Trong tục kết bạn quan họ, các liền anh, liền chị thường kết thành từng cặp nam nữ đối xứng nhau và vì vậy không tránh khỏi tình cảm bộc phát giữa hai người. Ai lỡ đam mê hát quan họ là tối ngày mê mẩn giai điệu, ca từ, quên mất cuộc sống đời thực. Có lẽ vì thế mà chuyện cấm liền anh, liền chị lấy nhau cũng chỉ vì lo cho cuộc sống đôi lứa sau này.
Lời nguyền quan họ khi xưa
Theo các cụ kể lại, quan họ xưa có còn có hình thức hát quan họ trùm đầu. Họ hát những bài hát quan họ nhưng không theo giọng lề lối, mà chủ yếu là theo tình cảm muốn bày tỏ với người bạn tình, “xuất khẩu thành văn”.
Nhưng rồi họ chỉ gặp nhau, hát với nhau cho thỏa nỗi lòng, còn việc kết duyên thành vợ thành chồng là điều không thể được. Hết đời này qua đời khác, các liền anh, liền chị phải chia tay nhau đi lấy chồng, lấy vợ mang theo trong lòng những mối tình câm.
Cụ Nguyễn Thị Khướu, một nghệ nhân hát quan họ của làng Ngang Nội (xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), kể rằng có những liền anh, liền chị nhìn người mình thương đi lấy chồng, lấy vợ theo sắp đặt của gia đình cha mẹ hai bên, mà đau khổ đến bỏ ăn, mất ngủ hàng tháng trời.
|
Giao duyên khi hát nhưng các cặp quan họ thường không cưới nhau |
Ở thời của cụ, chưa thấy có liền anh, liền chị nào yêu nhau mà dám phá bỏ cái tục lệ khắc nghiệt này. Các cụ không biết từ đâu lại có quy ước khắt khe với người quan họ như thế, chỉ biết rằng trai gái trong làng ngay từ nhỏ đã được cha mẹ dạy dỗ như thế, kể cả trong hương ước của làng cũng ghi rõ. Ai phạm vào sẽ bị cả làng trừng phạt.
Tình cảm trong quan họ là một mối quan hệ keo sơn, một kiểu nghĩa tình hết sức đặc biệt. Nhưng vì sự ràng buộc bởi tục lệ truyền đời nên điều duy nhất mà các liền anh, liền chị có thể bày tỏ chỉ là “tình trong như đã”, một thứ tình cảm “độc nhất vô nhị” chỉ có ở người quan họ. Với tâm hồn khao khát ấy, các liền anh, liền chị đã gửi gắm mọi tình cảm vào lời ca, tiếng hát đối đáp.
Cũng có cụ bảo rằng, chuyện cấm yêu đương trong quan họ tuy chỉ luật bất thành văn nhưng được cộng đồng công nhận như một lệ làng. Trải qua bao đời, việc quan họ kết nghĩa không được lấy nhau nâng tầm thành một lối sống, một chuẩn mực đạo đức của người quan họ. Người già kể lại rằng, ai mà vi phạm chuẩn mực này, tuy không bị làng phạt vạ song có ăn ở với nhau thì cũng chẳng ra gì. Ngoài việc bị làng xóm chê cười, cuộc sống của những liền anh, liền chị đó luôn gặp những điều xui xẻo.
Lấy nhau rồi, quan họ vững tin hơn
Theo nhiều nghệ nhân quan họ, chuyện các cặp đôi quan họ lấy nhau là cực kỳ hiếm bởi những ai đã trót ngấm máu quan họ vào người đều biết đến lệ làng quan họ “cấm lấy nhau” kia.
Nhưng có nhiều cặp đôi mạnh dạn bước qua lời nguyền, về ở chung một nhà, sớm tối đi hát cùng nhau, chơi cùng một sân, hát cùng một bọn (quan họ xưa gọi những nhóm đi hát cùng nhau là bọn). Tình cảm vì thế mà gắn bó keo sơn hơn, giận dỗi vì thế mà nhanh chóng biến mất, bởi cái hồn quan họ, mỗi khi cất lên tiếng hát là lòng dạ nôn nao, bốn mắt nhìn nhau là bắt đầu say giọng hát, say câu hát và cái tình của nhau. Ra đi còn dấm dẳng, giận dỗi nhưng khi trở về là tay nắm lấy tay, chuyện trò về cuộc hát đối có thể hết cả đêm…
Ông Nguyễn Văn Bàn (nghệ nhân quan họ ở khu Thị Chung, phường Kinh Bắc, TP.Bắc Ninh) đi hát từ năm 1975, hát hay, được nhiều liền chị mê mẩn, ai ai cũng muốn hát cùng hội. Những đêm đi hát về đến nhà thường vào khoảng 2-3h sáng.
Vợ ông Bàn, bà Nguyễn Thị Hảo, một người phụ nữ có gen quan họ nhưng vì cuộc sống quá khó khăn mà phải … “cất” tiếng hát để mưu sinh, nuôi đứa con nhỏ dại. Dẫu biết vào mỗi hội hát là có thể say sưa, hát đến sáng mới về nhưng trong lòng người phụ nữ vẫn nảy sự ghen tuông…
Vài lần như thế, ông quyết định rủ bà đi hát cùng, cũng là để bà có thời gian sống với niềm đam mê chưa kịp bùng lên đã phải cất giấu. Thế là từ đấy, ngôi nhà nhỏ của ông Bàn, bà Hảo đêm nào cũng tối um, con cái gửi hàng xóm, hai người đi hát hết hội này đến làng kia…
Ông Bàn kể, có những lần giận dỗi nhau nhưng vì có hội mời nên lại đi hát vì không thể từ chối được. Vào những câu đối đáp, giao duyên, tình chàng ý thiếp, mọi giận hờn đều tan biến, họ lại nắm tay nhau về nhà.
