Khám phá nghề muối (Kỳ 4): Tranh chấp quyền sở hữu thương hiệu muối hồng Himalaya

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Muối hồng Himalaya được hình thành từ hàng trăm triệu năm trước, nguồn gốc sản xuất của loại muối này là một vấn đề chính trị mang tính chủ quyền quốc gia giữa Pakistan và Ấn Độ.
Khám phá nghề muối (Kỳ 4): Tranh chấp quyền sở hữu thương hiệu muối hồng Himalaya

Sản xuất tại Pakistan hay Ấn Độ?

Tháng 10/2019, một loạt tin tức được lan truyền trên mạng xã hội, báo, đài Pakistan với nội dung: Ấn Độ xuất khẩu muối hồng Himalaya trên toàn thế giới và dán nhãn “made in India” (sản xuất tại Ấn Độ) trong khi phần lớn số muối này đều được nhập thô từ Pakistan. Điều này đã khiến người dân Pakistan phẫn nộ, phát động chiến dịch kêu gọi người dân hưởng ứng bảo vệ nguồn gốc của loại muối này. “Muối hồng không thể được sản xuất ở Ấn Độ khi nó được mua từ Pakistan. Hãy hành động để ngăn chặn việc xuất khẩu muối hồng giá rẻ qua Ấn Độ. Chúng ta phải bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của mình”, là một số trong rất nhiều những chia sẻ của người dùng Twitter ở Pakistan.

Shahid Iqbal, giảng viên khoa khoa học trái đất tại Đại học Quaid-i-Azam Islamabad (Pakistan) cho biết: Những mỏ muối hồng ngày nay ở Pakistan là tàn tích của một đầm phá đã tồn tại khoảng 600 triệu năm trước. Một vùng biển nội địa trong thời cổ đại đã bốc hơi, để lại những mỏ muối khoáng rộng lớn. Trong hoạt động kiến tạo dịch chuyển trái đất, đáy biển bị bịt kín, chôn vùi dưới tầng tầng lớp lớp đất đá.

Sau đó, các lục địa tiếp tục dịch chuyển, lớp đá bao quanh đáy biển bị ép lên trên, tạo thành những dãy núi chứa các mỏ đá muối hồng bên trong. Hiện nay, muối hồng Himalaya chủ yếu được khai thác từ mỏ muối Khewra ở chân đồi Salt Range ở Jhelum, thuộc tỉnh Punjab, cách thủ đô Islamabad của Pakistan khoảng hai giờ lái xe.

Các giai thoại tại địa phương đã truyền lại rằng, các mỏ được phát hiện vào khoảng năm 320 trước Công nguyên, khi Alexander Đại đế đang cưỡi ngựa băng qua Pakistan, con ngựa của ông liếm một tảng đá mặn trên mặt đất.

Từ đó đến nay, người dân nơi đây đã phát hiện và khai phá thêm các mỏ đá muối bên trong núi, ước tính diện tích lên tới 11.000 héc-ta. Mặc dù mỏ muối Khewra được đánh giá là mỏ muối lớn thứ hai thế giới, nhưng Pakistan lại không nằm trong số 10 nhà xuất khẩu muối hàng đầu thế giới; thay vào đó, các nước láng giềng Ấn Độ và Trung Quốc lần lượt đứng thứ bảy và thứ chín.

Muối hồng Himalaya ở dạng đá thô.

Muối hồng Himalaya ở dạng đá thô.

Theo các nhà khai thác mỏ muối ở Pakistan, muối hồng Pakistan chứa 99% halit – một loại khoáng vật của natri clorua, hay còn gọi là thạch diêm hoặc đá muối – và tinh khiết hơn nhiều so với các loại muối khác. Muối có màu hồng vì nó chứa các khoáng chất vi lượng, bao gồm cả sắt. Loại muối này cũng được thu hoạch tự nhiên, chiết xuất thủ công, giảm tối thiểu các quy trình chế biến và không chứa các loại chất phụ gia nhân tạo.

Tuy nhiên, thay vì tự tinh chế loại muối này và tối đa giá trị độc quyền của nó, từ trước đến nay, người Pakistan lại xuất khẩu với giá rẻ ở dạng thô. Về cơ bản, các nhà khai thác mỏ bán đá muối thô giá rẻ cho Ấn Độ, sau đó các nhà máy Ấn Độ chế biến lại và bán với giá cao hơn cho các thị trường khác. Điều khiến người dân Pakistan bức xúc là các nhà sản xuất muối Ấn Độ đã không liệt kê quốc gia xuất xứ của loại muối này.

Người Pakistan muốn thế giới biết đến muối Pakistan

Theo tờ South China Morning Post (Trung Quốc), tiềm năng to lớn vẫn còn bỏ ngỏ của tài nguyên muối đến từ cổ đại đã khiến các chính trị gia tại Pakistan “đứng ngồi không yên”. Khai thác mỏ muối ở Pakistan đã từng chỉ là một ngành công nghiệp nhỏ và không đáng chú ý.

Theo Nadeem Babar – Cố vấn của Thủ tướng Pakistan về dầu mỏ và tài nguyên thiên nhiên, khoảng 400.000 tấn muối được xuất khẩu mỗi năm, phần lớn dưới dạng muối thô. Trong đó, khoảng 1/4 sản lượng muối thô được xuất khẩu với giá khoảng 40 USD/tấn (tương đương hơn 900.000 VND/tấn) đến Ấn Độ - nước láng giềng của Pakistan.

