Cả năm ngành Nông nghiệp dự kiến tăng trưởng 1,2% -1,4%

(PLO) - Đó là con số được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn công bố hôm nay (9/11) trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 11 về tình hình thực hiện kế hoạch tháng 10 và nhiệm vụ các tháng cuối năm 2016 của Bộ NN&PTNT. 
Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dự kiến năm nay đạt khoảng 31 tỷ USD, thặng dư 8 tỷ USD
Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dự kiến năm nay đạt khoảng 31 tỷ USD, thặng dư 8 tỷ USD

Bộ NN&PTNT cho biết, tăng trưởng của ngành trong năm nay sẽ đảm bảo theo đúng mục tiêu đề ra và khả năng tăng trưởng ngành nông nghiệp cả năm có thể đạt từ 1,2% - 1,4%. Trong đó, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dự kiến đạt khoảng 31 tỷ USD, thặng dư 8 tỷ USD. 

10 tháng xuất khẩu được 26,4 tỷ USD

Đáng chú ý, diện tích lúa năm nay chỉ ước đạt 7.763 nghàn ha, giảm 71 nghàn ha so với năm 2015, năng suất giảm khiến sản lượng cũng chỉ đạt 44,43 triệu tấn, giảm 785 ngàn tấn so với năm 2015. Trong khi, lĩnh vực thủy sản mặc dù chịu ảnh hưởng của mưa bão, biển động nhưng sản lượng khai thác ngành này trong tháng 10 vẫn đạt con số khả quan - 250 ngàn tấn, nâng tổng sản sản lượng thủy sản 10 tháng lên tới 5.482 ngàn tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ. 

Cũng theo Bộ NN&PTNT, tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành 10 tháng ước đạt mốc 26,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015, thặng dư thương mại đạt 6,4 tỷ USD, tăng 15,6%. Nhưng giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng cũng đạt tới gần con số 20 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015. 

Tuy nhiên, theo Bộ quản lý nhà nước về nông nghiệp, mặc dù nhập khẩu  trong 10 tháng tăng 3,6% nhưng nhập khẩu một số mặt hàng chính lại ghi nhận có chỉ số giảm 1,0% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, phân bón các loại đạt 902 triệu USD (giảm 22,2%), thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 2,8 tỷ USD (giảm 1,7%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,45 tỷ USD (giảm 18,4%). 

Tiêu hủy ngà voi, sừng tê giác trước thềm Hội nghị IWT

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 11, Bộ NN&PTNT cũng giành thời gian để thông báo về sự kiện Hội nghị quốc tế về chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã (IWT) diễn ra vào ngày 17/11 tới đây tại Hà Nội.  

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Hội nghị Hà Nội IWT dự kiến có sự tham gia của phái đoàn cấp cao của 54 quốc gia, trong đó có một số nguyên thủ, Hoàng tử Anh William; 10 tổ chức quốc tế, trong đó có Phó tổng thư ký Liên hợp quốc, Tổng thư ký CITES quốc tế, một số tổ chức phi chính phủ…

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, tại Hội nghị lần này ngoài việc thông qua Tuyên bố Hà Nội về chống buôn bán trái pháp luật các loại động vật, thực vật hoang dã, Bộ NN&PTNT còn tổ chức buổi tọa đàm cấp cao về việc giảm thiểu phát thải nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng tại Việt Nam (REDD+) để thông tin cho quốc tế về tình hình bảo vệ và phát triển rừng, tiến trình và bài học kinh nghiệm trong thực hiện REDD+. 

Trước khi Hội nghị IWT diễn ra, vào ngày 12/11/2016, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các Bộ Tài chính, Công an tổ chức tiêu hủy trên 2 tấn ngà voi và khoảng 70 kg sừng tê giác là tang vật của các vụ buôn bán trái pháp luật bị tích thu, dưới sự chứng kiến của đại diện các bộ ngành có liên quan, đại sứ quán nước ngoài cùng một số tổ chức quốc tế. 

“Việc tiến hành tiêu hủy ngà voi, sừng tê giác là thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế tuyên chiến với tội phạm buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã và thể hiện người Việt Nam không tiêu dùng các sản phẩm động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp”- Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh. 

Số tang vật này dự kiến tiến hành tiêu hủy tại huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội bằng phương pháp nghiền nhỏ, đốt trong lò đốt, cháy thành tro 100% và sẽ tiến hành chôn lấp toàn bộ tro của các mẫu vật tiêu hủy.   

Chỉ đạo kiểm tra vụ phá rừng do báo Pháp luật Việt Nam phản ánh

Theo Tổng Cục Lâm nghiệp cho biết, tính đến 20/10, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt khoảng 167,2 nghìn ha, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong 10 tháng, số vụ vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản là 17.674 vụ. 

Theo Thứ trưởng Tuấn, về tổng số vụ là giảm 1.880 vụ so với năm ngoái, nhưng diện tích rừng bị thiệt hại là tăng trong đó chủ yếu là do cháy và do phá trái rừng pháp luật.  Trong diện tích rừng bị thiệt hại là 4.431 ha có 1.122 ha là do phá rừng trái pháp luật.

“Tình trạng phá rừng vẫn còn rất nghiêm trọng. 1122 ha là nhiều công của lắm, nhiều hệ lụy phải giải quyết lắm. Hành vi chặt gỗ rừng tự nhiên báo chí thông tin rất kịp thời. Mấy hôm nay, tôi có đọc Báo Pháp luật Việt Nam, phản ánh tình trạng phá rừng hết sức nghiêm trọng ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Về nội dung báo phản ánh, tôi đã chỉ đạo anh em kiểm tra làm rõ để có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm túc, đúng pháp luật”- ông Tuấn cho biết.

Đọc thêm