Chúng ta có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không?

(PLVN) - Trong 75 năm qua, đặc biệt là sau 35 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Những thành tựu này là lời khẳng định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”...
Chúng ta có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không?

Làm sao sớm vượt qua những ngày khó khăn thách thức để khát vọng không bị lùi xa, không rơi vào bẫy tăng trưởng thấp, và vẫn đạt được khát vọng đặt ra ở 2035 và ở ngày Quốc khánh 2045 – ngày kỷ niệm 100 năm thành lập nước?

35 năm đổi mới - Kinh tế Việt Nam vẫn đang chuyển đổi!

Trong không khí chào đón ngày Quốc khánh, TS Võ Trí Thành – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) hồi tưởng lại năm 1986, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và sau một giai đoạn thí điểm, tại Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 chính thức được công bố chính sách đổi mới. 

Đổi mới với tư duy phát triển mới đã thổi luồng gió mới trong quản lý kinh tế tạo động lực mới và cơ hội cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Từ đó thực sự tạo ra những thay đổi rất lớn lao, đáng tự hào ở Việt Nam.

Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, khép kín, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế định hướng thị trường, hội nhập sâu rộng vào hệ thống kinh tế toàn cầu. Từ nghèo đói phải nhận viện trợ, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Từ chỗ không công nhận, Việt Nam đã có một lực lượng doanh nghiệp tư nhân hùng hậu… 

Thành quả của đổi mới đã tạo nên vị thế và uy tín của Việt Nam trước cộng đồng thế giới và đã tạo nên dấu ấn đặc biệt. Trước khi kết thúc nhiệm kỳ làm 4 năm Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, Ousmane Dione phát biểu: “Đổi mới là một quá trình tuyệt vời giúp Việt Nam thoát nghèo đói, trở thành quốc gia thu nhập trung bình và đã trở thành một điển hình về thành công. Khoảng cách Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình không còn quá xa”.

Ông cũng nói rằng “Với kinh nghiệm đã làm việc ở 60 quốc gia trên thế giới và sau bốn năm sống và làm việc tại Việt Nam và đã có 140 chuyến đi tới 34 tỉnh thành phố ở Việt Nam tôi hiểu rằng tại Việt Nam không có gì là không thể nếu có một quyết tâm mạnh mẽ. Nếu tiếp tục có cuộc đổi mới, Việt Nam sẽ đạt được khát vọng 2035, sẽ trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Sẽ là nước thu nhập cao vào năm 2045”. 

Những thành quả và cách làm của 35 năm đổi mới vừa qua là điểm tựa quan trọng nhưng không bảo đảm thành công cho tiến trình phát triển tiếp theo. Nguy cơ tụt hậu vẫn đang hiện hữu, khoảng cách với các nước phát triển hơn vẫn đang doãng ra. 

So với khát vọng nhìn lại thành tựu và thực tế, PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ một nỗi buồn: “Ngay khi giành được độc lập, Bác Hồ đã mong muốn Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu. Đến nay, sau 75 năm, chưa so với cường quốc của năm châu, chỉ so với một số nước trong khu vực như Maylaysia, Singapore, Hàn Quốc đã thấy khoảng cách với họ đang xa dần”.

TS Võ Trí Thành cũng mang nhiều đau đáu: “Ngày trước khi đất nước vừa độc lập nhưng còn đang phải chống giặc đói, giặc dốt Bác Hồ đã nói đến tương lai nói đến khát vọng Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu. Ngày nay đất nước đã sánh với được với khu vực một chút thì đã chững lại, không thấy cố để sánh vai với những nước cao hơn”. 

Theo chuyên gia này, những năm gần đây cải cách và đổi mới là một bức tranh nhờ nhờ, tính quyết liệt không nổi rõ như những giai đoạn trước đó. Tín hiệu đổi mới như đèn vàng nên “đi cũng được, không đi cũng được”.

Vì thế sau 35 năm Việt Nam vẫn là một nền kinh tế đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường trong khi hội nhập sâu và rộng, thế giới thì biến đổi rất nhanh. Tăng trưởng năng trưởng năng suất đình trệ, năng lực cạnh tranh thấp. Rủi ro rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp đang hiện hữu, và lại những khó khăn chưa từng có trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 này lại làm bật lên nhiều tồn tại thách thức và bật lên rủi ro tăng trưởng thấp. Mắc phải những rủi ro này cũng có nghĩa là thịnh vượng lùi xa, nghèo và thu nhập thấp ập đến. 

PGS.TS Trần Đình Thiên cũng nói rằng “đang có nhiều điều đáng tiếc”. Đó là với lực lượng doanh nghiệp đông nhưng không mạnh, vẫn có tới hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa, số doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn còn quá ít.

