Việt Nam trải qua 5 năm là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Được - mất, ưu – nhược, đến nay có thể đều đã rõ. Nhưng, dẫu có sự chuẩn bị từ trước, nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp, dường như vẫn bị động, lúng túng...
Sau 5 năm gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư nước ngoài. Năm 2006, vốn đăng ký đạt trên 10 tỷ USD, tới năm 2008 tăng lên 64 tỷ USD. Xuất khẩu của Việt Nam tăng liên tục sau 5 năm, trung bình 19,52%/năm, năm 2010, bất chấp tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu, xuất khẩu vẫn đạt hơn 72 tỷ USD, năm 2011 tăng lên hơn 96 tỷ USD (tăng 33%)…
Có thể nói, cái được lớn nhất đối với Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO là sự thay đổi về tư duy kinh tế, thương mại rất mạnh mẽ, đặc biệt là đối với người nông dân, nền tảng kinh tế đất nước được nâng lên rõ rệt dù còn nhiều khó khăn.
Tổng cục Thống kê vừa công bố, năm 2012, Việt Nam lần đầu tiên xuất siêu sau 20 năm. Nước ta đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo và cà phê đứng hàng thứ hai thế giới; xuất khẩu hạt tiêu, hạt điều đứng hàng đầu thế giới... Nông nghiệp Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos (Thuỵ Sĩ) vừa qua.
Gia nhập WTO cũng mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội tiếp cận những công nghệ mới, kỹ năng quản lý tiên tiến, tạo động lực nâng cao sức cạnh tranh. Độ mở của nền kinh tế ngày càng rộng, với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hằng năm gấp khoảng 1,5 lần GDP thông qua sự bùng nổ về xuất khẩu.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã hình thành và khẳng định tên tuổi trên thị trường quốc tế. Đơn cử, hàng dệt may Việt Nam đang đứng trong top10 nước dẫn đầu về xuất khẩu hàng dệt may, với tốc độ tăng trưởng bình quân 25%/năm. Nhờ gia nhập WTO, Việt Nam đã đạt ngưỡng thu nhập trung bình của thế giới, bước đầu hình thành một số ngành hiện đại, có hàm lượng chất xám cao.
Còn về phía người tiêu dùng, do Việt Nam cam kết mở cửa nhiều ngành hàng hóa, nên thuế suất nhiều mặt hàng nhập vào Việt Nam thậm chí đã giảm xuống còn 0%, người tiêu dùng vì vậy thỏa sức lựa chọn và mua sắm, từ cái tăm Thái Lan, cái kẹo cao su tận Chicago, kem đánh răng của Nhật, cho tới các sản phẩm xa xỉ, cao cấp... của các hãng xuyên quốc gia danh tiếng toàn cầu.
Nhưng không phải không có mặt trái. Gia nhập WTO, tham gia sân chơi kinh tế, thương mại toàn cầu khác hẳn cách làm ăn “lối cũ” cũng khiến không ít DN trong nước chưa kịp thích ứng, bị hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của bạn “lấn sân”, nhiều DN trong nước liêu xiêu, mất thị phần, thậm chí phải đóng cửa.
Qua 5 năm, điểm yếu của các DN trong nước đã bộc lộ rõ, như thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, yếu kém về quản lý, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn. Đa số DN chưa xây dựng, phát triển được thương hiệu, nhất là chưa xây dựng được thương hiệu trong khu vực và quốc tế. Ngay bản thân ngành xuất khẩu chủ lực dệt may đến nay vẫn chưa thể tự đáp ứng về nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất. Đa phần DN vẫn lúng túng trước những hàng rào kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại nước ngoài...
Theo các chuyên gia, gia nhập WTO, vấn đề chính là khả năng thích ứng linh hoạt của riêng mỗi trường hợp, từ đó có thể tận dụng, phát huy tối đa lợi thế, hạn chế nhược điểm và tìm ra cách khai thác thị trường một cách khôn ngoan nhất.
Thông qua việc tự định vị của mình, nền kinh tế sẽ tìm được câu trả lời là đã, đang và sẽ ở đâu trong quá trình hội nhập. DN phải biết xác định lợi thế, sở trường tạo ra "mũi nhọn" để tồn tại trên thương trường, trong đó phải định hướng càng rõ, càng cụ thể và phù hợp cho mục tiêu dài hạn càng tốt. Các DN cần chủ động nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng điều hành, tìm hiểu thông tin, thị hiếu thị trường, huy động vốn cho thay đổi công nghệ, đầu tư thỏa đáng cho sáng tạo mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm...
Tất cả nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, chú trọng vào xuất khẩu, từ đó tự cải thiện sức cạnh tranh của từng đơn vị, hướng tới nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế.
Mai Hoa