Ai sẽ là “Cảnh sát trưởng” chất lượng ở Bộ Giao thông?

(PLO) - Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD & CLCTGT) quan trọng đến mức nó được ví như là lực lượng “Cảnh sát” của ngành này. Bởi với sự am tường cần phải có, Cục làm nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn vi phạm và chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng, tiến độ trong thi công các công trình giao thông quan trọng của quốc gia.
Ai sẽ thay ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục QLXD & CLCTGT (thứ 3, trái qua) từ 1/7/2017?
Ai sẽ thay ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục QLXD & CLCTGT (thứ 3, trái qua) từ 1/7/2017?

Nguồn tin từ Bộ GTVT cho hay, ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT sắp thôi chức để nghỉ hưu - sau 5 năm trong “vai” là “Cảnh sát trưởng” về chất lượng. Tin vị này chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ công tác khiến Bộ này chộn rộn: Ai là người xứng đáng để tiếp tục ngồi vào chiếc ghế đầy quyền lực nhưng cũng lắm áp lực kia?

Mắt nghề và độ cọ xát

Cơ quan nói trên có từ thời kỳ đầu những năm 1960, với tên gọi là Cục Kiến thiết cơ bản, sau này được đổi thành tên gọi như bây giờ. Cục làm nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo Bộ GTVT trong công tác QLXD&CLCTGT, nhằm thực hiện tốt các mục tiêu về tiến độ xây dựng, chất lượng và giá thành công trình.

Nói cho dễ hiểu, đối với một công trình dự án khi thực hiện, Cục sẽ làm mấy nhiệm vụ sau. Thứ nhất, phải giám sát việc lựa chọn nhà thầu để tìm cho được đơn vị thiết kế, thi công xây lắp giỏi; tiếp đó, phải thẩm định hồ sơ thiết kế và dự toán để việc triển khai dự án đúng quy định, có hiệu quả kinh tế; cuối cùng, phải có năng lực xử lý tình huống phát sinh (nếu có) ngoài hiện trường.

Cả ba “gạch ngang” cơ bản về nhiệm vụ nói trên viết ra chỉ có mấy dòng, nhưng để thực hiện được nó không phải là điều đơn giản đối với những cán bộ ở đây, nhất là với người “đứng mũi chịu sào” ở đơn vị này. 

Theo đó, ngoài những tiêu chí về trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị..., Cục trưởng QLXD&CLCTGT phải là người thực sự am tường về nghề và phải có quá trình cọ xát thực tiễn.

Bởi thực tế cho thấy, nếu hội đủ những điều kiện trên, những người làm nhiệm vụ “Cảnh sát” chất lượng của Bộ GTVT mới đủ khả năng để kiểm soát chặt được chất lượng công trình, đồng thời minh bạch được quá trình xử lý trách nhiệm, từ đó mới có thể tham mưu được cho lãnh đạo Bộ GTVT “thổi phạt” hoặc ngăn chặn những sai phạm của các chủ thể liên quan đến quá trình triển khai dự án.

Cục QLXD&CLCTGT 5 năm qua đã cơ bản “tròn vai” này khi Bộ GTVT  hoàn thành vượt tiến độ nhiều công trình, trong đó có đại Dự án nâng cấp QL1, QL14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên) cũng như công tác quản lý các Dự án BOT, BT trên phạm vi toàn quốc.

Nhiệm vụ quan trọng vừa nêu sẽ được tiếp tục ra sao khi Bộ GTVT đã, đang chuẩn bị triển khai thêm một số dự án mới như cao tốc Bắc - Nam với quy mô đầu tư được xác định là cực lớn? 

Dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng đầu tư 300.000 tỷ đồng, sẽ là một áp lực công việc cực lớn với Cục QLXD & CLCTGT
Dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng đầu tư 300.000 tỷ đồng, sẽ là một áp lực công việc cực lớn với Cục QLXD & CLCTGT

Nguồn tại chỗ?

Theo quan sát, phương án nhân sự cho vị trí nói trên trong thời gian qua diễn biến có nhiều điều bất ngờ. Thậm chí, một số người trong cuộc còn tỏ ý ngạc nhiên khi nghe tổ chức định hướng “ứng cử viên” cho vị trí Cục trưởng QLXD&CLCTGT?

Được biết, Cục trên đang có 7 Phó Cục trưởng, trình độ thấp nhất là kỹ sư và cao nhất là tiến sĩ thuộc đủ các chuyên ngành, lĩnh vực liên quan xây dựng cơ bản. Nhưng theo nguồn tin riêng của PLVN, cả 7 vị này đều không được tổ chức “chấm” vì nhiều lý do khác nhau.

Theo dư luận, nếu kỳ này, “Cảnh sát trưởng” chất lượng là người được điều động từ nơi khác đến, thì Cục QLXD&CLCTGT gần như có “truyền thống” nguồn nhân lực tại chỗ ít có cơ hội dẫn dắt hoạt động của đơn vị này. Bởi đương kim Cục trưởng Trần Xuân Sách, 5 năm trước là Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được điều động về đây.

Cũng theo nguồn tin trên, rất có thể phương án nhân sự cho vị trí Cục trưởng QLXD&CLCTGT tại thời điểm này cũng là một người có “gốc gác” từ VEC?

Phương án đó nếu không trục trặc và thành hiện thực thì cũng không có gì lấy làm bất ngờ. Chỉ có điều, sức vóc của người mà tổ chức “nhắm” vào vị trí này đến đâu và sẽ làm việc như thế nào khi ngồi vào một “chiếc ghế” quá to cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Một số Phó Cục trưởng sẽ về đâu?

Cục QLXD&CLCTGT đang có 7 Phó Cục trưởng phụ trách các lĩnh vực đường bộ, sắt, thủy nội địa, hàng hải, hàng không. Theo quy định, tới đây sẽ rút xuống chỉ còn 3.

Vì thế, một số Phó Cục trưởng sẽ bị điều đi, trong số đó có một Đại tá, Phó Cục trưởng của Tổng cục Hậu cần & Kỹ thuật (Bộ Công an) được biệt phái  sang Bộ GTVT từ năm 2014? Như  thế, từ nay đến cuối năm, sẽ có khá nhiều xáo trộn về mặt nhân sự tại Cục QLXD&CLCTGT - một Cục quan trọng bậc nhất của Bộ nay.

Đọc thêm