Khi thầy cô cũng phải trở thành “nghệ sỹ“

(PLO) - Trong niềm rưng rưng của Ngày Nhà giáo Việt Nam - 20/11, có bao nhiêu ấm áp và yêu thương trong lòng những người thầy dành cho học trò mình. Và không có niềm hạnh phúc nào lớn hơn khi thầy cô cảm hóa được những học trò đã từng quậy phá thời “nhất quỷ, nhì ma”…
Cuốn sổ “bí mật” về học trò
Cô Tạ Thị Vĩnh Hà, Trường THCS Nam Trung Yên (Hà Nội) tâm sự, tầm 5, 6 năm trước, là ngôi trường mới thành lập ở khu đô thị mới nên việc tuyển sinh khá gian nan. Ngôi trường trống vắng khi năm đầu chỉ tuyển được 5 lớp. Chất lượng học sinh không đồng đều vì điểm đầu vào của các em không cao. Thế nên, muốn nâng chất lượng, thầy cô phải quan tâm kèm các em yếu, có hoàn cảnh đặc biệt, bồi dưỡng không thu học phí... Ban đầu đưa ra có ý kiến phản đối, tuy nhiên cô Hà cho rằng thầy cô phải chia sẻ, giúp đỡ, một học sinh tiến bộ sẽ vừa nâng cao chất lượng của trường, vừa giúp được một gia đình. 
Từ đó, một năm học có 37 tuần, 37 chủ nhật thì cô Hà có hàng nghìn giờ dạy miễn phí. Lớp đầu tiên của cô có 16 trò, cô thấy em Huyền lúc nào cũng buồn rầu, không trò chyện cùng ai. Khi cô tìm hiểu thì biết bố mẹ em chia tay, không có bạn bè… Từ đó, cô Hà thường xuyên trò chuyện và rủ em về nhà cùng cô những ngày nghỉ, sinh nhật Huyền cô đều nhớ tặng quà. Do học toán kém nên em bi quan. Thế nhưng, với sự dìu dắt của cô, Huyền đã được 7,5 điểm thi cuối cấp. 
Cô Hà chia sẻ, với tình yêu của mình, cô thường bỏ qua những gì chưa hài lòng về học trò mình. Mỗi ngày đến lớp cô thường nhìn kỹ khuôn mặt các em và với mỗi học trò, cô đều có cuốn sổ “bí mật” để ghi lại những khoảnh khắc, những tiến bộ và rất nhiều những kỉ niệm thương yêu. Bởi với cô, mỗi học sinh là một thế giới nội tâm phức tạp, và càng phức tạp hơn khi các em còn chưa đến tuổi trưởng thành, không ra trẻ con cũng chưa thành người lớn. 
Một lớp học 45 học sinh là 45 thế giới, có tốt - xấu, có trắng - đen, có thật - giả… Em này hư ở học kì 1, nhưng có thể ngoan ở học kì 2 và ngược lại. Người thầy phải nắm chắc học trò của mình đang ở giai đoạn nào của nhận thức và tâm lí để có thể giúp các em phát triển đúng khả năng, hạn chế tính cách tiêu cực, tìm con đường đúng của mình. Vì thế, khái niệm “học sinh cá biệt” ở đây không có nghĩa là một sự mặc định. Mỗi trò cần có một công thức riêng. Kết quả tự hào là 45 học sinh, chỉ còn 5 em yếu kém. 
“Hạnh phúc với cô đơn giản là khi trò cũ quay về trường vì nhớ thầy, nhớ cô vì không gặp được cô con đã bỏ học lâu rồi, và hạnh phúc vô cùng khi nhìn những ánh mắt biết ơn của các bậc phụ huynh…” - cô Tạ Thị Vĩnh Hà cười giản dị.
Những người thầy… “nghệ sỹ”
Hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm nhận hoa chúc mừng của các giáo viên Trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm nhận hoa chúc mừng của các giáo viên Trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. 
