Khởi động mục tiêu 300 tỷ USD xuất khẩu

(PLVN) - Các bộ, ngành đã chính thức vào cuộc chạy đua với nhiệm vụ 300 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2020. 
Những chiếc xe buýt đầu tiên của Thaco xuất khẩu sang Philippines

Bước tiến thần tốc…

Các số liệu báo cáo về kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) được công bố vào thời điểm Việt Nam chính thức chạm mốc 500 tỷ USD kim ngạch XNK cho thấy bước tiến thần tốc của Việt Nam sau gần 20 năm. 

Theo số liệu này, năm 2001, tổng giá trị XNK của Việt Nam mới chỉ đạt hơn 30 tỷ USD. Sau 6 năm, năm 2007 (năm Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới), tổng kim ngạch XNK đã đạt con số 100 tỷ USD, tương đương mỗi năm tăng bình quân gần 12 tỷ USD. 

Chỉ sau đó 4 năm (năm 2011), tổng kim ngạch đã tăng gấp đôi, đạt con số 200 tỷ USD. 4 năm tiếp theo (vào năm 2015), kim ngạch XNK cán mốc trị giá 300 tỷ USD. Như vậy, giai đoạn 2011-2015, kim ngạch XK tăng bình quân mỗi năm 25 tỷ USD). 2 năm sau đó, tổng trị giá XNK đã đạt mức 400 tỷ USD. Và năm 2019, trong nửa cuối tháng 12, trị giá XNK chính thức cán mốc 500 tỷ USD (tương đương bình quân tăng 50 tỷ USD/năm).

Năm 2006, Việt Nam xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu (XK) và xếp thứ 44 về nhập khẩu (NK). Đến năm 2018, Việt Nam đã có bước phát triển thần tốc, xếp thứ 26 về XK và thứ 23 về NK. Với giá trị kim ngạch này, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá XNK hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Trong nội khối ASEAN, Việt Nam đứng vị trí thứ 3 về giá trị XNK, chỉ sau Singapore và Thái Lan.

Tính đến nay, Việt Nam đã đạt mức xuất siêu 4 năm liên tục. Từ con số xuất siêu của năm 2016 là 2,52 tỷ USD lên 2,92 tỷ USD vào năm 2017 và bước nhảy vọt gấp 3 lần vào năm 2018 với con số xuất siêu ấn tượng 7,2 tỷ USD. Nhưng tất cả những ngạc nhiên trước đấy đã phải lùi lại để nhường cho năm 2019 khi Tổng cục Hải quan công bố con số xuất siêu kỷ lục với hơn 11 tỷ USD. 

Năm 2019, một năm được đánh giá là cực kỳ khó khăn cho hoạt động ngoại thương khi các nước liên tục giảm mục tiêu kim ngạch XK hoặc giá trị này bị âm thì Việt Nam vẫn giữ ổn định các thị trường XK và cán đích ấn tượng với con số tăng hơn 20 tỷ USD. Đây được đánh giá là con số mà ít người dám nghĩ đến khi kinh tế thế giới liên tục vướng vào các hoạt động bất ổn, hiện tượng bảo hộ thương mại gia tăng trên toàn cầu. Năm 2020 này, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu XK cho Bộ Công Thương chạm mốc 300 tỷ USD.

Bắt đầu cuộc chạy đua…

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ, Thaco Trường Hải công bố xuất chiếc xe buýt  đầu tiên sang Philippines trong những ngày cuối năm 2019. Dự kiến, trong năm 2020 Thaco sẽ XK 1.026 ôtô các loại. Ngoài ra, Thaco cũng đã tiến hành XK các lô linh kiện phụ tùng gồm két giàn nóng máy lạnh, áo ghế, bọc cần số xe du lịch và xe đẩy hành lý sân bay sang Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá việc Thaco xuất khẩu xe buýt sang Philippines và linh kiện phụ tùng cho các quốc gia khác là vô cùng ý nghĩa, đưa Việt Nam có vị trí trên bản đồ công nghiệp ôtô khu vực và thế giới, có thể sẽ là một điểm sáng của hoạt động XK trong năm 2020. 

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, một trong những công việc quan trọng để đạt được mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD là khai thác tốt các thị trường mà Việt Nam tham gia ký kết hiệp định thương mại tự do, chú trọng các thị trường tiềm năng (ngoài Hoa Kỳ) như EU và những thị trường thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

Song song đó, những ngày đầu năm 2020, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức đoàn công tác liên ngành trực tiếp kiểm tra các cửa khẩu với Trung Quốc để khai thông cho dòng hàng hóa XK sang đất nước này, nhất là đối với các mặt hàng nông sản, trái cây. Kim ngạch XK sang Trung Quốc trong năm 2019 giảm mạnh nhưng thị trường này là thị trường rất tiềm năng cho XK hàng hóa của Việt Nam nên việc “thông đường” cho hàng hóa Việt sang Trung Quốc cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch đạt 300 tỷ USD XK. 

Tất cả lực lượng làm việc tại khu vực cửa khẩu đã được “lệnh” phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt xuất sang bên kia biên giới. Cán bộ làm việc tại cửa khẩu cũng được thông báo làm việc với tinh thần “hết việc, không hết giờ” và chỉ dừng công việc khi cửa khẩu Trung Quốc đóng.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, đoàn công tác cũng đã khảo sát nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc trên tuyến đường chuyên dụng (cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài) và sẽ phối hợp với địa phương để tìm cách tháo gỡ, đảm bảo tuyến đường này sẽ mang lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy XK mặt hàng nông sản sang thị trường tiềm năng với sức mua lớn nhất thế giới.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan phải nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng, phải tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại và các hoạt động XNK hàng hóa để rút ngắn thời gian, chi phí thông quan hàng hóa, nâng xếp hạng chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới từ 5 đến 10 bậc... để hỗ trợ tốt nhất trong việc thực hiện mục tiêu XK 300 tỷ USD trong năm 2020. 

Như vậy, các “đường biên” đều đã thông, nhiệm vụ còn lại là của các doanh nghiệp và bà con nông dân, những người trực tiếp tham gia sản xuất hàng hóa nông sản!

Đọc thêm