Kinh doanh dưới làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4: Thiếu tour để dẫn, thiếu nguyên liệu để may

(PLVN) - Công nghiệp dệt may, công nghiệp “không khói”… sau 1 năm lao đao nên rất hy vọng có một “vụ mùa” mới thuận lợi để gỡ gạc tổn thất, nhưng dường như khó khăn vẫn còn đó khi người lao động không có tour để dẫn, công nhân may thì lo ngại nhiễm bệnh, cách ly cả dây chuyền, nhà máy lại thêm thiệt hại… 
Các hướng dẫn viên du lịch trở nên khó khăn hơn so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát. (Ảnh minh họa)

Mừng hụt…

Du lịch là ngành bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi COVID-19. Vừa kỳ vọng khởi sắc với các thông tin thực sự ấn tượng ngay trước dịp lễ 30/4-1/5 như lượng khách qua Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã cao hơn số lượng khách vào năm 2019; Vietravel cũng thông tin, tình hình du lịch vào tháng 3-4/2021 đã có dấu hiệu vô cùng khởi sắc. Bên cạnh việc đăng ký du lịch dịp lễ, phần lớn khách hàng đã đăng ký tour dịp hè khởi hành từ tháng 5/2021.

“Mọi thứ diễn ra y hệt như đợt dịch lần thứ 2 - vào tháng 7/2020. Dịch Covid lần đầu tiên xuất hiện ngay sau Tết 2020. Sau hơn 3 tháng Việt Nam hoàn toàn khống chế được dịch. Chúng tôi đã rất hứng khởi chuẩn bị tất cả các dịch vụ tốt nhất để đón chào một mùa du lịch hè 2020 sôi động. Bởi Vietravel rất thành công khi bán khoảng 5.300 tour chỉ vài ngày trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch TP HCM 2020 cùng một lượng lớn khách hàng đặt tour khởi thành vào tháng 7, 8/2020. Nhưng tất cả gần như trở về ban đầu khi làn sóng dịch thứ 2 xuất hiện và đáng sợ là lại luôn xuất hiện vào trước giai đoạn cao điểm của các mùa du lịch như hè và Tết” - bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị, thông tin (Công ty Du lịch Vietravel) chia sẻ với PLVN. 

Hiện nay, nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng, Vietravel đã chủ động ngưng các tour đến các địa phương có ca nhiễm. Ngoài ra, Công ty này sẽ tập trung vào việc phục vụ cho các nhóm khách nhỏ, đi riêng lẻ với loại hình sản phẩm: Gói dịch vụ (bao gồm xe/vé máy bay & khách sạn), dòng sản phẩm Caravan (du lịch bằng xe riêng), tour Trekking, Du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe và dòng sản phẩm luxury… 

Tình hình dịch bệnh liên tiếp bất ổn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp (DN) lữ hành, có thể làm tiêu tan mọi cố gắng cầm cự và giữ chân nhân viên của những DN trong lĩnh vực này. Theo bà Khanh, đợt dịch này đặc biệt tác động mạnh đến đội ngũ nhân sự làm trong ngành du lịch. Bởi một lượng lớn nhân viên sale, điều hành, hướng dẫn viên các mảng tour Outbound (du lịch nước ngoài); du lịch Inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam) được đưa vào diện chờ đi làm trong dịp hè này thì nay phải tiếp tục bị trì hoãn. 

Tuy nhiên, bà Khanh cho rằng, do khách hàng đã quen với các biện pháp ứng phó khi đi du lịch trong trạng thái bình thường mới nên đa số khách hàng đồng ý chuyển sang địa điểm an toàn ở khu vực không có ca nhiễm hay bảo lưu lại chi phí bằng hình thức coupon và chọn thời gian du lịch sau. Điều này khiến cho DN lữ hành nói chung và Vietravel nói riêng vẫn còn có thể hy vọng và chờ đợi những tour, tuyến sẽ có thể bùng nổ trở lại ngay sau dịch lần thứ 4 ổn định. 

Lo công nhân bị cách ly, phong tỏa nhà máy 

Để ứng phó với làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tiến hành họp trực tuyến với lãnh đạo các đơn vị, gửi công văn nhắc nhở các DN thành viên triệt để thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch. Toàn bộ hệ thống các đơn vị trong Tập đoàn đã nâng mức báo động cao nhất về tình hình lây lan. Công tác thông tin tuyên truyền từ trên xuống dưới và trong nội bộ các DN cũng được đẩy mạnh, để người lao động tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc 7K trong DN và trong cộng đồng.

Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, mặc dù Tập đoàn cũng như các đơn vị đã ngay lập tức xây dựng kịch bản để ứng phó với khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 xuất hiện. Tuy nhiên, tác động của làn sóng dịch đợt này đã ảnh hưởng ngay đến giá bông thế giới (hiện tăng khá cao) khi Ấn Độ - nước đang bị COVID-19 tàn phá nặng nề không xuất khẩu được bông. Điều này sẽ tác động rất lớn đến tình hình dệt may trong nước. 

Ngoài ra, việc lo ngại công nhân dương tính với COVID-19 cũng thực sự tăng lên nhiều so với các lần trước đây. Bởi nếu công nhân bị nhiễm Covid thì khu vực sản xuất ấy sẽ bị phong tỏa, không thể sản xuất được. Thiệt hại đối với DN là rất lớn. Do hiện nay, các DN đều đã ký hợp đồng tới quý III/2021. “Nếu vì phong tỏa, không có công nhân đi làm, sản xuất đình trệ, các hợp đồng đã ký không thực hiện được đúng hạn, sẽ mất tiền gia công, mất hợp đồng, mất khách hàng và mất cả uy tín mà DN từng rất khó khăn mới tạo dựng được” - ông Hiếu nói.

Do đó, trong đợt dịch này, việc đảm bảo an toàn cho lao động được đặt lên hàng đầu. Theo ông Hiếu, các đợt dịch trước đã tạo cho DN tính thích ứng cao, luôn luôn cảnh giác và thường trực giải pháp; rèn người lao động thói quen mới trong thời đại dịch. 

“Dù đã chủ động trên mọi mặt trận nhưng DN dệt may cũng vẫn mong muốn được tiếp sức để có thể mạnh mẽ vượt qua đợt dịch có mức độ nguy hiểm rất lớn này. Chúng tôi mong Chính phủ tiếp tục các gói hỗ trợ, trong đó cần có các gói hỗ trợ phù hợp cho đặc thù ngành nghề, đặc biệt DN có số lượng lao động lớn trực tiếp thiệt hại vì ảnh hưởng của dịch bệnh do hợp đồng đã ký bị lùi, giãn và hủy đơn hàng” - ông Hiếu đề xuất.

(Còn tiếp)

Đọc thêm