Đó là đất nước có nguồn nhân lực tiềm năng nhưng vẫn thiếu nhân lực chất lượng còn hệ thống giáo dục và đào tạo đã qua nhiều năm cải cách nhưng “vẫn dạy học theo kiểu thầy đồ” mà không có được một hệ thống giáo dục sáng tạo. Đó là “khoa học và công nghệ vẫn chỉ là “bình hoa” trong chiến lược, trong kế hoạch chứ chưa là trụ chính cho phát triển… Kinh tế thị trường chưa phát triển đầy đủ. Cải cách thì chững lại. 

Phải “Chơi hết mình!”

Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt có tính lịch sử của cải cách và phát triển. Thời cơ, thuận lợi rất lớn, song thách thức và khó khăn cũng không hề nhỏ. Và chần chừ chậm chạp với cải cách thì cơ hội thì vuột đi. 

TS Võ Trí Thành trăn trở với một loạt câu hỏi: Tại sao chúng ta vẫn còn cách khá xa so với chúng ta kỳ vọng? Tại sao chúng ta vẫn chưa làm được điều chúng ta mong muốn dù chúng ta đã nhìn xác định đúng đường hướng, đã chỉ rõ những việc cần làm?

Rồi ông tự trả lời: “Đó là vì chúng ta chưa thực sự đau đáu tư duy để chọn ra điểm ưu tiên đột phá. Có đau đáu nghĩ suy với quyết tâm thì từ định hướng ý tưởng mới ra được bản thiết kế những việc cần làm, sau đó là quyết chí thực thi….”. Ông diễn giải: “Ý tôi nói là hãy bình tĩnh và tự tin. Đã chơi thì phải tự tin chơi hết mình. Và dù hơn hay kém thì không nên tự mãn và càng không nên tự ti mà phải tự tin, bình tĩnh. Chơi hết mình!”.

Trong những tháng ngày còn lại đi đến tương lai 2035-2045 và trong những tháng ngày đất nước khó khăn chưa từng có này với Covid-19 chưa biết lúc nào kết thúc, cả TS Trần Đình Thiên và TS Võ Trí Thành cho rằng đây cũng là lúc thúc ép một lần đổi mới mới nhanh hơn, mạnh hơn, quyết tâm hơn, quyết liệt hơn. Trong đó, phải có cách chuyển đổi và cách thức phát triển bền vững, chất lượng. 

Và theo PGS.TS Trần Đình Thiên, để đạt được khát vọng 2035, khát vọng 2045, để sánh vai với các cường quốc năm châu, Khoa học công nghệ là tương lai của đất nước là trụ chính của phát triển. Nhân tài là quyết định.  Doanh nghiệp là trụ cột là động lực. Vì thế chúng ta cần có một lực lượng doanh nghiệp có trụ cột và liên kết.

Trụ cột là doanh nghiệp mạnh và cả lực lượng là một thể liên kết với nhau, và kết nối được với doanh nghiệp FDI, kết nối với chuỗi toàn cầu. Cần tạo ra năng lực để bước vào quỹ đạo công nghệ cao, số hóa. “Ta không thể phát triển như cũ. Vì phát triển như cũ rất nhiều rủi ro…” – chuyên gia này lưu ý.

Điều đã thấy là gần đây cả Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp đều có tâm thế và ý thức chuyển đổi số rất lớn và đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ ban đầu: Chính phủ điện tử được thúc đẩy, phát triển kinh tế số, nhiều loại hình kinh doanh kinh tế số phát triển nhanh mà ta nhìn thấy như lực lượng xe ôm công nghệ xuất hiện khắp nơi… Chính phủ điện tử và kinh doanh điện tử sẽ tạo ra những thay đổi lớn. 

Còn băn khoăn, còn trăn trở song trao đổi với chúng tôi, các chuyên gia vẫn đầy áp niềm tin. Theo TS Võ Trí Thành, nhìn lại 4000 lịch sử của dân tộc, 75 năm lịch sử xây dựng và phát triển đất nướccho thấy dân tộc mình không chỉ giỏi giữ nước mà luôn biết làm ăn và thể hiện ý chí vượt khó khăn.

“Đất nước nào cũng có những vấn đề của nó. Vấn đề là ta nhìn nhận cho đúng cho đủ và lựa chọn điểm tốt để học hỏi, để tự sửa mình mình tự cải cách, cải tổ, để cải cácg để tự sửa mình!” - TS Võ Trí Thành bày tỏ quan điểm. 

PTS.TS Trần Đình Thiên quả quyết: “Nếu thu hút được tinh hoa người Việt trên toàn cầu và sự ủng hộ của Việt Kiều trên toàn thế giới để tạo nên sức mạnh Việt Nam như Bác Hồ khi xưa đã làm thì khát vọng sẽ trong tầm tay. Việt Kiều chính là người kết nối là người giới thiệu và thuyết phục về Việt Nam với thế giới!”

Tết Độc lập nhớ về Bác với quyết tâm hiện thực hóa khát vọng của Người để 10 năm, 20 năm nữa Việt Nam thực sự sánh vai với các cường quốc năm châu… 

Đọc thêm