35 nghìn tấn lốp cũ sắp đưa vào nội địa “xử lý”

(PLO) - Nguồn tin Pháp Luật Việt Nam cho hay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa thống nhất với phương án mà Bộ Tài chính đề xuất, theo đó sẽ “phân bổ” 35.000 tấn lốp xe cũ đang tồn đọng tại các cảng biển, cửa khẩu cho 4 doanh nghiệp để đưa vào nội địa xử lý.
Hàng chục nghìn tấn lốp cũ đang tồn đọng tại các cảng biển, cửa khẩu. Việc quản lý nhập khẩu đang có lỗ hổng, nếu  không có giải pháp có thể dẫn đến nguy cơ tuồn rác thải nguy hại đến Việt Nam
Hàng chục nghìn tấn lốp cũ đang tồn đọng tại các cảng biển, cửa khẩu. Việc quản lý nhập khẩu đang có lỗ hổng, nếu không có giải pháp có thể dẫn đến nguy cơ tuồn rác thải nguy hại đến Việt Nam
“Núi” lốp cũ khổng lồ
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), khối lượng hàng hóa lốp, lốp cao su đã qua sử dụng tồn đọng tại các cảng biển, cửa khẩu đến thời điểm hiện tại vào khoảng 35.000 tấn. 
Phương án mà Bộ Tài chính đề xuất để giải phóng “núi” lốp cũ khổng lồ này là bán trực tiếp không qua đấu thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ. Về giá bán, thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành, tuy nhiên cũng xem xét đến chi phí xử lý, lợi nhuận thu được sau xử lý của doanh nghiệp (DN) để khuyến khích và tạo điều kiện cho các DN thu mua xử lý nhanh các lô hàng tồn đọng. 
Trong văn bản phúc đáp Bộ Tài chính mới đây, Bộ trưởng Bộ TNMT thống nhất với phương án này, đồng thời đề xuất phân bổ khối lượng cho 04 đơn vị đã được Bộ này kiểm tra, đánh giá năng lực. 
Cụ thể, Công ty cổ phần đầu tư XNK Bông Sen Vàng hợp tác với Công ty cổ phần năng lượng tái tạo DVA (địa chỉ: Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) được thu mua khối lượng tối đa 20.000 tấn.
Công ty cổ phần xử lý phế liệu rắn Việt Nam (Hòa Hội, Châu Thành, Tây Ninh) được thu mua khối lượng tối đa 10.000 tấn.
Công ty cổ phần môi trường Việt Úc – VINAUSEN (Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, TPHCM), được thu mua khối lượng tối đa 4.000 tấn. 
Công ty cổ phần Việt Xuân Mới hợp tác với Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Giải Pháp Xanh Bình Phước (Khu công nghiệp Minh Hưng 3, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) được thu mua khối lượng tối đa 1.000 tấn. 
Bộ TNMT đề nghị 4 công ty này tích cực, khẩn trương thực hiện các bước thu mua, xử lý để giải phóng hàng tồn đọng nhanh nhất, trường hợp nhận thấy công ty nào không đủ năng lực tài chính hoặc khả năng xử lý nhanh thì Bộ Tài chính chủ động chuyển hạn mức khối lượng được phép thu mua cho công ty còn lại có năng lực hơn. 
Bộ TNMT sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và địa phương để kiểm tra, giám sát hoạt động xử lý, tái chế các lô hàng lốp, lốp cao su đã qua sử dụng theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải.
Mặt hàng cấm nhập khẩu 
Liên quan đến mặt hàng này, Báo PLVN từng có loạt bài đề cập chuyện hàng trăm container lốp xe cũ đe dọa môi trường cảng Đà Nẵng. Đây là số hàng do Công ty cổ phần kính nổi Chu Lai - INDEVCO nhập về nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu.
Công ty kính nổi Chu Lai được Thủ tướng cho phép thí điểm nhập khẩu lốp xe cũ từ tháng 5/2013 để sản xuất nhiên liệu phục vụ sản xuất kính xây dựng. Sau hơn 1 năm thực hiện, nhiều ý kiến đã đề nghị cần xem lại chủ trương này.
Thực tế ngoài trường hợp nêu trên thì phần lớn lốp tồn đọng tại các cảng biển, cửa khẩu là hàng tạm nhập nhưng “nằm vạ”, không chịu tái xuất, vừa chiếm diện tích các kho bãi, vừa là nguồn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. 
Đây là mặt hàng thuộc “Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu” theo quy định tại điểm 6 Mục II Phụ lục 1 Nghị định 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài (nay là Nghị định 187/2013/NĐ-CP).

Đọc thêm