Khám phá nghề muối (Kỳ 7): Trung Quốc khám phá và kiểm soát tài nguyên “vàng trắng” ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Người Trung Quốc đã khám phá ra muối từ khoảng hơn 4.700 năm trước, duy trì nền độc quyền về sản xuất muối hơn 2.600 năm. Thuế muối là một trong những loại thuế đắt đỏ và gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử nước này.
Nghề muối có hàng ngàn năm trước tại Trung Quốc.
Nghề muối có hàng ngàn năm trước tại Trung Quốc.

Từ mỏ muối “ma quỷ” dưới lòng đất tỉnh Tứ Xuyên

Đô Giang Yển, thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) là địa danh của một hệ thống thuỷ lợi cổ đại được xây dựng vào năm 256 trước Công nguyên (TCN) dưới thời nhà Tần. Vào thời cổ đại, người dân sống cạnh lưu vực sông Dân (nhánh sông dài nhất của sông Dương Tử) thường xuyên gặp phải lũ lụt, hạn hán hàng năm, cuộc sống đói nghèo, lầm than. Vì vậy, triều đình nhà Tần đã phái một viên quan tên Lý Băng – người được lịch sử mô tả là “bậc thiên tài về kỹ thuật thuỷ lợi”, đến Thành Đô làm khâm sai để trị thuỷ.

Ngay khi nhậm chức, Lý Băng đã cho khảo sát toàn bộ khu vực quanh sông và quyết định cho xây dựng một hệ thống đê đập để chia đôi dòng chảy của sông Dân, một dòng chảy bình thường và một dòng chảy vào các đồng ruộng phục vụ tưới tiêu.

Theo các ghi chép cổ xưa, nhờ có hệ thống đập Đô Giang Yển, vùng đồng bằng phía đông Tứ Xuyên đã hạn chế được lũ lụt, trở thành một trung tâm nông nghiệp trù phú của Trung Quốc thời điểm bấy giờ. Đến nay, hệ thống đập cổ đại này vẫn đang hoạt động và vùng đồng bằng Tứ Xuyên vẫn là một trung tâm nông nghiệp lớn của đại lục.

Tuy nhiên, khám phá của Lý Băng không chỉ dừng ở phương pháp kiểm soát lũ lụt. Từ thời của ông, Tứ Xuyên đã là một vùng sản xuất muối nổi tiếng. Các bằng chứng khảo cổ cho thấy, muối đã được sản xuất ở Tứ Xuyên từ năm 3000 TCN. Lý Băng nhận thấy rằng, nguồn nước muối tự nhiên dồi dào đã không đến từ các hồ muối trên mặt đất mà từ mạch nước ngầm sâu dưới lòng đất. Do vậy, vào năm 252 TCN, ông đã ra lệnh khoan những giếng nước muối đầu tiên tại Trung Quốc. Nhiều nhà sử học cho rằng đây cũng là những giếng muối đầu tiên trên thế giới.

Tượng Lý Băng.

Tượng Lý Băng.

Theo sử sách, những chiếc giếng này có miệng rộng, trông giống như một cái hố lộ thiên lớn, sâu tới hơn 90 mét vào lòng đất. Khi đào giếng, đã có rất nhiều biến cố xảy ra. Nhiều thợ đào dần trở nên ốm yếu và chết một cách kỳ lạ. Thỉnh thoảng, tự nhiên xuất hiện một vụ nổ khủng khiếp trong hầm đào và giết chết toàn bộ nhân công. Hoặc đôi khi sẽ có những tia lửa phụt ra từ các lỗ khoan.

Dần đần, những thợ đào giếng muối nói riêng và những người làm muối nói chung đều tin rằng, có một “linh hồn ma quỷ” nào đó từ thế giới ngầm đang “trỗi dậy” bởi những cái hố họ đang đào quá sâu vào lòng đất. Đến năm 68 TCN, chỉ có hai chiếc giếng muối được đào thành công, một cái ở Tứ Xuyên và cái khác ở Thiểm Tây. Hai địa danh này được đồn đại là nơi trú ngụ của những “linh hồn ma quỷ”. Vì thế, mỗi năm, quan đứng đầu hai khu vực này đều phải đến để cúng bái và cầu siêu.

Từ năm 100 sau Công nguyên (SCN), người dân dần dần khám phá ra nguyên nhân đằng sau những cái chết bí ẩn là từ một “hợp chất vô hình” bên trong các lỗ khoan. Khi người dân không còn e sợ các “linh hồn”, họ nhận ra “hợp chất vô hình” nêu trên có thể được nấu lên để tạo ra tinh thể muối. Cụ thể, họ dùng ống tre để dẫn nước muối có chứa các tạp chất và bùn vào các “ngôi nhà đun sôi” – nơi các nồi nước muối được nấu cho đến khi nước bốc hơi và để lại các tinh thể muối.

Đá cắt phẳng để làm bay hơi nước biển để chiết xuất muối - Di sản khảo cổ tại Cánh đồng muối cổ Yangpu ở làng Yantian, bán đảo Yangpu, Hải Nam, Trung Quốc).Đá cắt phẳng để làm bay hơi nước biển để chiết xuất muối - Di sản khảo cổ tại Cánh đồng muối cổ Yangpu ở làng Yantian, bán đảo Yangpu, Hải Nam, Trung Quốc).

