Chuyện khởi nghiệp ly kỳ của người mở nghề sơn dầu Việt

(PLO) -Chí vươn lên không ngừng, quyết tâm không mỏi đã giúp Nguyễn Sơn Hà (1894-1980) bước vào một lĩnh vực kinh doanh rất mới mẻ đối với người Việt nói chung buổi đầu thế kỷ XX: ngành sơn, và gặt hái thành công. Dù gặp nhiều gian lao, thách thức, và cản trở từ âm mưu thực dân, nhưng tên tuổi của ông dần được gây dựng và có chỗ đứng chắc chắn trên thương trường. 
Hải Phòng đầu thế kỷ XX
Hải Phòng đầu thế kỷ XX

Nói về doanh nhân Nguyễn Sơn Hà, năm 1994, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng ghi nhận ông là “nhà yêu nước, nhà doanh nghiệp Nguyễn Sơn Hà luôn có đầy nghị lực, năng động sáng tạo. Tôi nghĩ Nguyễn Sơn Hà là một tấm gương sáng ngời đối với các nhà doanh nghiệp trẻ ngày nay về lòng yêu nước và ý chí kinh doanh”.

Xuất thân bần hàn

Ý chí ấy, tấm gương ấy, được tôi luyện từ gian khó ngay từ thuở ấu thơ của Nguyễn Sơn Hà. Và, những hồi ức sinh động về quãng thời gian khó ấy, được ông kể lại qua hồi ký “Tay trắng làm nên” thật sinh động khi được tả chân.

Theo đó, Nguyễn Sơn Hà có xuất phát điểm không phù hợp với nghề kinh doanh của ông sau này. Ông sinh ra trong một gia đình thị dân, nhưng lại nghèo khó của đất Hải Phòng; bố ông là Nguyễn Mễ, gốc bần nông, tính tình khí khái không muốn nhờ vả người bác ruột giàu có nên bỏ làng đi làm thuê, gặt mướn cho các nhà giàu trong vùng, ưa võ nghệ, người khỏe mạnh nhưng lại không chịu học chữ, tính không chịu luồn cúi nên cứ lang bạt kỳ hồ khắp nơi này nơi kia. Sau này, lại gia nhập một phường chèo, rồi nhập vào đoàn quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc. 

Đi theo đội quân Cờ Đen, thân sinh Nguyễn Sơn Hà tham gia nhiều trận đánh, nhưng rồi thành Sơn Tây bị thất thủ, cụ bị bắt rồi bỏ tù mấy năm. Rồi lại một cơ duyên khác thay đổi cuộc đời thân sinh ông tổ nghề sơn dầu đất Việt.

Ấy là có người bạn lão quan ba ở Hà Nội về chơi, thấy cụ đang làm vườn, dáng người khỏe mạnh nên xin với tên quan ba kia về phụ việc cho mình trong cửa hàng bán đồ sắt và xẻng cuốc đầu tiên ở đất Hà Nội.

Chính tại đất Hà thành, thân sinh Nguyễn Sơn Hà se duyên cùng thân mẫu rồi sinh ra Sơn Hà tại phố Lò Đúc, và cái tên Sơn Hà được đặt cho đứa trẻ tương lai làm nổi danh dân Việt. Tên này “để kỷ niệm thành Sơn Tây thất thủ và thành Hà Nội là nơi tôi được sinh ra”. 

Dẫu gia đình nghèo khó, nhưng cha Nguyễn Sơn Hà, lại là người nghĩa khí, hào hiệp. Hẳn tính cách ấy, sau ảnh hưởng đến nghiệp doanh thương dám nghĩ, dám làm của họ Nguyễn. Có lần gia đình đang dùng cơm, có người ăn xin đến, trong nồi cơm không còn, cụ Mễ nhường ngay bát cơm trên tay cho người ấy. Cái sự rộng rãi ấy, thật hiếm có làm sao. 

Học hỏi không ngừng

Cũng bởi cha không biết chữ, nên việc dạy dỗ anh em Nguyễn Sơn Hà không được chú ý rèn cặp, thậm chí có lần, cha mẹ nhà doanh thương tương lai từng to tiếng với nhau bởi không thống nhất trong việc dạy con. Riêng ông thân sinh, thì bày tỏ với vợ:

“Bà không phải lo cho chúng nó sau này đâu! Trăng đến rằm thì khắc phải tròn! Giời sinh voi, tất phải sinh cỏ. Như tôi, bố chết sớm, mẹ thì đi tu ở chùa, ai dạy dỗ tôi? Thế mà tôi lớn lên cũng biết lo lấy thân mình, không phải nhờ vả đến ai, không làm điếm nhục đến tổ tiên. Con chúng ta sau này lớn lên có chí của bố cũng sẽ làm được như vậy thôi”.

Lo lắng cho tương lai các con, mẹ Nguyễn Sơn Hà thường xuyên căn dặn, nhắn nhủ rằng: “Bố đã như vậy, các con ai có thân thì phải lo cho khỏi khổ về sau”. Lời dặn ấy của mẹ, chàng trai Sơn Hà khắc ghi trong tâm, và thực hiện theo. Khoảng năm 14 tuổi, bố mất sau khi bị sưng phổi, 7 anh em Sơn Hà cùng mẹ rơi vào cảnh khó khăn chồng chất. 