Xuất khẩu muối của Pakistan đã tăng từ 15,8 triệu đô la Mỹ năm 2014 lên 51,6 triệu đô la Mỹ năm 2018, theo số liệu thống kê chính thức của chính phủ. Tuy nhiên, muối Pakistan vẫn chưa có được “chỗ đứng vững chắc” trên thị trường quốc tế.

Công nhân ném và xúc đá muối hồng vào một máy xay lớn tại một nhà máy chế biến ở Khewra.

Công nhân ném và xúc đá muối hồng vào một máy xay lớn tại một nhà máy chế biến ở Khewra.

Một động thái đáng chú ý là ngày 9/8/2019, thủ tướng Pakistan Imran Khan đã đình chỉ toàn bộ hoạt động thương mại song phương với Ấn Độ sau khi New Delhi hủy bỏ điều 370 trong Hiến pháp và xóa bỏ quy chế đặc biệt của bang Jammu và Kashmir. Lệnh cấm vận này đã phần nào làm ảnh hưởng tới ngành công nghiệp muối nước này, khiến các công ty xuất khẩu muối Pakistan mất hầu hết các khách mua từ Ấn Độ và phải tìm đến các thị trường khác.

Chính các nhà xuất khẩu muối ở Pakistan cho biết rằng, nếu các công ty phải dán nhãn muối được sản xuất tại Pakistan thì rất khó xuất khẩu bởi vì phần lớn thế giới vẫn chưa biết muối hồng Himalaya chủ yếu xuất xứ từ Pakistan. Trong khi đó, ngành công nghiệp muối của Pakistan đã không có bất kỳ cuộc cải cách đáng kể nào từ những năm 1870 – thời điểm các nhà cai trị thuộc địa Anh đã tổ chức khai thác trên quy mô rộng.

Nhưng theo các nhà lãnh Pakistan, những khó khăn nêu trên không phải là một vấn đề lớn bởi theo ước tính xuất khẩu sang Ấn Độ chỉ chiếm gần 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Pakistan. Do đó, đây là cơ hội lý tưởng để đưa ra một chiến lược xuất khẩu mới: không bán muối hồng ở dạng thô mà ở dạng thành phẩm, đưa sản phẩm trực tiếp tới thị trường người tiêu dùng hoặc các thị trường ở phân khúc giá cao hơn.

Muốn đạt được điều này, Pakistan phải thay đổi các quy cách chế biến và đóng gói từ bao đời nay, đồng thời phải có chiến lược tiếp thị tốt hơn. Trên thực tế, dù một số thương hiệu của Pakistan bắt đầu tiếp thị muối hồng cho người mua quốc tế, nhưng hiện tượng này vẫn còn manh mún, cần được hỗ trợ, mở rộng.

Muối hồng chứa nhiều khoáng chất tự nhiên, có giá trị dinh dưỡng cao.

Muối hồng chứa nhiều khoáng chất tự nhiên, có giá trị dinh dưỡng cao.

Những người ủng hộ ngành muối nói rằng họ đã sẵn sàng ủng hộ việc thông qua đạo luật đăng ký nhãn hiệu muối hồng Himalaya của Pakistan. Đây cũng là câu chuyện nổi bật trên chính trường Pakistan vào năm ấy.

Đơn cử, Thượng nghị sĩ Shibli Faraz, lãnh đạo Thượng viện, thành viên của Ủy ban Thường vụ về Thương mại và Dệt may, đã nhiều lần nêu vấn đề này tại Quốc hội Pakistan. Ông khẳng định: “Muối hồng là một sản phẩm độc đáo. Điều quan trọng là phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu này như một sản phẩm của Pakistan”. Thượng nghị sĩ Nauman Wazir Khattak cũng đề nghị nộp bằng sáng chế về muối hồng để đảm bảo rằng nó được bán với tên của Pakistan, chứ không phải của Ấn Độ.

Kể từ đó, các nhà lãnh đạo của Pakistan đã đưa ra nhiều đề xuất để cải cách ngành muối nước mình. Đơn cử, việc khai thác muối nên chậm lại để nâng giá lên mức tối ưu, mang lại nhiều doanh thu hơn. Bên cạnh đó, phải quản lý chặt chẽ các hành vi buôn lậu muối và bán cho các nhà bán lẻ trong nước. Đồng thời thanh toán điện tử cũng phải được khắc phục và bổ sung nhanh chóng để làm việc với người mua quốc tế. Cuối cùng, cần xin phép cấp quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý cho muối hồng Pakistan để thương hiệu muối quốc gia này được luật pháp trong nước và quốc tế bảo hộ, tạo điều kiện xử lý các hành vi xâm phạm thương hiệu bất hợp pháp.

Mặt khác, không chỉ khai thác giá trị xuất khẩu của muối và còn có thể tận dụng mỏ muối Khewra như một điểm đến du lịch để quảng bá, thu hút du khách. Nói tóm lại, thông qua đó, người Pakistan muốn khẳng định với cả thế giới rằng: Cội nguồn của muối hồng Himalaya đến từ Pakistan.

(còn tiếp)

Đọc thêm