Khó vay được tiền ngân hàng để mua bất động sản

Trong các giải pháp “cứu” thị trường BĐS, giải pháp về tài chính, trong đó có các gói tín dụng BĐS, đã được đưa ra một cách quyết liệt với những con số cụ thể. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều khách hàng, đi vay mua nhà vẫn không hề dễ dàng.

Trong các giải pháp “cứu” thị trường BĐS, giải pháp về tài chính, trong đó có các gói tín dụng BĐS, đã được đưa ra một cách quyết liệt với những con số cụ thể. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều khách hàng, đi vay mua nhà vẫn không hề dễ dàng.

Vốn chờ… hướng dẫn

Trong các cuộc gặp giữa Chính phủ với các địa phương mới đây để bàn cách giải cứu thị trường BĐS, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ bơm khoảng 20-40 nghìn tỷ đồng cho vay đối với lĩnh vực BĐS, ưu tiên các dự án nhà ở xã hội, người thu nhập thấp vay mua nhà.

Dự tính, Ngân hàng Nhà nước sẽ giao cho 4 ngân hàng thương mại gồm Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank tiến hành xây dựng đề án thực hiện trước gói tín dụng này. Tuy nhiên, một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đang còn phải chờ Nghị quyết của Chính phủ, khi có Nghị quyết thì Ngân hàng Nhà nước sẽ làm việc với Bộ Xây dựng để lên kế hoạch cho vay cụ thể, và sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho dự án nhà ở xã hội, người thu nhập thấp vay mua nhà.

Trước đó, như tin đã đưa, không đợi chương trình hỗ trợ BĐS của Chính phủ,  Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV đã đưa ra gói tín dụng ấn tượng 30.000 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2013 – 2015 của Bộ Xây dựng, lãi suất vay thấp hơn 10%/năm so với mặt bằng lãi suất cho vay bình quân của tổ chức tín dụng.

Các ngân hàng khác cũng đưa ra những gói tín dụng “mở cửa” cho vay mua BĐS, như ngân hàng Eximbank dành 5.000 tỉ đồng cho cá nhân mua và sửa chữa nhà vay với lãi suất 12%/năm, được vay tối đa 70% giá trị tài sản đảm bảo và thời hạn vay đến 15 năm. Với gói hỗ trợ này, Eximbank cam kết giữ mức lãi suất cố định trong vòng hai năm. Vietcombank dành 2.000 tỉ đồng để cho khách vay kinh doanh, mua, sửa chữa nhà cũng với mức lãi suất 12%/năm; Vietinbank dành 5.000 tỉ đồng cho vay mua nhà…

Vay được: không dễ

Một DN tham gia xây nhà ở xã hội ở khu vực Hà Nội chia sẻ, DN hy vọng sau hàng loạt nỗ lực tháo gỡ, cơ quan chức năng và ngân hàng đưa ra được những giải pháp thực sự “giải thoát” cho DN. “Không phải ngẫu nhiên mà gói tín dụng 2.000 tỷ BIDV thỏa thuận với Bộ Xây dựng từ tháng 5/2012 dành cho DN vay ưu đãi để đầu tư nhà ở xã hội nhưng đến nay mới chỉ giải ngân được 300 tỷ đồng. Bởi, điều kiện để tiếp cận được nguồn vốn này thậm chí còn khắt khe hơn cả vay thương mại” – đại diện DN nói.

Trong khi đó, ngay cả đối với vay mua nhà trong thương mại thông thường, thì mặc dù có các gói tín dụng ưu đãi, nhưng chuyện vay được nhà cũng không dễ dàng gì. Anh Nguyễn Anh (Hà Nội) chia sẻ, vừa rồi anh có làm thủ tục vay một ngân hàng lớn có yếu tố nước ngoài - để mua một căn nhà trên phố, hồ sơ đẹp, thu nhập tốt, vay 1tỷ đồng mà tài sản thế chấp là sổ đỏ căn nhà khác có giá trị cao hơn nhiều lần.

Thế nhưng, ngân hàng này còn thẩm định lên xuống gần 2 tháng trời,  nhân viên miền Bắc của ngân hàng  kiểm tra thẩm định hồ sơ rồi lại chuyển vào cho Hội sở trong miền Nam thực hiện phỏng vấn qua điện thoại… “Trong khi đó, cũng chính ngân hàng này, năm 2010 tôi vay một  khoản 1 tỷ đồng, họ làm thủ tục chỉ trong vòng 7 ngày,  chỉ ở Hà Nội và không có ai ở tp. HCM hỏi han gì” – anh Nguyễn Anh nói.

Một ngân hàng lớn như vậy mà còn cẩn trọng và cầu kỳ như vậy để đề phòng rủi ro, thì việc các ngân hàng khác ngoài nói “mở cửa” cho vay BĐS, nhưng trong khóa “không biết bao lần khóa” cũng là điều không khó hiểu trong bối cảnh hiện nay. “Ngân hàng cho khách hàng vay mua nhà với lãi suất 8 – 9%/năm, nhưng thời gian áp dụng chỉ ba đến bốn tháng. Trong khi người dân vay thường 10 – 15 năm, và trong tương lai họ không biết lãi vay tăng, giảm thế nào nên không ai dám vay” – chính một vị giám đốc phòng giao dịch một ngân hàng chia sẻ.

Bách Nguyễn

Đọc thêm