Cần điều chỉnh chính sách hỗ trợ để phù hợp trạng thái bình thường mới!

(PLVN) - Các chính sách ban hành để đáp ứng với “trạng thái khẩn cấp” trong thời gian qua đã bộc lộ những bất cập và cần phải điều chỉnh đề phù hợp với “trạng thái bình thường mới”. 
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang, chủ trì Hội nghị
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang, chủ trì Hội nghị

Sáng nay - 18/3, tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc với sự tài trợ và Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức Đối thoại: “Tháo gỡ khó khăn về chính sách để DN vượt qua Covid-19”. Đại biểu là đại diện lãnh đạo của các Bộ, UBND, sở ban ngành, DN và HHDN tỉnh Vĩnh Phúc và một số tỉnh thành phố khu vực phía Bắc.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI - nhấn mạnh, cú sốc đại dịch Covid-19 ghi dấu ấn năm 2020 với tác động sâu rộng trên bình diện toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Để khắc phục hậu quả từ dịch Covid, Việt Nam đã có nhiều chính sách đã được ban hành, với các gói hỗ trợ lớn bao gồm: Chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng với quy mô 250 nghìn tỷ đồng, chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng; chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với quy mô 180 nghìn tỷ đồng và chính sách hỗ trợ DN trả lương cho người lao động 16 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ cũng đẩy mạnh các chương trình giải ngân vốn đầu tư công, tạo cú hích cho sự phát triển của cộng đồng DN. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế TNDN cho các DN chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm để thực hiện giảm trong năm 2020. Có thể nói đây là hệ thống các gói giải pháp, chính sách khá đồng bộ, chưa từng có ở Việt Nam.

“Các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh Covid - 19 được các DN đánh giá cao nhất là các chính sách tài khoá như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng…” - ông Phòng cho biết.

Kết quả khảo sát của VCCI cũng cho thấy một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập DN, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất

“Có thể nói, việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng DN Việt Nam. Một thông điệp vô cùng tích cực về sự đồng hành từ Chính phủ đã được lan tỏa tới cộng đồng kinh doanh. Chúng ta đã thấy một Chính phủ hành động quyết liệt và kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ DN trong giai đoạn cao điểm của đại dịch Covid-19 dù ngân sách trung ương eo hẹp. Tuy vậy, các chính sách ban hành để đáp ứng với “trạng thái khẩn cấp” đã bộc lộ những bất cập và cần phải điều chỉnh đề phù hợp với “trạng thái bình thường mới”. Và chúng ta vui mừng khi Chính phủ đang tính “gói cứu trợ lần 2” hay còn gọi là “gói kích thích kinh tế lần 2”!” - Phó Chủ tịch VCCI phát biểu.

Liên quan tới vấn đề này, kết quả khảo sát của VCCI vừa được công bố tuần trước cho biết, cộng đồng DN kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương cần phổ biến rộng rãi hơn thông tin về các chính sách hỗ trợ, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính, đơn giản hoá các tiêu chí, điều kiện tiếp cận cũng như đảm bảo công bằng giữa các đối tượng trong diện được hỗ trợ. Nhiều DN mong muốn chính quyền các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật nhằm tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi …

“Đây sẽ là hỗ trợ quan trọng cho sự phục hồi bền vững của các DN trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch toàn cầu COVID-19!” - Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Đa phần doanh nghiệp không được hưởng lợi!

Nhận xét về các chính sách hỗ trợ, bà Phạm Thị Hồng Thủy – Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết, Vĩnh Phúc là địa phương đầu tiên có dịch Covid-19, trong khi đó hệ thống các chính sách hỗ trợ DN chịu ảnh hưởng lại ra sau và có hiệu lực sau khi tỉnh Vĩnh Phúc hết dịch. Cho nên các DN chịu ảnh hưởng khó tiếp cận chính sách hơn các DN ở các địa phương khác so với cả nước.

Cụ thể, đối với lĩnh vực hỗ trợ người lao động, phần đa DN không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm với DN như  số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của DN…Các điều kiện kèm theo đó rất ít DN có thể đáp ứng được để có nguồn tài chính hỗ trợ từ phía nhà nước vì quá khó và chặt chẽ. Trong các văn bản sửa đổi và hướng dẫn Chính phủ chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện đảm bảo để nhận hỗ trợ. “Như vậy, có thể nhận thấy, chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống.!” - bà Thủy khẳng định.

Đối với DN, mặc dù có nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính và tín dụng, song sự hỗ trợ đó vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của DN. DN vẫn phải chịu mức lãi suất cao, thời gian cơ cấu trả nợ ngắn, các gói vay mới có nhiều điều kiện khó tiếp cận.

Hoạt động xuất nhập cảnh và thương mại vẫn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của DN cho chuyên gia, người lao động và các hoạt động giao thương khác.

Đọc thêm