“Nhưng có thời điểm không thể quên được, ấy là lúc vợ chồng tôi mới cùng nhau đi hát. Cuộc sống còn quá cực nhọc nhưng có những đêm đi hát đến 3-4h sáng mới giã bạn, về đến nhà lại tôi lại bắt tay ngay vào việc mổ lợn để vợ đem ra chợ bán. Không hiểu ngày ấy lấy sức lực ở đâu ra mà khỏe thế” – ông Bàn kể.
|
Nghệ nhân Nguyễn Thi Hảo tham gia đóng một bộ phim về quan họ cho một đài truyền hình của Nhật Bản |
Vòng quay cứ đều đặn lặp đi lặp lại nhưng niềm đam mê với quan họ không bị mòn đi, bởi họ cảm nhận được, những đầu tắt mặt tối kia, nếu không có nơi để giải tỏa, cuộc sống của họ sẽ giống như một địa ngục, sớm tối giận dỗi nhau.
Cùng nhau đi hát, ngồi chung một sân, hát cùng một hội, họ như hiểu nhau hơn, hiểu con người và tính cách của nhau hơn. Tình yêu với quan họ như hòa làm một khiến họ cân bằng được với thực tại khó khăn của việc kiếm sống.
Ông Bàn cho biết, ngày xưa hát hăng say lắm, thậm chí có những đợt bí bách đến độ xác định tổ chức xong sân chơi quan họ thì đóng cửa nhà đi kiếm ăn cũng vẫn phải chơi… Bây giờ, cả ông và bà đều là những nghệ nhân quan họ có tiếng, dạy dỗ, đào tạo được nhiều lứa liền anh, liền chị đạt được nhiều giải thưởng của tỉnh. Bà Hảo tâm sự rằng, nếu những năm 1980, nếu bà không vào bọn quan họ với ông, cuộc sống của ông bà có lẽ đã đi hai hướng khác nhau…
Cưới nhau rồi, quan họ lại chia tay
Bà Ngô Thị Lý và ông Đỗ Văn Tơ ở phố Đa Vạn, phường Châu Khê, thị trấn Từ Sơn cũng là một cặp đôi quan họ bước qua lời nguyền quyết về “góp gạo thổi cơm chung”. Vốn được trời cho một giọng hát truyền cảm, lại yêu thích những làn điệu quan họ, nên tiếng hát của cô Lý đã làm say lòng bao nhiêu chàng trai trong xã. Tiếng hát ngọt ngào của cô gái đang bước vào độ tuổi xuân đã chinh phục bao liền anh trong những đêm hát giao duyên.
Tình yêu với quan họ là nhịp cầu cho cô gặp một nửa đích thực của cuộc đời mình, liền anh Đỗ Văn Tơ. Nhưng lúc họ nhận ra tình yêu của mình cũng là lúc họ đối mặt với luật lệ của các phường quan họ không cho các liền anh, liền chị lấy nhau.
Mối tình thầm lặng đó kéo dài đến 2 năm. Khi ấy, Lý 22 tuổi, có một chàng trai trong làng đem lòng yêu thương, mang trầu cau đến nhà cô dạm ngõ. Nhưng lúc này, trái tim cô đã trao gửi cho liền anh Đỗ Văn Tơ. Sau nhiều đêm mất ngủ, cô quyết định tự tay mang trả lại trầu cau cho nhà trai.
Khi biết con gái trả trầu cau để lấy một liền anh, bố mẹ cô kịch liệt phản đối nhưng cô vẫn nhất quyết đi theo tiếng gọi của tình yêu. Ngày cưới cô, chỉ có vài người bạn đến chia vui. Giấu nước mắt vào trong, cô nhủ thầm mình sẽ sống thật hạnh phúc để chứng minh cho mọi người thấy lựa chọn đúng đắn của mình.
Nhưng cưới nhau rồi, cô gái nặng lòng với quan họ mới nhận ra “cơm áo không đùa với khách thơ”. Lúc ấy cô gái mới nhận ra rằng, yêu nhau mến nhau từ tiếng hát nhưng chẳng thể mang câu ca ra làm cơm mỗi bữa… Thế nên cô phải hy sinh quan họ, để chồng có thể yên tâm cống hiến đời mình cho niềm đam mê của cả hai người…
Mỗi cặp đôi quan họ lại mang một sắc thái riêng. Người quan họ vẫn dặn con cái rằng, nhỡ đam mê quan họ là cuộc sống luôn ở trên mây, trên gió. Những lời ca, làn điệu quan họ ngấm vào người rồi là lúc nào cũng văng vẳng bên tai, khó dứt ra được.
Cuộc sống đời thường lúc ấy là một thứ mơ hồ, khó quản. Thế nên, đến tận bây giờ, lời nguyền “quan họ không được lấy nhau” vẫn còn là một thách thức thực sự với những cặp nhỡ say tiếng hát, nhỡ trộm mến nhau của những liền anh, liền chị…/.