướng toàn cầu hóa, các doanh nghiệp trên thế giới có xu hướng tích cực tìm kiếm, tham gia vào các chuỗi cung ứng để có cơ hội gia tăng lợi nhuận, phát triển bền vững. Việc tham gia vào các chuỗi cung ứng có thương hiệu, uy tín, được quản trị tốt, có sức tác động lớn trên thị trường sẽ đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thêm cơ hội chiếm lĩnh thị trường và có được sự tín nhiệm của khách hàng, tạo nên giá trị doanh nghiệp, mở rộng chiến lược kinh doanh và khả năng vươn xa.

Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh thấp, thiếu vốn, khả năng liên kết lại yếu… khiến doanh nghiệp Việt Nam khó có khả năng tham gia chuỗi cung ứng các tập đoàn quốc tế.

Chia sẻ những thông tin về cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam cho biết, việc thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu trình độ quản lý, thậm chí là thiếu sự liên kết, đặc biệt là các cơ chế chính sách cho tổ chức doanh nghiệp tham chuỗi đôi khi vẫn còn chung chung, chưa đi vào thực tiễn…khiến cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khi tham gia vào chuỗi cung ứng.

“Chưa kể chất lượng hàng hóa có tốt không, giá có cạnh tranh không cũng là vấn đề” - Tập đoàn Dệt may Việt Nam – đơn vị đã xây dựng chuỗi cung ứng mang lại hiệu quả lớn, đặt ra.

Đồng quan điểm, ông Phạm Thanh Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, Hà Nội nhận xét: "Chúng ta luôn nói về chiến dịch người Việt dùng hàng Việt nhưng chất lượng hàng Việt và giá cả như thế nào để người Việt có thể dùng được thì lại là một vấn đề trong chuỗi sản xuất, chế biến".

Cần chú trọng đầu tư hạ tầng thương mại

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, để tham gia vào chuỗi cung ứng đòi hỏi sản phẩm của các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí về tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã, áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như phải đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, muốn giải được bài toán tiêu thụ nông sản nói riêng, phát triển chuỗi cung ứng nói chung và hướng tới mục tiêu đưa hàng Việt ra nước ngoài phân phối rất cần sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng thương mại.

Thực tế, hạ tầng thương mại đang gặp nhiều khó khăn. Định hướng chiến lược của doanh nghiệp Việt cũng rất mờ mịt, tùy đâu phát triển đó, thỉnh thoảng lại có một văn bản xin mở siêu thị chỗ này, xây chợ chỗ kia mà không có chiến lược lâu dài, bà Lan nói.

Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài khi xây dựng một chuỗi bán hàng phân phối ở Việt Nam họ đã xây dựng một chiến lược dài hơi, có từng bước đi cụ thể, một kế hoạch hành động hết sức quy mô, bài bản. Điều này bản thân các doanh nghiệp Việt cần phải học hỏi. Với đặc thù của Việt Nam, 80% dân số được dự báo sẽ vẫn tiêu thụ hàng hóa ở chợ truyền thống, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Hiệp hội Chợ Việt Nam cho rằng, trong tương lai thị phần chợ truyền thống dù có giảm dần nhưng đây vẫn là kênh tiêu thụ hàng Việt hiệu quả nhất, bởi đó là thói quen tiêu dùng của người Việt.

Do vậy, về hạ tầng đối với loại hình này, bà Hương đề xuất, cần có những chính sách hỗ trợ và xây dựng những cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt Nam trong hệ thống các chợ truyền thống.

Bên cạnh đề xuất về đầu tư hạ tầng thương mại nói trên, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam cũng đề xuất Bộ Công Thương làm đầu mối lựa chọn các tổ chức doanh nghiệp, xây dựng các mô hình thí điểm về phát triển chuỗi cung ứng theo cơ chế thị trường hội nhập. Đặc biệt là trong chuỗi nông sản, thực phẩm an toàn mang thương hiệu Việt Nam. Cùng đó, Nhà nước cần có chính sách cụ thể cho các thành phần tham gia các khâu trong sản xuất nông sản thực phẩm an toàn theo chuỗi cung ứng.

Đọc thêm