Không cho phép chần chừ khi tái cơ cấu Vinashin

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) tái cơ cấu Vinashin nói rằng việc tái cơ cấu Vinashin trước hết phải khẩn trương vì tìnhhình không cho phép  chần chừ và chậm chạp.

Hôm qua (17/8), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) tái cơ cấu Vinashin, đã chủ trì buổi làm việc đầu tiên của BCĐ sau khi có Quyết định 1470/QĐ-TTg ngày 13/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập BCĐ.

Cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin ngày 17/8/2010

“Cần xác định rõ mục tiêu là củng cố, ổn định và phát triển Vinashin để đảm bảo có được ngành công nghiệp tàu thủy phát triển mạnh với Vinashin làm nòng cốt”, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh với các thành viên BCĐ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, công việc và trách nhiệm hiện nay của BCĐ là hết sức nặng nề. “Trong giai đoạn đầu, các thành viên BCĐ phải toàn tâm toàn ý, dành nhiều thời gian và công sức cho nhiệm vụ này”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các thành viên BCĐ thực hiện 4 phương châm hành động. Trước hết, phải khẩn trương. "Tình hình không cho phép chúng ta chần chừ và chậm chạp ", ông nói.
Thứ hai phải thực hiện quyết liệt. Thứ ba, phải phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Cuối cùng cần xử lý và giải quyết đồng bộ. Trong đó phải tạo được quyết tâm chính trị, tư tưởng bền vững đúng với yêu cầu của Bộ Chính trị. Triển khai nhiệm vụ này trước hết ở chính trong Tập đoàn Vinashin.

Theo Phó Thủ tướng, cần nắm chắc và phân loại cho đúng những khoản nợ của Vinashin cả trong và ngoài nước, nắm chắc tình hình, biết rõ Vinashin đã đầu tư ở đâu, vào những  dự án nào để từ đó phân loại, xác định ngành chính, ngành phụ trợ. Phân tích rõ yếu kém, khuyết điểm, vi phạm, xử lý một cách nghiêm minh, công bằng, thận trọng, đúng với quy định của pháp luật.

"Phải đưa ra được phương án tái cơ cấu khả thi", Phó Thủ tướng đặt yêu cầu.

Hiện nay, tổng số nợ của Vinashin là 86.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ trong nước là 55.000 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. BCĐ cho rằng vai trò của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng Trung ương và thương mại là quan trọng trong việc hợp tác với Vinashin và các đơn vị thành viên của Vinashin để giải quyết nợ, cho vay vốn để hoàn thiện các dự án dang dở.

“Cần thông tin tới tất cả các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, nói rõ cho họ thấy những khó khăn, thách thức hiện tại của Vinashin, không giấu diếm tình hình, cần tạo ra sự hợp tác tốt với các ngân hàng và các tổ chức tín dụng”, Phó Thủ tướng đề nghị. 

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Đọc thêm