Làng nghề loay hoay trên đường hội nhập

(PLO) - Nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho du lịch tại các làng nghề còn thiếu và yếu hầu như không được chú ý từ các cấp. 
Sản phẩm làng nghề lượng nhiều, chất ít.
Sản phẩm làng nghề lượng nhiều, chất ít.

 Bản thân làng nghề chưa có kỹ năng khai thác giá trị du lịch làng nghề, sản phẩm lượng nhiều - chất ít, hiếm có sản phẩm có thương hiệu mang tầm quốc gia và quốc tế - đó là sự lo ngại của những người tâm huyết với sự sống còn của làng nghề Việt Nam có mặt tại hội thảo “Làng nghề Việt Nam gắn với phát triển du lịch và hội nhập quốc tế” trong khuôn khổ triển lãm sản phẩm làng nghề vừa qua ở Hà Nội. 

Thiếu một “nhạc trưởng” 

Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 59% tổng số làng trong đó có 277 làng nghề đã được thành phố công nhận làng nghề truyền thống như: gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, dệt Triều Khúc, thêu Đại Đồng, sơn mài Hạ Thái, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ… Làng nghề giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch văn hóa, giới thiệu với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế những đặc trưng văn hóa, phong tục tập quán của mỗi dân tộc, mỗi làng nghề, làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Vi Khải - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, du lịch làng nghề ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục; thiếu chiến lược lâu dài. Nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho du lịch tại các làng nghề còn thiếu và yếu hầu như không được chú ý từ các cấp, bản thân làng nghề chưa có kỹ năng khai thác giá trị du lịch làng nghề, sản phẩm lượng nhiều nhưng chất ít, hiếm có sản phẩm có thương hiệu mang tầm quốc gia và quốc tế.

Du lịch làng nghề thiếu một “nhạc trưởng” chỉ huy dàn nhạc cùng “đồng thanh” phát triển. Cơ sở hạ tầng và các dịch vũ hỗ trợ không đảm bảo cho du lịch là vướng mắc lớn nhất. Ở nhiều làng nghề nổi tiếng như: Phú Xuyên, Đa Sỹ, Phú Vinh, Sơn Đồng, Hoài Đức… nhưng đường đi vào xuống cấp trầm trọng, đường vào làng vẫn chưa được hoàn thiện. Đặc biệt, môi trường nhiều làng nghề bị ô nhiễm, hệ thống thoát nước xả và xử lý chất thải rất kém, tự phát, manh mún. Một số làng nghề chế biến thực phẩm bị ô nhiễm không khí, mùi hôi thối, nồng nặc, ruồi nhặng ngay từ cổng làng. Có lẽ du khách không thể đến lần thứ hai. 

Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhận định, trong 1.350 làng nghề tại đất Kinh kỳ chỉ có khoảng vài chục làng nghề định vị được thương hiệu trong nước và quốc tế như: gốm Bát Tràng, gỗ Đòng Kỵ, gỗ Vân Hà, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động. Tuy nhiên, những làng nghề này chỉ chú trọng xuất khẩu mà bỏ quên thị trường lớn đó là xuất khẩu tại chỗ dành cho du khách. 

Chinh phục người Việt đã khó, nói gì đến toàn cầu

Trong thời đại thế giới phẳng, các làng nghề Việt Nam không thể chỉ “cố thủ” trong lũy tre làng mặc dù bản chất các làng nghề sinh ra trước hết nhằm phục vụ cho cộng đồng nhỏ trong làng xã. Tiềm năng lan tỏa của các sản phẩm làng nghề đã được chứng tỏ bằng những hiện vật quý được bảo hiểm với giá trị hàng triệu đô la trong những bảo tàng nổi tiếng của thế giới. Điều đó chứng tỏ sự khác biệt, đỉnh cao của sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tiếc thay, Việt Nam chưa làm được điều đó. 

Ngó sang nước bạn, Nhật rất quan tâm coi trọng việc giữ gìn cảnh quan môi trường. Cảnh quan các làng nghề nhỏ mang đậm dáng dấp cổ xưa với những bức tường, mái ngói đặc trưng Nhật Bản phủ kín rêu phong, không gian đẹp, đướng sá phong quang sạch sẽ, có cả những đàn cá bơi lội trong con suối trong vắt. Du khách vừa thưởng thức mô hình du lịch sinh thái kết hợp với làng nghề truyền thống Nhật Bản đang phát triển. Còn ở Thái Lan, 15 năm qua đã thực hiện “mỗi làng nghề một sản phẩm”, đặc biệt mỗi làng có kỹ năng, văn hóa, truyền thống riêng, tạo nên bản sắc ngôi làng đó. Chính phủ Thái Lan còn ráo riết “kết nối các địa phương Thái Lan với toàn cầu”.

Ông  Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đưa ra một số giải pháp. Cụ thể, chính quyền địa phương nơi có làng nghề chủ động vào cuộc thúc đẩy phát triển du lịch, đưa ra những cơ chế thuận lợi nhằm khuyến khích các hộ dân tham gia làm du lịch, đặc biệt tạo điều kiện trong việc vay vốn để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm; nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ; khuyến khích người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan chung vì sự phát triển bền vững của du lịch cũng như lợi ích của cộng đồng dân cư…

Việc hội nhập toàn cầu của các làng nghề Hà Nội, nói là một chuyện, làm được hay không lại là chuyện khác. Chục năm qua, không ít cuộc hội thảo tìm phương hướng phát triển làng nghề Việt Nam nói chung, làng nghề Hà Nội nói riêng nhưng tình hình không mấy khả quan, những hạn chế… vẫn y nguyên. Làng nghề Hà Nội không mấy thu hút khách nội địa thì nói gì tới việc đón khách nước ngoài, nói gì việc hội nhập toàn cầu. Du lịch làng nghệ Hà Nội nếu thuyết phục được người dân Việt, lúc ấy, hàng triệu người dân Việt sẽ là kênh quảng bá tốt nhất việc hội nhập toàn cầu.

Đọc thêm