Tuổi thiếu niên cực nhọc ấy, vẫn còn hằn in trong tâm khảm của người anh cả Nguyễn Sơn Hà khi cha mất đi, gánh nặng nợ nần đổ dồn lên người phụ nữ một nách 7 con. Anh em Sơn Hà đành “phải phân cắt nhau xin đi phụ việc để kiếm miếng ăn”.

Nguyễn Sơn Hà
Nguyễn Sơn Hà

May mắn sao, cả thảy chừng ấy anh em, đều quyết tâm vượt khỏi cảnh bần hàn, nên ngày đi làm, tối đi học thêm, tránh xa mọi thú vui, cám dỗ hiện thời, bởi vậy mà “cứ vừa làm việc vừa học, cố gắng khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn như thế, sau vài năm anh em chúng tôi mỗi người đã có được một công việc vững vàng”.

Cũng chính từ quãng thời tuổi trẻ cơ cực, là động lực cho sự vươn lên không ngừng nghỉ của người mở nghề sơn dầu đất Việt. Ban đầu, Nguyễn Sơn Hà phụ việc bàn giấy cho một hãng buôn của Pháp, lương tháng là 3 đồng bạc. Sau này, nhờ không ngừng học hỏi, Nguyễn Sơn Hà trúng vào Sở pháo thủ. Ngặt nỗi lương tháng chỉ có 15 đồng không đủ chăm lo, nuôi các em, thế là một bước ngoặt đưa cuộc đời Sơn Hà rẽ sang hướng khác…

Nguyễn Sơn Hà bỏ ra ngoài đi làm kế toán, đánh máy cho một nhà buôn Pháp. Sau đó một thời gian, lại chuyển sang hãng sơn dầu Sauvage Cottu. Nhờ óc ham học hỏi, khám phá, nên dẫu giữ chân kế toán kiêm đánh máy, nhưng Nguyễn Sơn Hà như lời ông tự sự “rất chú ý xem xét học hỏi về nghề chế biến sơn, vì tự nghĩ đến câu phi thương bất phú”. 

Cứ nhân dịp lúc nào tay chủ hãng sơn vắng nhà, chàng trai họ Nguyễn lại qua bàn giấy của hắn lục hết sách vở chuyên môn để đọc, tìm hiểu về kỹ thuật, nhờ đấy mà không lâu sau, các bước, bí quyết làm sơn dầu đã nằm lòng trong não của chàng kế toán học nghề sơn bí mật người Việt.

Chiếc xe đạp khởi nghiệp

Làm cho hãng sơn Sauvage Cottu cho đến khi tay chủ người Pháp chết, hãng sơn dầu được bán cho người khác, Nguyễn Sơn Hà thôi không làm thuê nữa, mà nghỉ việc, dùng ngay chiếc xe đạp, tài sản quý giá bấy giờ bán đi lấy tiền mở một cửa hàng nhỏ chuyên nhận việc kẻ chữ, quét tường quảng cáo để mưu sinh, nhưng những lúc rảnh rỗi, lại vùi đầu vào việc thí nghiệm làm sơn từ kiến thức tự học. 

Năm 1917, nhờ việc nghiên cứu, thí nghiệm các nguyên liệu sẵn có trong nước, Nguyễn Sơn Hà đã tự thân sản xuất được sơn; lại tự thân đặt làm cối xay sơn bằng sắt thay cho cối đá, chất lượng sơn trở nên tốt, giá thành rẻ, được giới Hoa kiều và cai thợ rất chuộng; còn thực dân Pháp thì cho rằng hàng của người An Nam là đồ tồi, nên không đoái hoài. Thế là bước khởi nghiệp với nghề sơn đã thu được thành quả ban đầu. 

Bởi sự tự cao của người Pháp, mà kích thích sự tự tôn dân tộc trong ông chủ sơn Nguyễn Sơn Hà, quyết làm cho chúng phải tâm phục khẩu phục. Để quảng bá sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng, sơn của ông được quảng cáo bằng nhiều hình thức, kể cả việc cho người dùng sản phẩm mà không lấy tiền. Dần dà, sơn của ông được đón nhận nhiều hơn. Sản phẩm sơn “Résistanco” (bền chặt) của ông đã đối chọi được với cả hiệu sơn con rùa “Testudo” mà Nguyễn Sơn Hà từng làm. 

Nhờ chất lượng tốt, sơn của ông được một hãng buôn đồ sắt lớn nhất Hải Phòng mua phân phối, nhiều hiệu buôn khác cũng nhận bán, cũng từ đó mà sự cạnh tranh của sơn “Résistanco” với sơn “Testudo” ngày càng quyết liệt.

Với ưu thế sơn mau khô, bền, giá thành rẻ, sơn của Nguyễn Sơn Hà làm hãng sơn của Pháp ngày một thất thế, phải thuê cả các kỹ sư Pháp sang để làm sơn cạnh tranh với sơn của ông mà không thành. Cũng bởi tự tôn dân tộc, mà sau đó, có tay kỹ sư Bouvier của hãng sơn kia sau khi bị giãn việc, xin vào hãng của ông làm, nhưng Nguyễn Sơn Hà thẳng thừng từ chối. 

Cạnh tranh trên thương trường, chiếm được uy tín cao đối với khách hàng, nhưng giữa buổi nước nhà nằm dưới ách thực dân, vị doanh nhân ngành sơn còn phải đối phó với muôn ngàn mưu chước của kẻ thù nhằm hạ bệ ông. Tuy nhiên, đối mặt với sóng gió thương trường, ông tổ ngành sơn dầu nước Việt vẫn vững tay chèo.../.

Đọc thêm