Ở Hà Nội, nhắc tới thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm là mọi người nhớ tới ngôi trường của những học sinh cá biệt. Không phải ngẫu nhiên Trường Đinh Tiên Hoàng bị gọi chệch là “Trường Đinh Kinh Hoàng”. Để dạy học có hiệu quả trong ngôi trường đặc biệt này, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, nếu người thầy chỉ có tình yêu thương và niềm say mê thôi chưa đủ. 
Ở đây, mỗi người thầy cần phải là một “nghệ sĩ” tài năng và sáng tạo, hiểu học trò đến “chân tơ, kẽ tóc” bằng việc thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện cùng các em. Điều đó đã giúp họ thấu hiểu và thông cảm với những cảnh ngộ trớ trêu, mất mát nặng nề của các em.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm nhớ lại kỉ niệm về một học sinh từng nổi tiếng với những “chiến tích“ cắm xe, cờ bạc không ai bằng. Nhà chỉ có hai mẹ con, bố mất sớm, mẹ phải tần tảo nuôi con bằng những chén nước chè, lại ốm đau bệnh tật, thế mà vẫn dành dụm cho con có xe máy đi học. Nhưng cậu quý tử ấy lại không chịu học hành mà gán xe để có tiền ăn chơi. Cô giáo chủ nhiệm của cậu đã nhiều lần thuyết phục không được nên làm động tác “trả lại nhà trường”. 
Với quan điểm cần phải làm cho học sinh biết mình được tôn trọng và khơi dậy lòng tự trọng, tình yêu thương, những giá trị cao quý của mỗi con người thì mới có thể giáo dục, cậu học trò và mẹ đã được mời lên gặp riêng thầy Hiệu trưởng để nói chuyện. Thầy  Lâm nhớ lại: “Gặp hai mẹ con, tôi hỏi em: “Con sống dựa vào ai?”. Cậu bé trả lời: “Con sống nhờ mẹ”. Tôi hỏi tiếp: “Thế mẹ con sống được nhờ đâu?”. Cậu không trả lời được. Tôi nói: “Nhà chỉ có hai mẹ con, nên mẹ cũng sống được nhờ có con đấy”. 
Tôi quay sang hỏi mẹ cậu: “Tôi nói có đúng không?”. Mẹ cậu gạt nước mắt trả lời: “Thầy nói đúng quá ạ”. Tôi nói tiếp: “Con mà biết tu chí học hành, sau này có công việc thì mẹ mới đỡ khổ, nếu cứ chơi bời lêu lổng, rồi mẹ con cũng héo mòn mà đi theo cha. Con trai mà không làm được chỗ dựa cho mẹ già thì kém quá”. 
Thế rồi, cùng với sự động viên, tận tụy của các thầy cô giáo trong trường, cậu học trò này đã dần thay đổi. Và để chứng minh sự quyết tâm của mình, cậu đã tự chặt một đốt ngón tay út để cam kết với cô chủ nhiệm. Cuối cùng, “đầu gấu” ngày nào không chỉ tốt nghiệp với số điểm cao mà còn đỗ hai trường đại học, nay đã trở thành giám đốc và vẫn thường xuyên về thăm trường, không quên “khoe” với thầy Hiệu trưởng: “Mẹ em dạo này khỏe thầy ạ”…
Có lẽ vì thế, không có gì bất ngờ khi ở ngôi trường này, các thầy cô được nghe các học trò gọi cô giáo là mẹ, gọi thầy giáo là cha đầy thân thương. Bởi cũng  như nhiều thầy cô khác, điều quan trọng nhất không phải là học trò của họ phải trở thành người nọ, người kia, làm này, làm nọ, mà học trò của thầy cô có thể chỉ là những công nhân, người lao động bình thường, nhưng phải trở thành những người tử tế, biết trân trọng đạo lí, lẽ phải, biết làm một người có ích cho bản thân, gia đình, xã hội…

Đọc thêm