Bất cập trong thực hiện chính sách tại vùng đặc biệt khó khăn: Phải quy rõ trách nhiệm

(PLO) - Hôm qua (13/1), Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về “Tình hình thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn” theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chồng chéo trong thụ hưởng chính sách

Nghị định 116 đã quy định 7 chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đánh giá quá trình thực hiện Nghị định trên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành nhận định, Nghị định 116 là một chính sách, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đã được các địa phương chủ động, tích cực triển khai thực hiện.

Đặc biệt, 2 ngành Giáo dục, Y tế với sự ưu đãi phụ cấp ngành, phụ cấp khu vực và chính sách thu hút đã từng bước khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên và cán bộ y tế kéo dài trong nhiều năm.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong giai đoạn 2011-2015, tổng kinh phí thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-CP là hơn 24.817 tỷ đồng. Trong đó, số tiền phụ cấp thu hút là gần 15.875 tỷ đồng; phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là hơn 5.413 tỷ đồng; trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng là gần 974 tỷ đồng; trợ cấp mua và vận chuyển nước ngọt sạch là hơn 44 tỷ đồng; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu là gần 178 tỷ đồng; thanh toán tiền tàu xe hơn 61 tỷ đồng; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ là gần 134 tỷ đồng…

Tuy nhiên, đối tượng thụ hưởng theo Nghị định 116 cũng bao trùm nhiều đối tượng đã được thụ hưởng các chính sách ưu đãi trước đó. Việc thiếu hướng dẫn cụ thể đã dẫn tới tình trạng chi trả mỗi nơi mỗi khác, có nơi thực hiện đồng thời nhiều chính sách cho một đối tượng, có nơi lại chỉ thực hiện một chính sách.

Cũng do quy định chưa chặt chẽ nên một số xã không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, mà là xã theo Chương trình 135, xã an toàn khu, xã khu vực I, xã khu vực II cũng được thụ hưởng, dẫn tới số tiền ngân sách phải chi trả hàng năm quá lớn.

Giải trình các câu hỏi của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng: “Lỗi là chưa tổng hợp chính sách khi xây dựng chính sách trong Nghị định 116 để tránh trùng lắp”.

Ông Tân cho biết, hiện có tới 3 văn bản của Chính phủ quy định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị có tổng kết nghiêm túc về việc thực hiện các nghị định liên quan tới chính sách ưu đãi ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, tổng hợp lại thành một chính sách, quy định rõ từng đối tượng được hưởng, có chế tài cụ thể để xử lý sai phạm. 

Phải quy rõ trách nhiệm

Nhấn mạnh vấn đề trách nhiệm, đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị cần phải làm rõ. “Giải trình mà không biết lỗi thuộc ai, ai cũng đúng cả thì chắc dân sai?”. Liên quan giải trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng Nghị định không quy định trách nhiệm hướng dẫn, ông Bùi Sỹ Lợi đặt câu hỏi: “Vậy các xã khó khăn bãi ngang, ven biển được hưởng là đối tượng của Nghị định 116 thì ai đề xuất? Bộ không đề xuất thì dân lao vào hưởng chăng?” nên ông yêu cầu làm rõ “tiền chi không đúng đối tượng thì ai sai? Thất thoát, gây dư luận không tốt thì ai chịu trách nhiệm để trả lời với dân”. 

Mong muốn làm rõ tổng kinh phí chi trả cho các đối tượng trùng lặp trong 5 năm qua là bao nhiêu, đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đề nghị Bộ Tài chính phải cụ thể trong việc thu hồi khoản chi trả không đúng. Theo bà Thanh, việc Bộ Nội vụ dù biết có sự bất cập nhưng nhiều năm qua chưa kiểm tra, giám sát, khắc phục thì cũng có trách nhiệm của Bộ trưởng.

Tại phiên giải trình, nhiều ý kiến của đại biểu cũng đặt vấn đề trách nhiệm của Bộ Nội vụ - cơ quan chủ trì và cùng Bộ Tài chính về việc tuyên truyền, hướng dẫn thi hành Nghị định 116 dẫn đến thực hiện chính sách không thống nhất. Bởi vậy, để chính sách hoàn thiện hơn, theo các đại biểu, đây cũng là vấn đề cần rút kinh nghiệm khi triển khai các chính sách trong thời gian tới.

Đọc thêm