Kinh tế 9 tháng qua: Lần đầu tiên tăng trưởng GDP không nhờ vào khai thác tài nguyên

(PLO) - Mặc dù tăng trưởng GDP tăng thấp hơn so với cùng kỳ nhưng tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước đã được duy trì trong 3 quý liên tiếp. Đặc biệt, lần đầu tiên GDP tăng trưởng trong bối cảnh ngành công nghiệp khai khoảng giảm sút...
9 tháng đầu năm, dù ngành khai khoáng tăng trưởng âm nhưng tăng trưởng chung vẫn khá. Hình minh họa

Khai khoáng giảm sút, nông nghiệp “ấm” hơn...

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2016 ước tính tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,48%, quý II tăng 5,78% và ước tính quý III tăng 6,40%) nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 6,53% của cùng kỳ năm 2015.

Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sút và nông nghiệp tăng trưởng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, chỉ số sản xuất ngành khai khoáng quý I tăng 0,2%; quý II giảm 5,3%; quý III giảm 6,8%. “Ngành khai khoáng tăng trưởng âm nhưng tăng trưởng chung vẫn khá. Điều này đã phá vỡ quan điểm cho rằng Việt Nam tăng trưởng cao nhờ khai thác tài nguyên khoáng sản...”, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia Hà Quang Tuyến phân tích. Theo ông Tuyến, điều này cũng cho thấy Việt Nam còn nhiều động lực khác cho tăng trưởng.

Trong mức tăng 5,93% của toàn nền kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 0,65%, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây (9 tháng năm 2011 là 3,95%; 2012: 2,75%; 2013: 2,38%; 2014: 2,94% và 2015 là 2,08%). Tuy nhiên, theo ông Tuyến, so với 6 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng của khu vực này là âm, cho thấy đến quý III, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đã bắt đầu “ấm” lên. 

Đóng góp 0,11 điểm phần trăm vào mức tăng chung; trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành lâm nghiệp đạt mức tăng cao nhất với 6,19% so với cùng kỳ năm 2015, đóng góp 0,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành thủy sản tăng 1,81%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm; riêng ngành nông nghiệp mặc dù đã có dấu hiệu tăng trở lại so với mức giảm 0,78% của 6 tháng đầu năm nhưng tốc độ tăng chỉ ở mức 0,05%, đóng góp 0,01 điểm phần trăm...

Sự “ấm” lên của nền kinh tế còn thể hiện qua số liệu nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm. 9 tháng, kim ngạch nhập khẩu tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2015 (nếu loại trừ yếu tố giá kim ngạch nhập khẩu 9 tháng 9,1%), trong khi đó 6 tháng đầu năm giảm 0,5%. Quý III nhập khẩu lớn, chủ yếu nguyên, vật liệu máy móc cho sản xuất kinh doanh. Xuất khẩu cũng khởi sắc khi tăng trưởng 9 tháng đã tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2015 (nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng tăng 10,2%)

Vẫn còn nhiều động lực cho tăng trưởng kinh tế

Đáng chú ý, 9 tháng đầu năm, cả nước có 81451 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 629,1 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% về số DN và tăng 49,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, số DN tạm ngừng hoạt động nay là 45.097 DN, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2016 cũng cho thấy, có 80,3% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III khá ổn định và tốt hơn quý trước, có 85,6% DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV sẽ ổn định và tốt lên…

Theo Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, với đà 9 tháng, nhất là trong quý III, kỳ vọng quý IV sẽ có sự tăng trưởng bứt phá. Tuy nhiên, nhận định về mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cả năm, ông Tuyến cho rằng tăng truởng GDP cả năm tăng thấp hơn so với mục tiêu đề ra, còn thấp là bao nhiêu, tùy thuộc vào khai thác dầu thô. 

Bình luận về việc ADB vừa hạ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 6%, ông Tuyến cho rằng ADB đưa ra dự báo này căn cứ vào số liệu của 6 tháng đầu năm, trong khi quý III đã có sự tăng trưởng bứt phá, do vậy, theo ông, “mức tăng trưởng cả năm sẽ khác so với con số này”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm thì cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều động lực cho tăng trưởng như số DN thành lập mới đang tăng lên, nhất là khi tỷ lệ DN kỳ vọng vào sản xuất kinh doanh trong thời gian tới là rất cao. Đặc biệt, động lực cho tăng trưởng còn đến từ tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp khi lĩnh vực này đang bắt đầu tăng trưởng trở lại. Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước chính là động lực thứ ba cho tăng trưởng khi mấy năm gần đây, xuất khẩu không còn là “cứu tinh” nữa…

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,54%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,48%; khu vực dịch vụ chiếm 41,80%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,18%.

Theo cấu trúc sử dụng GDP 9 tháng, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,97% so với cùng kỳ năm 2015, đóng góp 4,96 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung (trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp lớn nhất với 4,52 điểm phần trăm); tích lũy tài sản tăng 10,12%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 1,90 điểm phần trăm tăng trưởng.

Đọc thêm