Muốn “bắt buộc” được phải dựa trên tự nguyện
Với tinh thần hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân với lộ trình đến năm 2020 sẽ có 80% dân số tham gia BHYT, các qui định về BHYT là hình thức bắt buộc được các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặc biệt quan tâm vì theo thống kê, hiện mới có chưa đến 70% các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT và chỉ khoảng 28% các đối tượng thuộc diện tự nguyện tham gia BHYT. ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) cho rằng, hiện ngành Y tế còn nhiều bất cập về y đức, chuyên môn, ứng xử của nhân viên y tế…, gia tăng bức xúc trong xã hội, “nếu không được giải quyết thì BHYT toàn dân không khả thi”.
Nhiều ĐBQH cũng kiến nghị cùng với việc tăng cường tuyên truyền để người dân tự nguyện tham gia BHYT thì quan trọng là phải có qui định về chế tài đối với những trường hợp không thực hiện, trách nhiệm nâng cao chất lượng BHYT, đảm bảo thủ tục hành chính trong BHYT gọn nhẹ, người tham gia BHYT thời gian dài phải được hưởng phí BHYT cao hơn… để thu hút tham gia BHYT như ý kiến của ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi). ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) nhấn mạnh: “Nếu không có chế tài ràng buộc trách nhiệm sẽ giảm tính nghiêm minh và tính khả thi của qui định BHYT là bắt buộc”.
Kết dư quỹ BHYT tỉnh khó khăn đang bù đắp cho tỉnh bội chi
Đó là quan điểm của nhiều ĐBQH khi đề cập đến những qui định trong Dự thảo Luật về xử lý phần kết dư của Quỹ BHYT. Như báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT giai đoạn 2009-2012 tại một số tỉnh, thành phố và phản ánh của nhiều ĐBQH, đang có nghịch lý là “kết dư quỹ BHYT của tỉnh khó khăn được chuyển để bù đắp cho những địa phương bội chi quỹ BHYT, trong khi những địa phương bội chi thì thường có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn các địa phương có kết dư Quỹ”.
ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) đề nghị: “Cần qui định thống nhất quản lý kết dư Quỹ BHYT, tránh điều tiết Quỹ của tỉnh nghèo về tỉnh có điều kiện, mà phải sử dụng để tái đầu tư cho cơ sở y tế tại địa phương có kết dư và gắn trách nhiệm của địa phương trong quản lý Quỹ một cách hiệu quả”.