Người Tứ Xuyên cổ đại còn biết cho nước muối tự nhiên vào các ống tre và đốt lên nhiều lần để diệt khuẩn, tạo ra loại muối tre tinh khiết và thơm ngon hơn so với các loại muối thường khác. Từ thành công tại Tứ Xuyên, người Trung Quốc trên khắp đất nước đã học cách đào giếng muối và sản xuất ra muối tại các làng mạc, đô thành nơi mình sống để sản xuất muối.

Đến khoảng thế kỷ thứ 9, nghi vấn nêu trên đã được giải đáp hoàn toàn, khi người Trung Quốc phát minh ra bột thuốc súng. Bằng cách trộn natri nitrat (một loại muối được gọi là diêm tiêu) với lưu huỳnh và các-bon, có thể tạo ra một loại bột. Khi bắt lửa, loại bột này nở thành khí rất nhanh, tạo ra một vụ nổ lớn. Đó chính là nguyên nhân gây nên những vụ nổ bất thường trong các hầm muối thời cổ đại.

Đến những tranh cãi về nền độc quyền muối

Trong cuốn sách “Lịch sử muối thế giới” của Mark Kurlansky, ký tự cổ đại của muối (yan - 鹽) tượng trưng cho việc các chính phủ Trung Quốc từ thời cổ đại đã coi muối như một nguồn doanh thu của nhà nước nên phải kiểm soát việc sản xuất nó. Ký tự “鹽”gồm ba phần: Phần dưới có nghĩa là công cụ, phần trên bên trái có nghĩa là quan chức triều đình và phần trên bên phải là nước muối.

Lịch sử muối tại Trung Quốc có thể đã bắt đầu từ khoảng 4.700 năm trước đây, theo giáo sư Jacqueline M. Newman từ Đại học Queens (New York, Mỹ) – người đã dành rất nhiều năm nghiên cứu về văn hoá và lịch sử Trung Quốc. Trong thời kỳ đầu, muối rất hiếm và chỉ dành cho triều đình. Nhưng khi nền giao thương mở rộng, muối trở thành một mặt hàng và là nguồn thu nhập quan trọng của các quốc gia. Việc thu tiền để vận chuyển mặt hàng kinh tế quý giá này bắt đầu vào khoảng 2000 năm TCN. Đây cũng hình thức sơ khai nhất của thuế muối.

Phá bỏ chế độ độc quyền muối tại Trung Quốc là cuộc đấu tranh kéo dài hàng ngàn năm.

Phá bỏ chế độ độc quyền muối tại Trung Quốc là cuộc đấu tranh kéo dài hàng ngàn năm.

Tất nhiên, Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất áp thuế muối. Athens, Rome, Pháp, Mexico và những nước khác cũng đã từng áp dụng chính sách này. Tuy nhiên, hiếm quốc gia nào có thể “qua mặt” Trung Quốc về các chính sách kiểm soát nghiêm ngặt và dài lâu đối với ngành muối. Các chứng minh lịch sử cho thấy thuế muối được duy trì ở nước này trong khoảng 3.000 năm. Theo Newman, có minh chứng lịch sử cho thấy đã từng có 42 loại thuế khác nhau liên quan đến muối được thu cùng một thời điểm tại tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, khiến đây là loại thuế đắt đỏ và gây tranh cãi bậc nhất trong các loại thuế.

Được biết, nền độc quyền muối bắt đầu từ khoảng thế kỷ 7 TCN khi các hoàng đế đều muốn thâu tóm hoàn toàn ngành muối. Từ thế kỷ 3 đến 5, doanh thu từ muối chiếm từ 80% đến 90% ngân sách của một số vương quốc được thành lập sau khi nhà Hán sụp đổ. Nền độc quyền muối đã gây nên nhiều bất công trong xã hội. Thuế muối không chỉ được thu để phục vụ nền giao thương về muối mà còn tiếp ứng cho việc nuôi quân đội để bảo vệ hoặc xâm chiếm những vùng tài nguyên muối tiềm năng. Nhiều loại sưu cao thuế nặng khiến đời sống người dân khổ cực hơn. Nhiều cuộc chiến tranh được phát động chỉ để giành quyền kiểm soát muối cho các nhà cầm quyền.

Trong lịch sử Trung Quốc, thuế muối từng biến mất trong vài trăm năm bởi sự phản đối gay gắt của dân chúng. Tuy nhiên, trong triều đại nhà Đường (năm 618 – 907), thuế muối lại quay trở lại khi một nửa ngân sách nhà nước đến từ doanh thu bán muối. Theo đó, đã có nhiều cuộc nổi dậy nhằm chống lại nền độc quyền muối, bao gồm cuộc bạo động chiếm thành phố Tây An, ngay phía bắc Tứ Xuyên, vào năm 880.

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền vào năm 1949, chính phủ vẫn nắm giữ độc quyền muối. Tập đoàn Công nghiệp Muối Quốc gia Trung Quốc quy định mức sản xuất, giá cả và kênh phân phối, cấp giấy phép cho khoảng 100 công ty cho phép họ sản xuất muối.

Có thể nói, trong lịch sử Trung Quốc, phá bỏ chế độ độc quyền muối là cuộc đấu tranh trường kỳ, kéo dài đến hàng ngàn năm. Do vậy, quyết định của chính phủ Trung Quốc “giải phóng” nền độc quyền này từ ngày 1/1/2017 đã thực sự chấn động toàn thế giới. Từ thời điểm đó, giá của tất cả các sản phẩm liên quan đến muối sẽ do thị trường quyết định và các nhà đầu tư tư nhân sẽ được phép tham gia vào ngành muối.

(Còn nữa)

Đọc thêm