Công nghiệp Việt Nam thời TPP: Lo giữ “sân nhà” để vươn sang “sân bạn”

(PLO) - Hôm qua (1/3), tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Cơ hội và thách thức của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với ngành công nghiệp Việt Nam”. 
Công nghiệp Việt Nam thời TPP: Lo giữ “sân nhà” để  vươn sang “sân bạn”

Do Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức, hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiểu rõ luật chơi do các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đặt ra và có những bước chuẩn bị thật tốt để tận dụng tốt những cơ hội do các FTA mang lại.

Vươn xa, cần “bệ đỡ” từ chính sách

Theo các chuyên gia kinh tế, TPP cũng như các FTA khác luôn “cho và nhận” nên bên cạnh những thuận lợi lớn do TPP đem lại cho nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp Việt Nam, TPP cũng đặt ra nhiều thách thức lớn, nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ có thể sẽ gặp khó khăn. 

TPP sẽ tạo ra sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các DN Việt Nam. Việc giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam gia tăng, với giá cả cạnh tranh hơn. Thị phần hàng hóa liên quan tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn, nhất là mặt hàng nông sản và nông dân là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

“Trước những thách thức cạnh tranh, DN có thể phá sản và kéo theo tình trạng thất nghiệp” – ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cảnh báo. Hơn nữa, bên cạnh việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan, các nước cũng tập trung tăng cường những hàng rào phi thuế quan, đặc biệt những hàng rào kỹ thuật. 

Vì vậy, một trong những nội dung mang tính “sống còn” trong thời của các FTA, TPP là cần có sự phối hợp giữa Nhà nước với DN để làm sao giải quyết khâu khó khăn, trở ngại liên quan các hàng rào phi thuế quan và đặc biệt giúp DN tiếp cận thị trường bền vững, tránh được những tranh chấp, kiện tụng thương mại về chống bán phá giá, chống trợ cấp hay là các biện pháp tự vệ thương mại của các quốc gia… 

Theo TS Võ Trí Thành – Chuyên gia kinh tế, với TPP, Việt Nam đang ở thời điểm quyết định để chuyển đổi mô hình phát triển bằng cách thiết lập nền tảng vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” nên phải có một lực đẩy mới cho cải cách. Tác động qua lại giữa cải cách trong nước và hội nhập (TPP, RCEP, FTA Việt Nam - EU…) trở nên sâu sắc hơn nhiều. “Vấn đề là phải hiện thực hóa các tiềm năng của người dân, cải cách thể chế và thúc đẩy đổi mới cùng với tận dụng lợi thế và tối thiểu hóa rủi ro trong bối cảnh hội nhập sâu sắc và một thế giới, một khu vực đang đổi thay” – TS Thành kết luận.

Dùng nội lực, tranh thủ ngoại lực

Hiện các ngành công nghiệp lớn, giữ vai trò chủ đạo của Việt Nam như ngành dệt may, da giày, điện thoại di động, sản phẩm điện tử hầu hết là những ngành có tỷ lệ gia công cao, do vậy sản phẩm xuất khẩu chưa đem lại giá trị gia tăng cao cho ngành và nền kinh tế. 

Trong khi đó, công nghiệp hỗ trợ còn chưa phát triển khiến Việt Nam chỉ là một mắt xích nhỏ trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đầu tư vào công nghệ cao (quy trình sản xuất công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao) còn ít. Đội ngũ cán bộ chưa có nhiều kinh nghiệm về quản lý, tiếp cận thị trường, công nhân trình độ cao còn thiếu. Đây là những yếu tố mà ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận thấy có thể gây khó khăn cho xuất khẩu bền vững các sản phẩm công nghiệp. 

Do vậy, theo ông Phạm Anh Tuấn, tham gia TPP, các DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, tận dụng được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực từ chính nội lực là đội ngũ nhân lực, mục tiêu và phương thức, kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả. Đồng thời, “các DN cũng cần tận dụng cơ hội hợp tác với các DN nước ngoài nhằm tranh thủ lợi thế về vốn, nhân lực và kỹ thuật của các đối tác” là lời khuyên của nhiều chuyên gia kinh tế dành cho các DN để ngành công nghiệp Việt Nam không “ngơ ngác, run rẩy” trong thời TPP.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh: “Hiểu rõ luật chơi, chuẩn bị thật tốt để tận dụng tốt những cơ hội”

“Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Công Thương luôn nỗ lực trong công tác kết nối DN Việt Nam với các thị trường lớn trên thế giới thông qua việc đàm phán, ký kết các FTA song phương, đa phương. Đến nay, có thể nói Việt Nam là một trong những cửa ngõ hiếm hoi trên thế giới thông thương tự do với tất cả các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, ASEAN, Nga, Australia, New Zealand… Với sự năng động, chủ động và sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam, các DN Việt Nam sẽ hiểu rõ luật chơi do các FTA đặt ra và có những bước chuẩn bị thật tốt để tận dụng tốt những cơ hội do các FTA mang lại”.

Đọc thêm