Khi giới trẻ dửng dưng... phá thai

(PLO) - Nhiều bạn nữ thanh niên đi khám thai, khi bác sĩ thông báo có em bé, họ chẳng vui cũng chẳng buồn, quay sang bảo bạn nam đi cùng: “bỏ nhé”. Dửng dưng không kém, bạn nam đó gật đầu... 
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Những nỗi niềm đau đớn
Nguyễn Thị Thảo, một công nhân từng làm cho một công ty sản xuất đồ nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội chia sẻ: “ Em giờ đã có 3 cháu nhưng mới 30 tuổi, em đã 9 lần có thai: 3 lần sinh, 3 lần sảy và thai lưu, 3 lần hút thai. Em sợ lắm rồi, em muốn tránh thai nhưng dùng thuốc thì bị đau đầu, dùng vòng không hợp nên phải tháo. Em đề nghị dùng bao nhưng chồng em nói vợ chồng không cần phải thế. Em từ chối thì anh ấy nghi ngờ em có chuyện gì đó ở ngoài…”.
Cay đắng hơn, Mai - một nữ công nhân đang làm việc tại một nhà máy ở Khu công nghiệp Nam Thăng Long chia sẻ:  “Tôi và bạn trai yêu nhau và có quan hệ với nhau. Thế nhưng do việc sử dụng các biện pháp tránh thai không thường xuyên và thiếu an toàn nên tôi có thai. Bạn trai tôi không muốn tôi giữ cái thai lại và khi tôi mang thai được 8 tuần tuổi thì anh ấy đã kết hôn với người khác”. 
Trong thời gian mang thai, gia đình Mai, gia đình bạn trai, vợ bạn trai đã nhiều lần ép Mai phải phá thai, thậm chí họ còn thuê xe taxi tới chỗ ở của Mai và kéo cô đi phá thai nhưng cô đã trốn được. Mai phải chuyển chỗ ở liên tục để sinh con và nuôi con. Hiện Mai đang làm rất nhiều việc ngoài những giờ làm chính trong nhà máy để có thể nuôi sống 2 mẹ con.
Chia sẻ những khó khăn của người khuyết tật về quyền được yêu thương, bạn Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng cho biết: với người khuyết tật, khi gặp tình yêu và tiến tới hôn nhân, họ thường bị cha mẹ phản đối hoặc bị lạm dụng bởi với nhiều người do tiếp xúc ít, họ không biết đâu là thật, đâu là giả. Ngay bản thân Ngọc (bị bại liệt chân), khi đề cập tới tình yêu cũng bị mẹ gạt đi, vì theo bà, có tới 70% các cặp vợ chồng ly hôn vì bất đồng về tình dục.
Một trường hợp khác mà Ngọc được biết, đó là một chị giảng viên ở Đại học Sư phạm, chị cũng bị bại liệt. Chị đã cố tình có thai để mẹ đồng ý cho cưới nhưng mẹ chị đã quyết liệt đưa chị đi bỏ thai. Sau này người đàn ông chờ chị không được đã lấy vợ, mẹ chị thì qua đời và chỉ còn lại mình chị trên đời. Giá ngày ấy chị giữ được đứa con, nếu mẹ chị cho cưới… 
Ngọc chia sẻ thêm: “Xin đừng coi người khuyết tật là người vô tính. Không chỉ là nhu cầu về sinh lý mà người khuyết tật hơn bao giờ hết, họ mong được sống trong yêu thương”…
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Khoảng trống còn bỏ ngỏ 
Tâm sự của những nữ công nhân như Mai, Thảo hay người khuyết tật như Ngọc cho thấy hiện nay quyền về sức khỏe sinh sản tình dục (SKSSTD) của thanh niên vẫn là khoảng trống bỏ ngỏ và là thách thức với nhà lập pháp. Để giải quyết các vấn đề như cơm, áo, gạo, tiền, thanh niên di cư bị cuốn vào vòng quay của công việc. Nhiều người trong số họ đang phải đối mặt với các vấn đề về SKSSTD như: quan hệ tình dục, phá thai không an toàn và làm mẹ đơn thân, nhiễm khuẩn đường sinh sản và bệnh lây truyền qua đường tình dục. 
Theo một khảo sát mới đây của Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có tới 42,9% nữ công nhân sống chung khi chưa kết hôn. Còn kết quả nghiên cứu của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, có 13% nữ công nhân ở các nhà máy đã từng nạo thai, trong đó khoảng 4% nạo phá thai 2 lần trở lên trong một năm. 
Học sinh, sinh viên ngỡ là nhóm “an toàn” nhất vì có nhiều điều kiện thuận lợi về tri thức, công nghệ trong bối cảnh internet phát triển mạnh mẽ, nhưng riêng chuyện SKSSTD vẫn có những khó khăn như những nhóm khác. Ngay chính công nghệ, chính internet cũng đang đẩy học sinh, sinh viên vào vòng quay của thông tin. 
“Nhiễu” và “rối” bởi những luồng thông tin không chính thống, học sinh, sinh viên ngoài việc phải đối diện với những nguy cơ như những nhóm khác về việc quan hệ tình dục không an toàn, nhóm này còn dễ đối diện với những rối nhiễu tâm trí bởi những nguồn thông tin sai lệch và trái chiều.
Năm 2005, Luật Thanh niên ra đời sau một thời gian dài ấp ủ. Nhưng ngay sau đó là thực tế đáng buồn bởi luật cho thanh niên nhưng chính thanh niên lại nhận xét rằng luật chưa đi vào đời sống. Thanh niên rất muốn được các nhà lập pháp ghi nhận và giải quyết các vấn đề của họ, để khi đọc luật, thanh niên nào cũng thấy mình trong đó, thanh niên nào cũng thấy luật liên quan đến mình, gắn với mình và giải quyết vấn đề cho chính mình. Một trong những vấn đề cần giải quyết dựa trên quyền của thanh niên đó là quyền SKSSTD. 
“Chúng tôi cần có những dịch vụ thân thiện”, “Chúng tôi muốn bình đẳng để có cơ hội tiếp cận”, “Muốn được tự bảo vệ mình”, “Chúng tôi mong kiến thức SKSSTD được đưa vào luật”… là những mong muốn rất đỗi bình thường của rất nhiều nam, nữ thanh niên.